Tác phẩm sanh cổ, quý hiếm có tên “Ngũ phúc lâm môn” của ông Phạm Lân (Thanh Trì, Hà Nội) được coi là cây sanh hiếm có khó tìm bởi cây hội tụ đủ 4 yếu tố cổ - kỳ - mỹ - văn.
Chủ nhân của tác phẩm cho biết, đây là cây bonsai đại có tuổi đời khoảng 500 năm, chiều cao 2,45m, dài 1,7m, ngang 1,5m. Thân (vách) hoàn toàn tự nhiên thành một khối, đặc biệt bộ rễ lan tỏa xung quanh rất vững trãi.
Cây sanh như một bức tranh cổ vì cây nguyên bản, từ rễ đến thân một màu đồng. "Nếu không phải cây nguyên bản thì thân cây có chỗ đỏ, chỗ xanh (cây ghép)", ông Lân giải thích.
Ông Lân mua cây sanh ở miền Nam sau thời kỳ sốt giá (2010) nên ông sở hữu tác phẩm này với giá khá rẻ. Hiện tại, sau gần 10 năm chăm sóc, tạo tác, cây sanh trở thành tác phẩm có giá trị nghệ thuật rất cao và có giá khá đắt.
“Năm ngoái, có người anh đến ngắm và trả 100 cây vàng (khoảng 3,7 tỷ đồng) nhưng tôi không nói gì bởi cây của tôi phải có giá cao hơn nhiều”, ông Lân nói.
Được biết, riêng tiền ký đá, làm chậu, tạo tác cành, ông Lân đã mất khoảng 100 triệu đồng.
Cây được ký (trồng) trên đá xanh trơn lũa hình cụ rùa, nghệ nhân phải làm 40 công mới xong. Cụ rùa bằng đá có đầy đủ bộ phận như đầu, mai, chân và đuôi…
Bộ rễ cây lan tỏa xung quanh, bám vào đất, đá rất vững trãi, nhìn như những củ nhân sâm nhiều năm tuổi bám trên đá.
Bộ rễ nổi u cục nhưng nhìn lại rất mịn.
Sau nhiều năm, nhiều rễ phục bám vào thân nhìn như một bức tường thành vững trãi. Khi tưới nước vào cây, toàn bộ rễ, thân cây ánh lên một màu đồng đẹp mắt – chỉ những cây sanh nguyên bản, nhiều năm tuổi mới có đặc điểm này.
"Điều đặc biệt ở tác phẩm này là tay cành được tôi và một người bạn làm theo lối cổ của người Tràng An, tức là cứ 25cm lại đảo cung, cắt giật một lần, từ trong ra ngoài 5 lần cắt giật", ông Lân cho biết.
Bông tán được làm theo lối tản vân, không tán nào trùng nào nào đó là cái đẹp của cây. Nhìn xa, trông tổng thể của cây thì tán cây vẫn che được nắng, mưa.
Bên trong thân có những khoảng hở như hang động khiến cây sanh trở nên kì thú.
Một khối nu (thân cây đùn ra) – những cây cổ thụ, nhiều năm tuổi mới có những khối nu kì dị như vậy.
Cây có một quai ấm – rễ bắt vào cành tạo thành một khối.
Ông Lân mài từng viên gạch, đá gắn vào chậu. Riêng tiền chậu làm mất 25 triệu đồng.
Theo chia sẻ của ông Lân, tác phẩm có tên “Ngũ phúc lâm môn”, tức là trong một nhà có 5 cái phúc hay hiểu là Ngũ đại đồng đường (5 đời ở với nhau), gia đình thuận hòa, hạnh phúc. "Tôi nói với vợ, âm phúc nhà mình lớn mới mua được cây này", ông chia sẻ thêm.
"Từ khi mua được cây này, tôi thấy sống có ý nghĩa và như trẻ lại, đi đâu cũng nhớ cây, mà ngủ dậy muộn cũng nhớ cây, trước khi đi ngủ phải lượn một vòng ngắm cây. Tôi sắm 2 bóng đèn để tối bật lên ngắm cây", ông Lân chia sẻ.
Chủ nhân của tác phẩm cho biết, khoảng 2 năm nữa cây sẽ hoàn thiện và hứa hẹn là một trong những cây sanh “Ngũ phúc” đẹp nhất Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.