Sản xuất khẩu trang không “cứu” được doanh nghiệp dệt may mùa Covid-19
Sản xuất khẩu trang không “cứu” được DN dệt may trong quý I
Quốc Hải
Thứ ba, ngày 12/05/2020 18:48 PM (GMT+7)
Theo đánh giá của SSI Research, trong quý 1, do giá trị thị trường của khẩu trang vải khá thấp, hoạt động sản xuất khẩu trang chủ yếu nhằm tạo việc làm cho công nhân hơn là tạo ra lợi nhuận cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) ngành dệt may.
Theo SSI Research, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tính đến tháng 4 đạt 10,64 tỷ USD (giảm 6,6% so với cùng kỳ), trong khi tổng kim ngạch nhập khẩu giảm còn 6,39 tỷ USD (giảm 8,8%). Để bù đắp cho sự sụt giảm về nhu cầu đối với các sản phẩm may mặc, các công ty dệt may đã chuyển sang sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn để phục vụ trong nước và xuất khẩu nhưng kết quả kinh doanh quý 1 cũng không mấy khả quan.
Đa phần đều sụt giảm lợi nhuận
Theo BCTC quý 1 của các DN ngành dệt may được công bố, hầu hết đều sụt giảm cả về doanh thu thuần và lợi nhuận ròng so với cùng kỳ.
Chẳng hạn, tại Tổng Công ty May Nhà Bè (MNB), doanh thu trong quý của DN này đạt gần 1.063 tỷ đồng, chỉ tăng tăng 4% so cùng kỳ. Do giá vốn tăng nhanh hơn doanh thu nên công ty chỉ thu được hơn 174 tỷ đồng lãi gộp, giảm 14% so với cùng kỳ. Mặc dù đã tiết giảm so với cùng kỳ nhưng chi phí bán hàng (giảm 2%) và chi phí quản lý doanh nghiệp (giảm 12%), vẫn ở mức khá cao so với lợi nhuận gộp thu được. Do đó, May Nhà Bè lỗ thuần hơn 2 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 8,7 tỷ đồng.
Tương tự, Tổng Công ty CP May Việt Tiến (VGG) cũng ghi nhận lỗ trong quý 1. Theo VGG, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, đặc biệt là tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và EU (các thị trường xuất khẩu chủ yếu của May Việt Tiến), các đối tác nhập khẩu tại các nước này đã giảm và hủy số lượng lớn các đơn hàng. Đồng thời, sức mua trong nước cũng giảm, dẫn đến doanh thu thuần quý 1 giảm 15%, xuống còn 1.475 tỷ đồng.
Kết quả là, kết thúc quý 1, May Việt Tiến ghi nhận lỗ hơn 22 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 85 tỷ đồng.
Hàng loạt DN dệt may khác cũng báo lỗ trong quý 1. Chỉ có hai DN ghi nhận mức tăng trưởng dương là GIL (tăng 32% so với cùng kỳ cả về doanh thu và lợi nhuận ròng) và STK (tăng 2% doanh thu và 0,3% lợi nhuận ròng so với cùng kỳ). Đáng chú ý, đây là 2 DN không chủ lực trong dòng sản phẩm may mặc.
Cụ thể, dòng sản phẩm chính của GIL là các sản phẩm dệt may gia dụng (túi trữ đồ bằng vải, hàng nội địa, túi vải thô, ba lô …), trong khi STK sản xuất sợi polyester.
Theo SSI Research, thời gian qua trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến các đơn hàng may mặc giảm mạnh, để bù đắp cho sự sụt giảm nhu cầu đối với các sản phẩm may mặc, nhiều công ty dệt đã chuyển sang sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
"Tuy nhiên, do giá trị thị trường của khẩu trang vải khá thấp, hoạt động sản xuất khẩu trang chủ yếu nhằm tạo việc làm cho công nhân hơn là tạo ra lợi nhuận cho hoạt động kinh doanh", SSI Research đánh giá.
Tình hình sẽ càng khó khăn trong thời gian tới khi diễn biến dịch Covid-19 "chưa thể tốt lên". Theo đánh giá của Vinatex (HoSE: VGT), ước tính ngành dệt may có thể mất 30% đơn đặt hàng trong tháng 4 và 50% đơn đặt hàng trong tháng 5. Một vấn đề khác là sự phục hồi của nguồn cung trong bối cảnh nhu cầu giảm có thể khiến giá sản phẩm dệt may trên toàn thế giới giảm 20%.
Trước những khó khăn này, hầu hết các DN ngành dệt may đều điều chỉnh kế hoạch năm 2020 theo hướng giảm lợi nhuận. Chẳng hạn TCM ước giảm 13% lợi nhuận, VGG ước sụt giảm 80%, M10 ước sụt giảm 20% trong kịch bản cơ sở và giảm 39% trong kịch bản xấu nhất.
Cơ hội có mở ra với DN dệt may khi EVFTA có hiệu lực?
Hiện tại, Việt Nam đã lên kế hoạch phê chuẩn EVFTA trong tháng 5 và Hiệp định sẽ có hiệu lực trong tháng 7 (2 tháng sau khi phê chuẩn). Hầu hết các sản phẩm may mặc của Việt nam hiện đang có mức thuế suất ưu đãi là 9% theo Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Vì mức thuế suất cơ bản được EVFTA sử dụng là mức thuế suất theo Nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN) là 12%, hầu hết các sản phẩm may mặc của Việt Nam sẽ không được giảm thuế ngay lập tức.
Cụ thể, hầu hết các sản phẩm sẽ được hưởng mức thuế suất thấp hơn từ năm thứ 2 kể từ khi EVFTA có hiệu lực (8% đối với các sản phẩm loại B5 và 9% đối với các sản phẩm loại B7 trong năm thứ 2). Hơn nữa, EVFTA yêu cầu các loại vải được sử dụng để sản xuất sản phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam hoặc Châu Âu hoặc Hàn Quốc (Quốc gia có FTA với Châu Âu) và các công đoạn cắt may phải được thực hiện tại Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, hơn 60% vải nhập khẩu vào Việt Nam là từ Trung Quốc và Đài Loan, và việc các nhà sản xuất hàng may mặc trong nước chuyển sang nguồn vải của Hàn Quốc là không kinh tế ngay cả khi được hưởng lợi từ mức thuế suất 0% từ EVFTA.
Do đó, theo đánh giá của SSI Research, EVFTA không mang lại hiệu quả ngay lập tức cho ngành dệt may. Việc các công ty dệt may của Việt Nam có thể tận dụng Hiệp định này hay không phụ thuộc phần lớn vào khả năng mở rộng công suất sản xuất vải trong hai năm tới của Việt Nam.
Trong số các công ty may mặc niêm yết trong nước, hiện tại TNG có thị phần xuất khẩu sang Châu Âu lớn nhất về doanh thu (53%), tiếp theo là GMC (40%).
Tuy nhiên, GMC lại phụ thuộc vào vải nhập khẩu từ Trung Quốc, điều này có nghĩa là công ty không đáp ứng được yêu cầu xuất xứ từ khâu vải trở đi của EVFTA. Trong khi đó, TNG có thể có nhiều cơ hội vì công ty sử dụng một lượng vải nội địa nhất định. Tuy nhiên, khả năng đối với TNG cũng như các nhà sản xuất may mặc khác, để cụ thể hóa lợi ích của EVFTA, vẫn phải phụ thuộc vào công suất sản xuất vải của Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.