Ngoài giàn câu dây mà chiều dài lên đến 40-50km, người săn cá mập còn có nhiều đồ nghề “phụ trợ” khác như vồ, khấu, đoọc...
|
Ngư dân đang dùng khấu để kéo cá lên khoang đem đi bán. |
Nghề không dành cho kẻ yếu tim
Số lượng tàu chỉ khoảng chục chiếc, ngư dân làm nghề chưa đến trăm người, nhưng xã Nghĩa An (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) vẫn nổi tiếng với nghề săn cá mập. Trong căn nhà nằm gần mép sóng ở thôn Tân An, khi vò rượu và đĩa mồi nhắm chế biến từ cá mập vơi đi hơn phân nửa, thuyền trưởng kiêm chủ tàu săn cá mập QNg - 97319 Cao Tận mới chịu kể về nghề:
“Lần đầu tiên khi săn được cá mập, kéo nó lên, chỉ nhìn thấy hàm răng nó là tôi sởn cả gai ốc. Mỗi con cá mập nặng 5-7 tạ, to gấp nhiều lần thân người lớn. Có con kéo lên boong cứ quẫy mình đập đuôi xuống mạn tàu đùng đùng, miệng ngoác to để lộ hàm răng như hai hàng dao dựng đứng cứ chực lao tới táp người. Sau mấy phiên biển, tôi mới hết sợ loại “cọp biển” này.
Lão ngư Trần Văn Mười -người có thâm niên hơn 30 năm trong nghề quả quyết: Lần đầu tiên thấy cá mập, người sợ đủ chục. Thậm chí, có người sợ quá đến ngủ mơ la hét thất thanh. Theo tôi, cái đáng sợ của nó không phải là hàm răng mà là đôi mắt hung ác, lạnh giá”.
Theo lão ngư Mười, để bắt cá mập, ngư dân chỉ sử dụng cách duy nhất là câu. Tuy nhiên không phải như kiểu dùng cần thông thường mà là câu dây, hay còn gọi là giàn câu. Lưỡi câu cá mập (to gấp vài chục lần lưỡi câu thường) được đúc bằng inox, buộc vào một đoạn cước rời, dài từ 5-10m. Sau đó đem cột những sợi cước rời có lưỡi câu vào một sợi dây cước chính, với khoảng cách từ 40-50m/lưỡi.
Chủ tàu Cao Tận cho biết: Một giàn câu 1.000 lưỡi thì dây câu phải dài 45km, chi phí trên 100 triệu đồng. Do cá mập quá nặng nên lưỡi và dây câu phải là hàng xịn, chục năm trước phải nhập từ nước ngoài về. Gần đây trong nước mới có. Ngoài ra, đồ nghề săn cá mập còn có dụng cụ phụ trợ là đoọc, khấu và vồ.
|
Lưỡi câu dùng để câu cá mập |
Cây đoọc làm bằng sắt, to cỡ ngón tay út, dài từ 25-35cm, có 1 đầu như mũi tên, đầu kia được cuốn tròn để cột dây. Với những con cá mập lớn, sau khi mắc câu vẫn chưa chết, thì lắp cây đoọc vào một ống thép, rồi đâm vào mình cá để làm nó mất sức trước khi đưa nó lên boong tàu. Còn khấu giống như một lưỡi câu to, có cán cầm dùng để móc vào mang, hàm của cá để đưa nó xuống hầm. Và cuối cùng là vồ làm bằng gỗ, có hình dáng như cái búa lớn, dùng để đập cá cho chết hẳn, tránh gây hại cho người.
Chuyến ra khơi bạc tỷ
Thời gian ra khơi của nghề câu cá mập kéo dài khoảng một tháng. Mỗi tàu câu được khoảng 40-60 con, trong đó có nhiều con nặng hàng tạ. Cách đây 3 năm, tàu anh Tận câu được con cá mập nặng cả tấn. Đây cũng là con to nhất mà ngư dân câu cá mập Quảng Ngãi bắt được cho đến nay. Thứ đắt tiền nhất của cá mập nằm ở bộ vi khi chiếm đến 3/4¾ giá trị của con cá.
Chị Nguyễn Thị Lai - chủ một đại lý thủy sản ở Nghĩa An cho biết: Mấy năm trước, phải đến 2,5 triệu đồng/kg vi cá mập, nhưng nay còn 1,8 triệu đồng/kg, còn thịt thì chỉ khoảng 25.000 đồng/kg. Bình quân mỗi con cá mập có giá khoảng chục triệu đồng. Một chuyến biển, trừ chi phí, mỗi tàu săn cá mập thu về khoảng 300-500 triệu đồng.
Nhiều tàu gặp luồng, kiếm 700-800 triệu đồng chỉ trong một chuyến ra khơi. Phiên biển năm ngoái, tàu anh Tận câu được 90 con, bán gần 900 triệu đồng. Tuy nhiên đang giữ kỷ lục về số lượng cá câu được nhiều nhất trong một phiên biển là tàu của ông Cao Trung, anh ruột chủ tàu Cao Tận.
“Loài cá mập rất khỏe và sống dai vô cùng. Nhiều con dù đã dính câu cả nửa ngày, sau đó dùng đoọc đâm hàng chục nhát nhưng chẳng ăn thua gì. Vì vậy khi đưa lên boong, mọi người trên tàu thay nhau dùng vồ đập liên tục vào đầu cá đến mỏi nhừ cả tay thì nó mới chịu chết hẳn”.
Ngư dân Nguyễn Phi Hùng (thợ săn cá mập Nghĩa An)
Vào phiên biển đầu năm 2011, sau khi ra đến nơi khai thác, ngay lần thả câu đầu tiên, tàu ông Trung đã bắt được 98 con, bán được 1 tỷ đồng. “Đây cũng là lần thả câu “khủng” nhất trong vòng 40 năm nay, chưa nghe có tàu câu cá mập nào ở miền Trung đạt được” - lão ngư Huỳnh Văn Thành quả quyết.
Ngư dân tham gia săn cá mập bao giờ cũng được chia lợi nhuận nhiều hơn các nghề khác. Theo chủ tàu Cao Trung, sau khi trừ chi phí thì chủ tàu đánh cá mập chỉ được nhận khoảng 55%, còn lại là chia ngư dân, trong khi các nghề khác chủ tàu lấy đến 60-80%.
Đây cũng là nghề không phải băn khoăn nhiều về đầu ra. Rất hiếm khi ra khơi mà tàu câu cá mập bị lỗ như các nghề khác. Tuy nhiên, số lượng tàu săn cá mập đang giảm dần theo thời gian bởi nghề quá nguy hiểm. Xã Nghĩa An trước có gần 30 tàu giờ chỉ còn 10 tàu ra khơi.
Công Xuân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.