Sản xuất gạo chất lượng cao: Chặng đường còn dài

Thứ tư, ngày 14/11/2012 06:53 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, cải thiện chất lượng gạo, từ đó nâng cao thu nhập người trồng lúa phải là giải pháp đồng bộ từ khâu tổ chức sản xuất đến tiêu thụ.
Bình luận 0

Chưa thể sản xuất lớn

Để có được lúa hàng hóa cho xuất khẩu, nhiều năm trước, Bộ NNPTNT đã đưa ra chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Chương trình này không còn được nhắc tới, gần đây lại là mô hình cánh đồng mẫu lớn?

- Đúng là có chương trình này do Bộ NNPTNT khởi xướng và có phân bổ diện tích thực hiện về đồng bằng sông Cửu Long cho mỗi tỉnh. Nhưng mà chưa có đề án, kế hoạch cụ thể để triển khai 1 triệu ha đó, cho nên Bộ phát động, mỗi tỉnh cũng có phát động, nhưng sau đó là khó khăn và đi vào quên lãng.

Tôi nghĩ, để làm 1 triệu ha đó phải chia ra làm nhiều giai đoạn. Cái thứ hai, còn nhiều điều kiện khác nữa… Quy mô sản xuất, tổ chức sản xuất như thế nào trong lúc điều kiện sản xuất phổ biến là manh mún. Rồi giống như thế nào, kỹ thuật như thế nào, thị trường như thế nào, rồi nhãn hiệu như thế nào…

img
Hình thành vùng chuyên canh là việc làm cần thiết để nâng giá trị xuất khẩu cho hạt gạo Việt Nam.

Dù thế nào, hình thành vùng chuyên canh vẫn cần thiết để nâng giá trị hạt gạo xuất khẩu?

- Đúng là vậy. Hình thức tôi thấy có nhiều ưu điểm, nhưng từ trước đến nay có lẽ mình chưa chú ý để phát huy nhân rộng. Như là Nông trường Sông Hậu, Nông trường Cờ Đỏ. Người ta có 7.000 – 8.000ha để chỉ sản xuất 1 – 2 giống lúa chất lượng cao và lúa thơm. Mô hình này làm cho người nông dân khá lên, cũng có được lúa chất lượng cao cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Hiện nay có mô hình cánh đồng mẫu lớn. Tôi thấy họ gọi mẫu là đúng, bởi vì chỉ là mẫu chứ đâu có làm lớn được.

Ông có thể nói rõ hơn vì sao doanh nghiệp không thể làm quy mô lớn?

- Ví dụ vừa qua một đơn vị của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam có đầu tư cả phân bón, giống, thuốc… cho một tổ sản xuất khoảng 400ha ở Mộc Hóa. Vụ đông xuân họ bán lại cho công ty rất khá, vì giá lúa thị trường lúc đó còn đứng ở mức tốt. Nhưng hè thu vừa qua, theo cam kết lẽ ra họ bán cho công ty 2.000 tấn, nhưng họ chỉ bán hơn 1.000 tấn thôi, số còn lại họ bán cho hàng xáo bên ngoài. Vì nhiều trường hợp hàng xáo chỉ mua cao hơn vài chục đồng một ký lúa là họ bán tuốt. Một số nơi họ còn chưa trả lại tiền vật tư cho công ty. Mà cái này thì không thể kiện thưa gì.

Chờ cơ chế liên kết

Nếu liên kết các doanh nghiệp, bên lo phân bón, thuốc trừ sâu, bên lo tổ chức tiêu thụ, theo ông, sẽ khả thi hơn không?

- Tôi nghĩ đó cũng có thể là cách làm tốt, chứ như vừa qua thử nghiệm, một công ty phải bỏ ra quá nhiều khoản đầu tư ban đầu. 400ha đã khó vậy… Cũng có đơn vị làm 1.000 – 2.000ha. Nhưng làm hàng chục ngàn ha là khoản rất lớn, một công ty sẽ khó kham nổi. Vừa rồi có đơn vị làm cánh đồng mẫu lớn đã gặp tình trạng sấy không kịp. Mà sấy không kịp thì sẽ ảnh hưởng chất lượng ngay.

Như ông nói thì một doanh nghiệp sẽ không thể làm từ khâu trồng trọt đến tiêu thụ?

- Tôi đi nhiều nước trên thế giới, họ đều chia ra nhiều khâu. Ở Thái Lan, 80% lượng gạo là phải dựa vào thương nhân trung gian đi mua tận ruộng. Nông dân ở Việt Nam càng khó, chỉ có một vài ha thì làm gì sắm được phương tiện để chở. Thương nhân họ mua từ các hộ nông dân rồi bán lại cho các nhà máy chế biến xay xát, sau đó nhà máy bán cho nhà xuất khẩu. Hãy xem Honda, ngay cả là ngành công nghiệp họ cũng rạch ròi người sản xuất, người phân phối.

Trở lại chuyện lúa gạo. Nếu một doanh nghiệp làm thì vốn đã là vấn đề khó rồi. Cái thứ hai, ông kinh doanh thì không thể biết những vấn đề về kỹ thuật sử dụng phân bón, giống, thuốc… Cũng không thể tuyển dụng, nuôi thêm bộ máy để đi làm kỹ thuật các khâu này.

“Ai bị dị ứng chứ tôi cho rằng mô hình hợp tác xã vẫn là hay nhất. Hợp tác xã này tập hợp các hộ nhỏ lại và đảm nhận luôn cả khâu dịch vụ, như gieo sạ, gặt đập, phơi sấy...”.

Trong trường hợp liên kết, theo ông nên phân vai giữa các bên tham gia như thế nào?

- Trước hết với nông dân, liên kết là liên kết với ai? Nếu nông dân chỉ có 5 – 7 công đất thì làm sao liên kết? Phải có một tổ chức để doanh nghiệp xuống làm với nông dân mới được. Nhờ tập trung nhiều hộ nên quy mô sẽ khá hơn, hợp tác xã sẽ có điều kiện trang bị máy móc, nhà kho để làm các khâu này.

Hợp tác xã cũng có thể vay vốn để mua sắm phương tiện chở lúa gạo đến các công ty lương thực thuận lợi hơn. Như vậy hợp tác xã còn có thêm tiền thu từ các dịch vụ này thay vì phải qua các trung gian khác, từ đó cũng bổ sung thu nhập cho bà con xã viên.

Tiếp theo ông phân bón, thuốc bảo vệ thực vật xuống cung cấp phần vật tư và hướng dẫn kỹ thuật. Hoặc ngân hàng cho hợp tác xã vay mua giống, mua thuốc, mua phân…, tới vụ bán lúa rồi thì hợp tác xã trả lại vốn cho ngân hàng. Các quy định phải rõ ràng thì mới làm được.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem