Sao ngành y mất uy tín đến thế!

Thứ ba, ngày 06/11/2012 19:30 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Có người nói thẳng, đi ra nước ngoài chữa bệnh, tuy tốn kém hơn rất nhiều, nhưng ít nhất, sự đối xử của y bác sĩ nước ngoài làm cho mình thấy mình “là con người”.
Bình luận 0

Vụ bác sĩ quên kim khâu trong bụng sản phụ vừa xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận khiến dư luận bàn tán trong lo âu. Rồi vụ hàng chục người dân bao vây Bệnh viện Nhi Nghệ An yêu cầu làm rõ trách nhiệm, sau cái chết của bé gái Anh Thư (10 tháng tuổi)...

Trước đó, một bé trai bị cắt nhầm bàng quang tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh (Khánh Hòa) đã gây chấn động ngay cả giới y khoa. Một bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Đồng 2 từng làm trong ngành y hơn 30 năm cho biết chưa từng ghi nhận trường hợp nào mổ thoát vị bẹn mà cắt nhầm bàng quang như vậy. Hàng chục ca sản phụ tử vong khi sinh xảy ra gần đây là một hồi chuông báo động trên toàn quốc về chất lượng khám chữa bệnh của hệ thống cơ sở y tế trong nước.

Mỗi năm, tuy chưa thống kê đầy đủ, nhưng ước tính có khoảng gần 2 tỷ USD mà bệnh nhân trong nước phải nộp cho bệnh viện ngoài nước. Những người có tiền sẵn sàng đi ra nước ngoài chữa bệnh để đảm bảo an toàn. Ngay cả đối với những bệnh thông thường, cơ sở y tế trong nước có thể giải quyết được, nhưng họ vẫn sang Singapore hoặc Thái Lan cho chắc, đúng là mất niềm tin là mất tất cả.

Có người nói thẳng, đi ra nước ngoài chữa bệnh, tuy tốn kém hơn rất nhiều, nhưng ít nhất, sự đối xử của y bác sĩ nước ngoài làm cho mình thấy mình “là con người”. Họ tận tâm, nhẹ nhàng, tôn trọng bệnh nhân và đặc biệt là rất có trách nhiệm với công việc.

Nhưng còn người nghèo thì sao? Vì không có tiền ra nước ngoài khám chữa bệnh nên họ phải đến với bệnh viện trong nước. Họ phải đưa phong bì, chịu đựng chờ đợi, nằm chung giường với bệnh nhân khác. Họ có thể chấp nhận những điều đó nhưng không ai chấp nhận sự vô trách nhiệm và yếu kém chuyên môn dẫn đến những tai nạn trong điều trị mà bệnh nhân chính là nạn nhân. Nhưng điều đó vẫn xảy ra, không phải là trường hợp đơn lẻ mà rất phổ biến.

Còn người nghèo hơn nữa thì sao? Ở các vùng nông thôn, cơ sở y tế tồi tàn, thiếu từ thiết bị cho đến thuốc men. Đáng sợ hơn là thiếu bác sĩ giỏi. Ai cũng biết là bác sĩ có tay nghề cao thường tìm thành phố lớn, bệnh viện nổi tiếng để làm việc. Bệnh viện vùng nông thôn chỉ là cái trạm xá sơ cứu, tình trạng bệnh nhân dồn lên tuyến trên bao năm nay không thể giải quyết nổi chính là từ nguyên nhân này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem