Săn rắn biển làm mồi nhậu: Nghề nguy hiểm

Thứ hai, ngày 01/09/2014 21:07 PM (GMT+7)
Nghề đánh bắt đẻn bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 8 âm lịch, trong đó thời gian nhiều nhất là từ tháng 5 đến 6. Để bắt được nhiều đẻn, ngư dân phải đi xa từ vài chục cây số. Hiện nay, đẻn lớn thường được thương lái thu gom để xuất sang nhiều nước, trong đó chủ yếu là thị trường Trung Quốc.
Bình luận 0
Vựa đẻn Tuấn Hưng (phường 5, TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là một trong những vựa lớn. Cứ 2 ngày, các ghe cá lại tấp vào giao hàng. Bước chân vào khu vực thu mua, chúng tôi không khỏi rùng mình bởi hàng ngàn con đẻn la liệt dưới sân, trong thùng chứa, trong khi nhân viên của vựa vẫn vô tư dùng tay không để bốc đẻn từ thùng này qua thùng khác.

Một nhân viên cho biết, những con đẻn này “lành”, không có độc, còn loại có độc đã được bỏ riêng một chỗ. Ông ba Hưng, chủ vựa cho biết, ông sống bằng nghề thu mua đẻn gần 20 năm. Đẻn có nhiều loại khác nhau và không phải loại nào cũng có độc.

Vừa nói, ông vừa cầm một con đưa lên như để chứng minh nó hoàn toàn vô hại. Chỉ sang thùng có chứa những con đẻn độc, ông ba Hưng cho biết, việc phân biệt rắn độc hay không chủ yếu dựa vào đặc điểm ở đầu và màu sắc. Loại độc nhất là rắn kim, là loại rắn nhỏ, đầu có màu vàng, khác so với những con rắn không có độc. Loại này giá đắt hơn và chủ yếu dùng để ngâm rượu. Kế đến là rắn lá, rắn hèo, rắn mây… nọc độc tương đương với rắn hổ mang.

 img

Rắn biển được lưu giữ trong thùng tại một vựa rắn ở TP.Vũng Tàu.

Theo ông ba Hưng, ông cũng từng bị đẻn độc cắn vào tay trong khi thu mua và phải đi bệnh viện cấp cứu. “Cũng may là dân kinh doanh lâu năm, có kinh nghiệm nên tôi biết bị rắn độc cắn liền vội vàng vào bệnh viện để điều trị, nếu không thì nguy”, ông ba Hưng nói. Bản thân những nhân viên của ông cũng có vài người bị rắn cắn, phải vào bệnh viện cấp cứu.

Chìa bàn tay với nhiều vết sẹo, bà Mai, chủ vựa đẻn khác ở phường 5 nói: “Đây là vết cắn của mấy con rắn không có độc, nhưng tôi cũng bị mất nhiều máu lắm. Để bảo vệ mình, chúng tôi thường đeo bao tay dày nhằm tránh bị rắn cắn nhiều gây mất máu và đề phòng rắn có độc”.

Nhiều ngư dân săn bắt đẻn cho biết, đẻn là loài có chất độc mạnh, có thể cắn chết người nếu không được cấp cứu kịp thời. Trước đây, trong khi đánh bắt nếu vớt được đẻn, ngư dân thường phải dùng gậy kéo lên và thả trở lại biển, không dám cho lên tàu cá. Nhưng giờ đây, săn đẻn được coi là một trong những công việc cho thu nhập cao. Vì vậy, dù biết đánh bắt đẻn là nguy hiểm nhưng nhiều người vẫn ham.

Nghề đánh bắt đẻn bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 8 âm lịch, trong đó thời gian nhiều nhất là từ tháng 5 đến 6. Để bắt được nhiều đẻn, ngư dân phải đi xa từ vài chục cây số. Hiện nay, đẻn lớn thường được thương lái thu gom để xuất sang nhiều nước, trong đó chủ yếu là thị trường Trung Quốc.

Những loại nhỏ thì bán lẻ cho người dân và một số quán ăn tại TP.Vũng Tàu. Bình quân 1 kg đẻn mua vào là 150.000 đồng, bán ra từ 250.000-300.000 đồng và rất được khách hàng ưa chuộng. Các loại đẻn độc chủ yếu dùng để ngâm rượu thì có giá cao hơn nhiều, tùy loại to, nhỏ khác nhau sẽ có giá khác nhau.

Nhu cầu sử dụng đẻn của thị trường tăng cao là động lực để ngư dân ngày đêm săn tìm đẻn. Dù nhận thức rõ mối nguy hiểm từ đẻn nhưng vì cuộc mưu sinh nên nhiều người vẫn bất chấp. Bên cạnh đó, với kiểu săn bắt tận diệt như hiện nay, nguy cơ cạn kiệt đẻn là rất cao.
(Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem