Những ngày này, cánh đồng Đông Thạnh (Hóc Môn, TP.HCM) lúc nào cũng rộn tiếng nói cười của nông dân.
Cây thuốc chín vàng, chuẩn bị cho mùa thu hoạch
Dựng trại giữa đồng để ủ và sắt thuốc
Ông Kiều Anh Dũng một trong những chủ đất trồng thuốc lào ở Hóc Môn cho biết, từ một tháng trước, ông đã dựng trại ngay giữa cánh đồng và gọi thêm 40 nhân công chuẩn bị cho đợt bẻ lá cuối cùng.
Khi nông dân đang lặt lá ngoài đồng thì trong trại, 35 người thợ cắt cũng đem bàn ngựa (máy xắt thuốc) đến tập trung. Cứ 10 người ngồi thành 1 dãy, quay ngược chiều nhau. Gọi là máy nhưng việc xắt được sợi thuốc mỏng lại phụ thuộc vào tay nghề của thợ.
Cảnh xắt thuốc trong trại
Mỗi bàn ngựa dài chừng 1 mét, rộng khoảng 20 cm. Phía đầu bàn cắt được chạm trổ hình ngựa hoặc chim phượng hoàng.
Bàn xắt thuốc
Ông Bình, một trong những thợ xắt kể lại, ngày trước bàn còn chạm trổ nhiều, có người khó tính phải chọn bằng gỗ mít ướt để làm. Ngày nay người ta chú ý nhiều hơn đến tính tiện dụng nên nhiều bàn xắt chỉ đơn giản có 4 chân, thân máy, dao xắt... Phía cuối bàn xắt có một khoảng trống, người thợ cuộn lá thuốc đã ủ thành từng bó đưa vào. Họ dùng cả tay và chân phối hợp nhịp nhàng để đẩy bó thuốc ra đầu lỗ bên kia. Tay phải dùng dao xắt đều từ trên xuống.
Mỗi người thợ đều mang theo 4 – 5 lưỡi dao. Lưỡi dao dài 50 cm, bản rộng 4 cm, dày 4 mm. Bên cạnh bàn xắt của mỗi người lại đặt thêm 1 viên đá mài. Thợ cứ sắt chừng 50 – 70 nhịp lại mài dao một lần.
Lá thuốc được ủ 1 ngày đêm
“Một người thợ giỏi có thể xắt 700kg một đêm, trung bình thì khoảng 400 – 500 kg. Có người theo nghề từ lúc còn thanh niên, đến nay đã bạc cả mái đầu”, ông Bình kể.
Ông Dũng cho biết tiền trả công hái lá 70.000đồng/1 buổi, công rọc cuống lá 100.000đồng/người, công thợ xắt 3.000 đồng/1 kg thuốc tươi. Mỗi líp phơi cân đúng 3kg thuốc tươi. Sau khi phơi, thuốc khô lại còn 6 – 7 lạng.
Rọc bỏ cuống lá trước khi sắt
Trước đó, lá bẻ xong phải ủ 1 đêm. Hôm sau người ta bắt đầu rọc bỏ cuống lá. Lá lại được ủ thêm một ngày nữa mới đem ra xắt thành sợi. Sợi thuốc phải được phơi đúng 3 ngày 3 đêm. Phơi sương trước, phơi nắng sau.
Xắt thuốc xong, ngay trong đêm, chủ đất sửa soạn mâm hoa trái, nhang đèn cúng trời đất cầu cho mưa thuận gió hòa. Sau đó, người ta đưa thuốc từ trại ủ ra một trại khác để lên líp phơi.
Đưa lá về trại tập kết
Trước khi lên líp, nông dân phải giũ 2 lần cho sợi thuốc tách rời ra, không để vón cục. Cứ hai người xếp thuốc lên liếp gọi là một mâm. Mỗi người cầm một cây đũa làm bằng tre, chẻ đầu thành 3 cạnh để xới đều sợi thuốc. Xếp xong thì đưa ra phơi ngay bên cạnh. Ban đêm, mọi người phải ở lại thức canh thuốc phòng trời mưa.
Liếp phơi sợi thuốc
Quá trình xắt thuốc, rã thuốc, lên liếp, phơi hoàn tất trong một đêm như thế người ta gọi là một tang. Công việc cứ rộn ràng như thế đến 9h tối thì xong. Ông Dũng cho biết: “Vì lô thuốc mới được xắt chỉ hơn 1 tấn nên xong sớm. Ở những tang nhiều hơn, người ta làm thâu đêm suốt sáng, còn đông vui hơn nữa”.
Xới đều thuốc ra liếp và phơi ngay trong đêm
Sau khi phơi xong, thương lái sẽ vào cân ký, đóng bao đưa ra miền Bắc vì ngoài đó mới là thị trường tiêu thụ chính. Ông Dũng cũng như nhiều người nơi đây không thể biết ai là người đầu tiên mang nghề thuốc vào Nam. Chỉ biết từ năm 1954, nghề này cứ thế cha truyền con nối.
Nông dân bẻ lá
“Trên vùng đất ngập phèn này, ngoài việc trồng rau và các loại lúa năng suất thấp, nghề trồng thuốc lào giúp kiếm thêm thu nhập và tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương”, ông Dũng nói.
Sợi thuốc phơi khô sau 3 ngày
Hạt giống giữ lại cho mùa sau
Vui lòng nhập nội dung bình luận.