Bộ Nông nghiệp và PTNT đặt mục tiêu năm 2025: Thích ứng linh hoạt, khơi thông nguồn lực, tăng tốc bứt phá
Bộ Nông nghiệp và PTNT đặt mục tiêu năm 2025: Thích ứng linh hoạt, khơi thông nguồn lực, tăng tốc bứt phá
P.V
Thứ năm, ngày 02/01/2025 10:55 AM (GMT+7)
Chia sẻ với báo chí sáng 2/1, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Năm 2025, ngành Nông nghiệp và PTNT tiếp tục thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, trên cơ sở những thành quả đã đạt được của năm 2024, với phương châm: Thích ứng linh hoạt, khơi thông nguồn lực, tăng tốc bứt phá.
Năm 2024, ngành Nông nghiệp và PTNT thực hiện kế hoạch trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trong đó, có yếu tố tác động mạnh của biến động thị trường, của thời tiết nắng nóng gay gắt, hạn hán, mưa bão tại các địa phương vùng Tây Nguyên, miền Trung, xâm nhập mặn tại các tỉnh, thành phố phía Nam; đặc biệt là cơn bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp các tỉnh phía Bắc.
Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; với tinh thần "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững"; sự chung sức, đồng lòng, sáng tạo của các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân… ngành Nông nghiệp và PTNT đã vượt qua khó khăn, thách thức để đẩy mạnh sản xuất phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất.
Nông nghiệp Việt Nam vừa bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, vừa hội nhập quốc tế mạnh mẽ và sâu rộng; nhiều mặt hàng nông sản thế mạnh, chủ lực tiếp tục được mở rộng thị trường. Xuất khẩu nông sản Việt Nam đã đạt nhiều kỷ lục mới. Nông nghiệp Việt Nam khẳng định vị thế quan trọng, là động lực và trụ đỡ của nền kinh tế nước nhà.
Theo thống kê, năm 2024 giá trị sản xuất (GO) toàn ngành đạt mức tăng trưởng 3,3%, tỷ lệ che phủ rừng 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 78,7%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn 58%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023, xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%. Trong đó xuất khẩu nông sản chính 32,8 tỷ USD, tăng 22,4%; chăn nuôi 533,6 triệu USD, tăng 6,5%; lâm sản chính 17,28 tỷ USD, tăng 19,4%; thủy sản 10,07 tỷ USD, tăng 12,2%. Có 07 hàng/nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD (tăng 01 sản phẩm so với năm 2023).
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, đạt được kết quả này là nhờ cơ cấu kinh tế ngành, cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch, điều chỉnh phù hợp, tích hợp đa giá trị, hiệu quả hơn gắn với thị trường, tăng tỷ trọng các tiểu ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và giá trị cao.
Mặc dù thời tiết bất lợi (nắng nóng, hạn mặn… do Elnino) nhưng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã quyết liệt, chủ động chỉ đạo đồng bộ các giải pháp từ sớm, từ xa; do đó đã hạn chế được tối đa thiệt hại trên các cây trồng chủ lực. Kịp thời phối hợp với các bộ, ngành và địa phương có liên quan tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai đồng bộ các nhóm chính sách, giải pháp hỗ trợ, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 để nhanh chóng ổn định đời sống người dân, khôi phục sản xuất nông nghiệp.
Đã tạo ra sự chuyển biến tích cực, thống nhất từ Trung ương đến địa phương về chuyển đổi tư duy sang kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng hàng nông sản, nổi bật như: Nhiều diện tích lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang cây trồng khác, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả hơn; áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất hữu cơ, sử dụng giống lúa chất lượng cao nên năng suất lúa bình quân năm 2024 tăng 0,3 tạ/ha; áp dụng thành công quy trình rải vụ cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 1,5 đến 2 lần tại các tỉnh ĐBSCL; tỷ lệ diện tích rừng trồng được kiểm soát chất lượng giống đạt 85- 90%; Thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã đạt được nhiều kết quả tích cực phục vụ nhu cầu của thị tường xuất khẩu; Nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái, xanh, hữu cơ có hiệu quả kinh tế được phát triển.
Từng bước thay đổi từ cách tiếp cận nông nghiệp nâu sang nông nghiệp xanh, tăng cường áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, giảm thâm dụng tài nguyên và vật tư đầu vào (tăng sử dụng thuốc BVTV sinh học và phân bón hữu cơ, giảm sử dụng thuốc BVTV và phân bón vô cơ...); các mô hình lúa chuyên canh cho kết quả, hiệu quả tốt; phát triển chăn nuôi bền vững theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học.
Năm 2025, ngành Nông nghiệp xác định tiếp mục tiêu kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng mới của ngành. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng ở mức cao nhất.
Phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản cả trong nước và xuất khẩu. Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước.
Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu.
Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chủ động hội nhập quốc tế để mở cửa thị trường.
Phát triển nông thôn, trọng tâm là thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 gắn với phát triển kinh tế nông thôn theo hướng đi vào chiều sâu, đảm bảo chất lượng và bền vững, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn.
Phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và quản lý hiệu quả vốn đầu tư xây dựng cơ bản, bảo vệ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thủy lợi và phòng chống thiên tai.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.