Tự truyện của diễn viên Thương Tín.
Tự truyện là những tác phẩm văn học thuộc thể loại tự sự, trong đó, bằng văn xuôi, tác giả tự kể và miêu tả lại cuộc đời mình xuyên suốt toàn bộ tác phẩm. Nếu như trước đây, tự truyện được xem là câu chuyện mang tinh thần nhân văn lớn lao của những anh hùng, người có công trạng hay khả năng truyền cảm hứng của giới văn chương, chính trị gia... thì trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, thể loại này ngày càng được giới showbiz Việt Nam ưa chuộng. Và mục đích cho ra những cuốn tự truyện này của mỗi người cũng khác nhau - người viết để giãi bày tâm sự, người viết để đánh bóng tên tuổi... và dù mục đi là gì thì những cuốn tự truyện của các "cậu ấm, cô chiêu" showbiz nối đuôi nhau ra mắt độc giả gần đây đã mang đến những cảm xúc khác về tự truyện.
Sơn Tùng M-TP từng "làm mưa làm gió" với tự truyện Chạm tới giấc mơ, kể lại hành trình thăng trầm và vinh quanh của một chàng ca sĩ trẻ đang ngày càng khẳng định mình, tẩu tán 10.000 bản chỉ sau 2 ngày ra mắt đã chạm tới trái tim của rất nhiều bạn trẻ. Hay Lột xác của Lâm Khánh Chi cũng bán được gần 10.000 bản. Ngoài ra, danh sách tự truyện còn có những cái tên như Hari Won với Cỏ hạnh phúc, Bà Tưng với Lạc giữa thanh xuân, Đức Phúc với I believe I can fly.
Tự truyện mang tính nhân văn, truyền cảm hứng đếm trên đầu ngón tay
Nhiều năm trước, khán giả từng không khỏi xúc động khi đọc Tâm thành và lộc đời của NSƯT Thành Lộc, Đằng sau những nụ cười của ca sĩ Khánh Ly. Mỗi câu chuyện đều giúp người đọc hiểu hơn về những hy sinh, vất vả của người nghệ sĩ khi quyết tâm gắn bó với nghề cùng những uẩn khúc, trái ngang của cuộc đời mà họ phải oằn mình vượt qua.
Gần đây nhất, Bên kia bức tường của nhạc sĩ Trần Lập với câu chuyện về tuổi thơ vất vả, thời sinh viên sôi nổi và hậu trường đằng sau ánh hào quang của ban nhạc Bức Tường… đã truyền cảm hứng mãnh liệt với những bạn trẻ quyết tâm theo đuổi nghệ thuật. Wanbi Tuấn Anh – Bắt đầu từ một kết thúc của chàng ca sĩ đoản mệnh, qua đời ở tuổi 26 nói về những khoảnh khắc cuối đời khiến người đọc cảm thấy trân quý cuộc sống. Để gió cuốn đi của ca sĩ Ái Vân giúp công chúng có cái nhìn khách quan về đời sống nghệ thuật Việt thế kỷ trước. Hay tự truyện của Lâm Chí Khanh về hành trình đi tìm con người thật của mình đã tạo ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng LGBT…
Có một điểm chung trong những cuốn tự truyện này đó là thay vì câu khách bằng các yếu tố "sốc, sex, sến", tác giả hướng đến việc truyền cảm hứng nhiều hơn. Và đó chỉ là rất ít những cuốn tự truyện mang ý nghĩa nhân văn to lớn.
Tự truyện kiểu "sốc – sex – sến" mọc lên như nấm
Bên cạnh những cuốn tự truyện "thấu tình đạt lý", vẹn cả đôi đường về doanh thu hay sự nổi tiếng, công chúng cũng chứng kiến không ít những nỗi đau của các nhân vật có liên quan sau khi những trang tự truyện được lật mở cho thế gian bàn tán. Thậm chí, những mâu thuẫn cá nhân, trách móc, giận hờn trong những trang tự truyện còn làm ảnh hưởng đến hạnh phúc hiện tại của các nhân vật hay mang đến những mảnh ghép tiêu cực, ảnh hưởng ít nhiều đến đời sống tinh thần xã hội.
Một trong những ví dụ tiêu biểu phải nhắc tới chính là tự truyện của NSND Lê Vân, cuốn Lê Vân – Yêu và sống, phát hành vào tháng 6/2006. Lê Vân - Yêu và sống được cho là "phát súng đầu tiên" của trào lưu viết tự truyện của nghệ sĩ Việt.
Sau nhiều năm vắng bóng, không tham gia bất kỳ hoạt động nghệ thuật nào, Lê Vân đột ngột xuất hiện trở lại bằng việc cho phát hành cuốn Lê Vân - Yêu và sống. Cuốn tự truyện này đã bán hết vèo 20.000 bản và NSND Lê Vân bỗng chốc được công chúng quan tâm chẳng kém thời kỳ ngồi trên ngai vàng nghệ thuật. Dù có thể không cần hư danh mà chỉ cần tâm sự, giãi bày, thế nhưng sau tất cả, những tiết lộ "động trời" về người thân trong cuốn tự truyện của chị đã khiến cho không ít người xung quanh chị cảm thấy day dứt.
Thời gian dần trôi qua và mọi thứ cũng chìm vào quên lãng. Cái được và mất sau khi ra mắt tự truyện Lê Vân - Yêu và sống có thể nhận thấy rõ ràng. NSND Lê Vân có thể đã mãn nguyện, hài lòng khi dám nói lên những câu chuyện về chính số phận của mình, thế nhưng những điều chị tiết lộ đã làm xáo trộn không ít cuộc sống của những người bên cạnh chị.
Hay Thương Tín – một nghệ sĩ "già gân" trong showbiz - cũng không nằm ngoài trào lưu này. Ông ra mắt Hồi ký Thương Tín – Một đời giông bão và làm dư luận một phen "dậy sóng". Thế nhưng dư luận không "dậy sóng" vì những vai diễn đo ni đóng giày với tên tuổi của Thương Tín mà vì những tiết lộ về chuyện bị cưỡng bức, những mối tình chéo ngoe với gần 20 bóng hồng…
Trong cuốn tự truyện của Thương Tín tuyệt nhiên không có bất kỳ dòng chữ nào nói đến sự nghiệp của ông. Xuyên suốt cuốn sách chỉ toàn những cảnh ân ái xác thịt, những thông tin nhạy cảm rất có tác dụng khiêu khích sự tò mò của đám đông... Những tiết lộ của Thương Tín đã tạo ra những cuộc đấu đá trên mạng xã hội không có hồi kết. Sau này, tài tử điện ảnh một thời đã phải thốt lên trong ân hận: "Tôi đã bán chuyện đời tư với giá quá rẻ. Nếu biết trước, tôi thà im lặng và mang theo bí mật ấy đến cuối đời".
Rồi đến Hoàng Thùy Linh với Vàng Anh và Phượng Hoàng. Sau nhiều năm im lặng không đả động đến bê bối clip nóng, chỉ tập trung vào phát triển sự nghiệp ca hát, Hoàng Thùy Linh bất ngờ nhắc lại scandal trong quá khứ đúng dịp cô ra mắt tự truyện. Chi tiết này khiến cô bị mang tiếng tạo chiêu trò PR. Người ta nghi ngờ cô cũng đúng bởi nếu không có scandal "động trời" trong quá khứ, có mấy người tìm đọc tự truyện của cô? Hoàng Thùy Linh nói cô muốn lên tiếng một lần để trả Vàng Anh về với thế giới của nhân vật, vậy thì danh xưng Phượng Hoàng cô đặt cho mình có là hơi quá? Hay việc cô nhắc lại những chuyện cũ có làm những chàng trai từng đi qua cuộc đời của cô cảm thấy thanh thản?
Hoàng Thùy Linh trước quầy sách bày bán tự truyện Vàng Anh và Phượng Hoàng.
Xin đừng biến tự truyện thành "thủ đoạn" trong showbiz!
Cho ra mắt tự truyện, hồi ký không phải điều gì đó quá ghê gớm. Tuy nhiên, đối với những nghệ sĩ mà tuổi đời chưa nhiều, tuổi nghề cũng chẳng có dấu ấn đặc biệt, cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà cũng chẳng đáng là bao thì việc ra mắt tự truyện, vô tình, lại được xem như một cách để đánh bóng tên tuổi.
Những nghệ sĩ này, với những câu chuyện thiên về "sốc", "sex", "sến", cố tình "dìm hàng", bóc mẽ, ám chỉ đồng nghiệp, gia đình, bạn bè… hay đơn giản là viết tự truyện chỉ như một cách phô bày hình ảnh của bản thân... đã khiến người đọc có cách nhìn "lệch" về các cuốn tự truyện và việc phát hành tự truyện.
Dù bản chất của tự truyện vốn là những câu chuyện có thật đi chăng nữa thì cái mà nhiều tác giả hay quên là yếu tố nhân văn. Bởi, một tự truyện đúng nghĩa phải là từ câu chuyện cá nhân hướng đến những vấn đề lớn của xã hội. Tiếc thay, đa phần tự truyện của sao Việt hiện nay đều chưa thể với tới yếu tố này.
Viết tự truyền phần nào giúp nghệ sĩ đến gần hơn với khán giả, giúp người đọc hiểu được một phần tính cách, góc khuất, vấp ngã mà nghệ sĩ phải trải qua... Thế nhưng, xin nghệ sĩ đừng xem tự truyện là một chiêu trò gây chú ý như bao "thủ đoạn" khác trong showbiz. Bởi, giá trị của một cuốn tự truyện ngoài câu chuyện truyền cảm hứng còn là nhân cách sống của chính tác giả.
Tiến Dũng (VTV.vn)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.