Tinh gọn, sáp nhập bộ máy: Sẽ không còn chuyện chồng chéo nhiệm vụ, "đá bóng" giữa các bộ!
Tinh gọn, sáp nhập bộ máy: Sẽ không còn chuyện chồng chéo nhiệm vụ, "đá bóng" giữa các bộ!
Vũ Khoa
Thứ ba, ngày 03/12/2024 12:53 PM (GMT+7)
Theo ĐBQH Nguyễn Quang Huân, trong thời gian ngắn chưa thể đánh giá hết những tác động của công tác sáp nhập, nhưng trước hết cần có tinh thần xắn tay vào làm theo tinh thần một cuộc cách mạng.
Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH Bình Dương) nêu ví dụ, "Trước đây ta phải xin tới 34 loại giấy phép khi làm năng lượng tái tạo. Hoặc đơn giản như cấp nước, một doanh nghiệp cấp nước khai thác nước ngầm dưới 500m3/ngày phải xin bộ NN&PTNT, trên 500m3/ngày lại xin bộ TN&MT. Hay cùng một tuyến sông, nhưng lấy nước ở công trình thủy lợi phải xin Bộ NN&PTNN, còn ở các sông suối bình thường khác thì thông qua Bộ TN&MT... Những khác biệt này khiến doanh nghiệp rất rối, vì nhiều khi khó phân định".
Theo ông Huân, những ví dụ được nêu để thấy rằng việc sáp nhập sẽ đảm bảo ít các đầu mối, giúp người dân, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi nhiều hơn, nhanh hơn. Tôi nói ví dụ như việc lúc đó Bộ NN với bộ TN&MT sáp nhập làm một, việc chúng ta xin các thủ tục đền bù, tái định cư… khi làm điện gió, điện mặt trời sẽ nhanh gọn. Thủ tục về đất đai cũng sẽ thuận tiện lên. Hay các giấy phép về xây dựng, trước đây Bộ Xây dựng, Bộ GTVT được tách ra thành hai bộ khác nhau thì bây giờ chỉ cần một bộ xử lý.
Việc tinh giản bộ máy ở các bộ ngành rõ ràng giúp cho doanh nghiệp và người dân giảm bớt được các thủ tục. Khi áp dụng cơ chế một cửa liên thông, người dân, doanh nghiệp chỉ cần tới một cơ quan bộ đã xử lý được rất nhiều vấn đề.
Tất nhiên, khi sáp nhập sẽ tạo ra những khó khăn đối với việc tác nghiệp thực thi. Tuy nhiên khi thực hiện xong, sẽ không còn câu chuyện chồng chéo, "đá bóng" giữa các bộ. Hoặc cùng một việc nhưng bộ này muốn cấp giấy phép phải xin các bộ khác, gây phức tạp cho doanh nghiệp. Do đó, ông Huân cho rằng xu hướng sẽ là tốt hơn là nhiều.
Nói về vấn đề nhân sự, ĐBQH đoàn Bình Dương trong quá trình tinh giản sẽ động chạm tới quyền lợi của một số người. Có khi không phải quyền lợi gì to tát, nhưng ít nhất một bộ phận cán bộ sẽ phải thay đổi điều kiện làm việc đã quen thuộc, hoặc rời chức vụ khi sáp nhập cơ quan là điều dễ nhận biết nhất.
"Khi hai cơ quan sáp nhập, hai đồng chí trưởng sẽ có một đồng chí làm phó. Thậm chí cả hai phải chuyển đi nơi khác làm phó là điều có thể xảy ra. Theo tôi nghĩ, khi bố trí cán bộ, ta phải có đánh giá về năng lực. Người thực sự tốt sẽ được giữ lại, thậm chí bổ nhiệm lên. Hoặc nếu phải thuyên chuyển thì nên có cơ chế đãi ngộ phù hợp", ông Huân nói.
Ngược lại, tình trạng những cá nhân yếu kém, "tìm nơi trú ẩn" ở cơ quan nhà nước dứt khoát không thể để tồn tại. Những người này thậm chí chuyển sang khối tư nhân, hoặc bắt buộc chuyển công việc khác phù hợp. Bởi cơ quan nhà nước không phải nơi dựa dẫm, dựa dẫm được thì sẽ không có năng suất lao động.
"Điều nguy hiểm nhất là sẽ tạo nên một phong trào, văn hóa hệ lụy cực kỳ xấu, người này dựa được thì người khác cũng dựa được. Làm cho một cơ quan, tổ chức mất ý chí phấn đấu vươn lên. Nên vấn đề này phải được loại trừ triệt để. Theo tinh thần của Tổng Bí thư nói, không thể kéo dài mãi. Cứ trông mong như thế, dựa dẫm như thế thì nhân dân dựa vào đâu?", ĐBQH Nguyễn Quang Huân đặt vấn đề.
Do đó, ông Huân nhận định dù trong thời gian ngắn chưa thể đánh giá hết những tác động của công tác sáp nhập, nhưng trước hết cần có tinh thần xắn tay vào làm, không thể chần chừ. Những điểm vướng mắc, chưa phù hợp sẽ giải quyết sau.
Triển khai sáp nhập với tinh thần không nể nang, e dè
Nói thêm về câu chuyện sáp nhập, ĐBQH Nguyễn Quang Huân cho rằng đã có bài học khiến xảy ra sự chậm trễ. Trong đó, việc sáp nhập hiện mới thực hiện ở cấp xã, huyện chưa theo đúng như kỳ vọng.
Theo Đại biểu Huân, hiện nay công tác sáp nhập ở các cơ quan trung ương đang rất khác với sáp nhập huyện, xã trước đây. Sáp nhập xã, huyện dù đã có kế hoạch, nhưng tinh thần làm và chỉ đạo tại địa phương chưa quyết liệt như lần này.
Ngược lại, đợt sáp nhập cơ quan trung ương được tiến hành lập tức sau khi Tổng Bí thư phát động, trong thời gian rất ngắn chúng ta đã triển khai Nghị quyết 18/NQ-TW, Ban Tổ chức Trung ương đã tuyên bố những đơn vị nào, cơ quan nào sáp nhập. Ông Huân cho rằng việc triển khai tất khẩn trương, theo đúng tinh thần của Tổng Bí thư Tô Lâm nói là "vừa chạy vừa xếp hàng".
"Trung ương không chờ địa phương, địa phương không chờ cấp huyện, huyện không chờ cơ sở. Chứ không phải là chúng ta nghe ngóng xem Trung ương sáp nhập như thế nào, địa phương mới làm. Tinh thần của đợt này khác hẳn, và thực sự là cuộc cách mạng chứ không phải vừa làm vừa nghe ngóng như chúng ta sáp nhập xã, huyện vừa qua", ông Huân nói.
Nêu nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ, ĐBQH Nguyễn Quang Huân cho rằng một phần cũng do công tác tư tưởng, địa phương chưa thực sự quyết liệt. Bởi khi sáp nhập sẽ có những khó khăn về số lượng cán bộ dôi dư khó bố trí. Vì vậy, nếu địa phương không quyết liệt, còn nể nang, e dè, tinh thần Đảng viên không chấp nhận hy sinh quyền lợi hiện có, dám đương đầu thử thách mới tất nhiên sẽ làm cho công tác sáp nhập không thể diễn ra đúng theo kỳ vọng.
Do đó, nói riêng về giải pháp để thúc đẩy nhanh công tác sáp nhập, ĐBQH Nguyễn Quang Huân cho biết song song việc xây dựng tốt đề án và công tác tư tưởng, toàn bộ các cơ quan cần cùng xắn tay tháo gỡ. Khi đã sáp nhập các cơ quan tổ chức chính quyền, đơn vị phải cùng với nhau xem xét thực tế hoạt động ra sao, vướng mắc ở đâu, các cơ quan ban ngành phải đồng thuận giải quyết.
Thứ hai, lực lượng dôi dư bố trí lại hoặc bố trí sang nơi khác cũng phải có cơ chế khuyến khích tạo điều kiện. Ví dụ, ngoài tinh thần hy sinh của Đảng viên, chúng ta cũng nên có cơ chế khuyến khích đối với cán bộ thuyên chuyển. Mặc khác, nên có giải pháp rõ ràng, minh chứng tính chất đảm bảo công bằng giữa các cán bộ.
Cùng đó, ĐBQH Nguyễn Quang Huân nhấn mạnh lại việc dứt khoát phải "buông bỏ" đối với bộ phận cán bộ, nhân lực yếu kém, thiếu tư duy phấn đấu xây dựng cơ quan nhà nước tinh gọn, hiệu quả.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.