"Sài Gòn, nhật ký cách ly" – đọc, nhìn và cảm nhận
"Sài Gòn, nhật ký cách ly" – đọc, nhìn và cảm nhận
Bạch Dương
Thứ bảy, ngày 25/12/2021 10:57 AM (GMT+7)
Trong nhịp sống tạm thời bình yên sau làn sóng đại dịch, đọng lại trong tâm trí mỗi người vẫn là những vết hằn của những tháng ngày khốc liệt. Khốc liệt và xót xa – một lần nữa được tái hiện trong "Sài Gòn, nhật ký cách ly" của Trần Thanh Bình.
Tôi, cũng như mọi người sống ở thành phố này, đêm đêm ngồi trong căn nhà của mình đếm số người nhiễm bệnh, bất lực trước cảnh bao số phận không níu được hơi thở giữa cuộc đời.
Ngày ngày nhìn ra bậc thềm hong nắng, đếm những sớm chiều qua. Đủ thứ cung bậc cảm xúc ùa đến trong cơ thể chứa đựng sự hữu hạn của kiếp người, chỉ chực bung nổ.
Trong tình cảnh ấy, tôi lẫn vào đồng bào tôi.
Và tôi ghi chép lại bất cứ điều gì mình đã trải: một bữa ăn tạm bợ hằng ngày, một chiêm nghiệm suy nghĩ, một nỗi đau ghìm nén, một thương xót vô biên. Tất cả, để nhủ, mình và người khác hãy cố sống an yên, vì chẳng còn cách nào khác hơn được nữa!", tác giả Trần Thanh Bình chia sẻ.
Giữa những tháng ngày khốc liệt đó, anh vẫn có một niềm tin: "Nhưng tôi tin Sài Gòn rồi sẽ đi qua những ngày ảm đạm. Hàng trăm con hẻm, tòa nhà rồi sẽ được gỡ bỏ những rào chắn vô tri ngăn lối ra, để những mạch máu âm thầm trào lên như trước." (trích" Sài Gòn, nhật ký cách ly").
Nhẹ nhàng. Không đao to búa lớn. Nhật ký của Trần Thanh Bình vừa cho thấy con người đời thường của một nhà báo, vừa bộc lộ những khoảng lặng trong tâm hồn một người đàn ông từng trải qua những trầm luân. Một con người luôn trăn trở với những việc làm tử tế, dù bé nhỏ.
Đặc biệt trong "Sài Gòn, nhật ký cách ly", tác giả sử dụng nhiều bức tranh ký họa màu nước do kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng thực hiện. Bên cạnh những bài viết của Trần Thanh Bình, những bức tranh của Nguyễn Ngọc Dũng đã góp phần đưa người đọc đến với một Sài Gòn buồn lặng lẽ bi thương trong những ngày đại dịch.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.