Săn cá ngừ: Kinh hoàng đối mặt với cá nhà táng và... bão

Thứ sáu, ngày 22/07/2011 19:00 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bỗng nhoáng một cái, chỉ kịp nhận ra có một vệt đen lao qua, chú cá biến mất. Khuôn mặt thuyền trưởng Giành ngệt ra: “Ông rồi, Ông cướp cá mất rồi”.
Bình luận 0

Sau những ngày khởi đầu gian truân nhưng suôn sẻ, vận đen bắt đầu đeo bám chúng tôi. Từ mẻ câu thứ 4 ngày 15.6, đến mẻ câu thứ 10 không được con cá nào, thêm 8 lần hỏng máy, đường ống dẫn dầu vỡ, chảy mất 200 lít dầu.

Vận đen lại gặp Ông… cướp cá

Mẻ câu thứ 10 đang bủa câu thì chúng tôi nghe tin bão khẩn cấp, cơn bão số 2. Mẻ này mất 2 con cá. Thuyền trưởng Giành đăm chiêu nhìn sợi dây câu bị mất cá. Đã 9 ngày liền không được con cá nào.

Tôi thực sự ngạc nhiên tại sao những thuyền viên trên tàu không cãi nhau, không đổ lỗi cho ai. Nếu họ đổ lỗi cho sự có mặt đen đủi của tôi, chắc tôi cũng không dám trách họ. Hỏi anh em về sự cố này, họ lại an ủi tôi, rằng có tàu đi chuyến câu 25 mẻ được 1 con cá, tàu mình chưa phải là kỷ lục về cái sự “đen”.

img
“Chiến lợi phẩm” lúc rạng đông.

Rau đã hết, bữa ăn chỉ có cá. Lũ chuột hết rau ăn quay ra phá như giặc. Mẻ cá thứ 11 đánh rạng, bủa câu lúc 1 giờ sáng ngày 24.6, kéo câu, từ 12 giờ. Suốt thời gian bủa câu rồi chuẩn bị kéo câu anh Giành gần như không nói gì. Có cái gì đó hơn là sự đen đủi, không cá mà tôi chưa biết.

Rồi tôi cũng được biết về sự im lặng của anh khi từ c…á buột ra từ mũi tàu. Con cá hiện ra mờ mờ trong làn nước, khá to, quen thuộc, chắc chắn là bò gù. Bỗng nhoáng một cái, chỉ kịp nhận ra có một vệt đen lao qua, chú cá biến mất. Khuôn mặt thuyền trưởng Giành ngệt ra: “Ông rồi, Ông cướp cá mất rồi”.

Ông đây là cá nhà táng, khôn kinh khủng. Ông đã lần được dây câu là cướp cho bằng hết, mà lấy khéo lắm, bao giờ cũng chỉ đúng đến lưỡi câu là dừng.

Với những ngư dân Phú Yên, gia đình cá Ông có ba anh em. Ông lớn hiền lành, khi bão tố thường xuất hiện để cứu người. Ông út là cá heo, dân miền Trung không gọi là cá heo, mà gọi là nược. Ông út nhỏ nhất, vui tính, thường đùa với người.

Bỗng nhoáng một cái, chỉ kịp nhận ra có một vệt đen lao qua, chú cá biến mất. Khuôn mặt thuyền trưởng Giành ngệt ra: “Ông rồi, Ông cướp cá mất rồi”. Ông đây là cá nhà táng, khôn kinh khủng.

Khi trời sắp động Ông út hay xuất hiện, bơi quanh tàu nhiều vòng, nhảy lên liên tiếp báo cho ngư dân. Khi đang kéo câu ở mẻ thứ 5 ngày 16.6, lúc 11 giờ 50 phút, đàn nược xuất hiện, bơi quanh tàu, không thấy anh thuyền trưởng hào hứng mà lại bật Icom, chỉ 5 phút sau nhận được tin báo có áp thấp nhiệt đới. Anh em bộ đội ở Trường Sa cũng bảo khi nào cá heo bơi quanh đảo rồi nhảy lên liên tiếp là trời sắp động.

Còn Ông nhà táng, nói như anh Giành “phá lắm”, có lần tàu của anh đã bị mất tới 16 con cá. Ông cướp trắng cá là vậy mà tuyệt không ai dám nói từ nào hơi nặng để xả cái bực. Cái lẽ “trong nhà có người nọ, người kia”, nể và chịu ơn Ông cả, Ông út mà phải nể luôn cả cái Ông cướp cá này. Hôm qua lúc mất 2 con cá anh Giành đã ngờ gặp Ông nhà táng, nay thì đích thực.

Đến cuối mẻ câu chúng tôi bị Ông cướp thêm 1 chú cá nữa. Kết thúc mẻ câu vẫn trắng tay, anh Giành quyết định rời vùng biển nam Trường Sa ngay trong đêm, quay thuyền ngược lên hướng bắc vào vùng biển bão.

Tàu “ốm” vào vùng bão

Đêm 24.6, tàu chúng tôi men theo đường Kinh tuyến 112 để ngược lên vùng bắc Trường Sa, khu vực nằm giữa Vĩ tuyến 11 đến 13, vùng rốn bão của Biển Đông. Đây cũng là vùng biển mà thường bão Thái Bình Dương chọn để đổ bộ vào Biển Đông.

Đã qua cơn bão số 2, chuyển lên hướng bắc thời điểm này tốn thêm 2 ngày và chừng 400 lít dầu. Lên bắc Trường Sa lúc này nguy cơ gặp “tàu lạ” cũng rất lớn, mà những con tàu lạ đợt này như hung hãn hơn. Con tàu chúng tôi giờ đã thực sự là con tàu “ốm”, đã hơn gần 20 lần máy hỏng với hàng loạt bệnh.

Cả những cơn bão lòng đang hình thành trong anh em thuyền viên. Cuối mùa cá mà nhiều người tiền để dành chuẩn bị cho những tháng mùa đói tới đây chưa có. Cá lúc này cần hơn là tránh bão. Vừa lên vùng bắc Trường Sa, đêm 26.6 chúng tôi lại bị máy bay dọa, cũng sợ, nhưng thôi, mặc kệ nó.

Chiều 27.6, mẻ câu thứ 13 bắt đầu được kéo lúc 13 giờ, đây cũng là ngày thứ 13 không được con cá nào, thực sự là u ám. Những con số 13 đen đủi chồng lên nhau, tôi ngại, ngại đến độ không chuẩn bị máy ảnh như mọi mẻ câu trước đó. Ngồi trong khoang tàu cạnh thuyền trưởng Giành, đôi lúc thấy mồ hôi túa ra trên trán.

Ai đó gào lên “… C…á”, lúc ấy là 14 giờ 20 phút. Anh Giành và tôi lao ra boong tàu, cầu mong cá mập, Ông nhà táng đừng cướp của chúng tôi như đã từng cướp. Chú bò gù nổi lên, chừng 35kg, rất dễ để anh em đưa lên tàu. Những nụ cười rạng rỡ, đã lâu lắm rồi, như cả thế kỷ, mới được thấy tất cả anh em cùng cười như thế, ai đó bảo: Bà, Cậu cho rồi. Cuối buổi câu thêm 1 chú bò gù, mẻ câu thứ 14 cũng được 2 chú bò gù.

Mẻ câu thứ 15 ngay từ những tay câu đầu tiên đã thấy cá, cứ thế cá theo nhau chui lên, chú nào cũng to 40-50kg, có chú tới hơn 60kg, cả thảy 9 chú. Trong cái may, lại may thêm, chú cá thứ 8 tưởng đã mất vào mồm cá mập khi thấy bóng nó lao lên đớp lấy, cũng nhoằng một cái nhưng chỉ mất cái đuôi cá cùng vài vết rạch sâu hoắm trên thân cá. Anh em thì thầm “đã qua cái tổn”, qua được cái mốc hòa vốn, bắt đầu từ đây, làm để ăn, để cho vợ con chứ không phải “đi bán dầu không công cho ông đại lý”. Mẻ câu 16 được thêm 4 con bò gù. Con tàu ốm rạo rực vui, dù có tin vùng thấp đang mạnh lên, biển bắt đầu lặng sóng.

Đang khi mọi người tin chắc đã vào mạch cá, thì cá lại biến mất. không thể hiểu nổi, 4 mẻ cá cuối trắng tay, bất ngờ đến độ ngơ ngác. Thật đúng, cứ như… đi câu. Đường về buồn rã người, đến cửa biển lại hỏng máy thêm lần chót. Chỉ có một cái may, vùng thấp chưa thành bão.

-----------------

Bài cuối: Về bến

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem