Sát cánh của Quốc hội với Chính phủ bằng ủy quyền lập pháp, điều chưa có tiền lệ! (Bài cuối)

Thành An (Thực hiện) Thứ sáu, ngày 28/04/2023 09:30 AM (GMT+7)
Sự sát cánh của Quốc hội với Chính phủ bằng việc ủy quyền lập pháp có thể nói là chưa có tiền lệ. Rõ ràng, việc ủy quyền của Quốc hội cho Chính phủ đã tiếp thêm sức mạnh và tạo điều kiện cần thiết để Chính phủ có thể vừa khống chế dịch bệnh, vừa bảo đảm an sinh xã hội và phục hồi nền kinh tế.
Bình luận 0

Để khép lại loạt bài "Tổ chức kỳ họp bất thường, sự đột phá trong đổi mới hoạt động của Quốc hội khóa XV", PV Dân Việt có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ông là người nghiên cứu sâu về Quốc hội Việt Nam và Quốc hội các nước trên thế giới, ông cũng có nhiều năm công tác tại Quốc hội. TS. Nguyễn Sĩ Dũng đã có những chia sẻ thẳng thắn, những góp ý để hoạt động của Quốc hội ngày càng hiệu quả.

Tổ chức kỳ họp bất thường, sự đột phá trong đổi mới hoạt động của Quốc hội khóa XV (Bài cuối) - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Phát huy vai trò của Quốc hội trong xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân

Thưa ông, trong mô hình Nhà nước pháp quyền như tại Việt Nam nói riêng và nhiều quốc gia trên thế giới nói chung, Quốc hội có vai trò như thế nào?

- Quốc hội là cơ quan do Nhân dân thành lập ra, mà đã do dân, thì vì dân, đó là tương quan, nhân quả rõ ràng. Quốc hội là cơ quan duy nhất trong hệ thống của chúng ta chịu trách nhiệm trước dân, đồng thời đại diện cho dân, đó là động lực để phục vụ dân. Của dân, do dân, vì dân gắn kết với nhau là vì như vậy. Một cơ quan không do dân thành lập ra, để nói vì dân khó khăn hơn nhiều. Một cơ quan thực chất chịu trách nhiệm trước dân, do dân thành lập, thì vì dân sẽ rất rõ.

Hơn nữa, pháp luật của chúng ta còn có quy định, người dân không chỉ bầu ra, mà còn có quyền miễn nhiệm, bãi nhiệm đại biểu, bởi vậy tính chịu trách nhiệm trước dân của Quốc hội rất rõ. Đã chịu trách nhiệm trước dân thì khuyến khích nghe dân, khuyến khích phục vụ dân cũng cao hơn.

Tổ chức kỳ họp bất thường, sự đột phá trong đổi mới hoạt động của Quốc hội khóa XV (Bài cuối) - Ảnh 2.

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV diễn ra từ 23/5 đến 16/6/2022.

Trong mô hình Nhà nước pháp quyền như tại Việt Nam nói riêng và nhiều quốc gia trên thế giới nói chung, vai trò của Quốc hội rất lớn. Nhà nước pháp quyền là Nhà nước pháp luật được thượng tôn, pháp luật cao hơn tất cả. Đây là cơ quan lập pháp để xây dựng, hoạch định và phê chuẩn một hệ thống pháp luật có tầm như vậy. Một hệ thống pháp luật ràng buộc không chỉ người dân, ràng buộc cả các cơ quan nhà nước, cơ quan quyền lực đều bị pháp luật ràng buộc và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đấy là nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền.

Một nguyên tắc nữa về nội hàm của Nhà nước pháp quyền đó là quyền của con người, quyền của người dân được bảo vệ. Một hệ thống pháp luật quy định các quyền và bảo vệ các quyền đó là rất quan trọng. Bởi vì khi các quyền đó được bảo vệ, chẳng hạn quyền tự do tài sản, quyền tự do khế ước, là nền tảng của kinh tế thị trường. Không có cái đó, không thể phát triển kinh tế được. Đó là những khuôn khổ tạo nên Nhà nước pháp quyền.

Kỳ họp bất thường - phản ứng nhanh của Quốc hội khóa XV

Vừa qua, Quốc hội vừa tổ chức thành công 4 Kỳ họp bất thường. Ông có bình luận gì về việc này?

- Mới hơn 2 năm trôi qua, nhưng Quốc hội khóa XV đã có đến bốn kỳ họp bất thường để xử lý các vấn đề cấp bách của đất nước. Đó là những kỳ họp cần được tiến hành để xem xét, thông qua các gói chính sách nhằm cứu vãn nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19, để thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia, cũng như các công tác nhân sự khác...

Việc Quốc hội quyết định tiến hành các kỳ họp bất thường này là rất quan trọng, bởi vì rằng mọi phản ứng chính sách đều có thể trở nên quá chậm trễ nếu chúng chỉ có thể được xem xét, thông qua tại các kỳ họp thường niên vào tháng 5 và tháng 10 hàng năm. Trong lúc đó, cho dù tình hình cấp bách đến đâu, thì nhiều giải pháp do Chính phủ hoạch định vẫn chỉ có thể trở thành chính sách, pháp luật sau khi được Quốc hội thông qua. Quốc hội không họp, thì Chính phủ buộc lòng sẽ phải chờ.

Tổ chức kỳ họp bất thường, sự đột phá trong đổi mới hoạt động của Quốc hội khóa XV (Bài cuối) - Ảnh 3.

Quang cảnh Kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV.

Quốc hội và Chính phủ là hai thiết chế khác nhau, nhưng lại là của một nền quản trị thống nhất. Quản trị quốc gia cũng giống như quản trị các công trình: Có cơ quan thiết kế, thì phải có cơ quan thẩm định; có cơ quan thi công, thì phải có cơ quan giám sát. Trong mối tương quan này, Chính phủ là cơ quan thiết kế và thi công; Quốc hội là cơ quan thẩm định và giám sát. Cả hai cơ quan đều phải làm tốt công việc của mình, thì nền quản trị quốc gia mới có thể được vận hành trôi chảy và bảo đảm chất lượng.

Ngoài việc các làm tốt chức năng của mình, sự sát cánh của Quốc hội với Chính phủ cũng vô cùng quan trọng. Điều này đặc biệt đúng với môi trường thể chế ở nước ta.

Ở các nước trên thế giới, khi quyền hành pháp thuộc về Chính phủ do Thủ tướng đứng đầu, thì Thủ tướng có quyền triệu tập các kỳ họp của Quốc hội để giải quyết những vấn đề cấp bách của Chính phủ.

Ngoài ra, trong chương trình nghị sự của Quốc hội, công việc của Chính phủ phải luôn luôn được ưu tiên. Công việc của Chính phủ là công việc của quốc gia. Những công việc này phải được Quốc hội ưu tiên xem xét và thông qua trước.

Sau đó, Quốc hội mới xem xét, quyết định các vấn đề do các nghị sĩ đề xuất. Tất cả những điều trên phản ánh nội hàm của khái niệm ưu tiên hành pháp. Tuy nhiên, đây rõ ràng không phải là cách thức vận hành quyền lập pháp và hành pháp ở nước ta.

Theo Hiến pháp năm 2013, Thủ tướng Chính phủ chỉ có quyền đề nghị Quốc hội họp bất thường. Nhưng Quốc hội họp hay không họp lại là quyền của Quốc hội. Hơn thế nữa, theo quy định của Hiến pháp, chỉ có Ủy ban thường vụ Quốc hội mới có quyền triệu tập kỳ họp Quốc hội (Điều 83, Hiến pháp năm 2013).

Ngoài ra, chương trình kỳ họp Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến (Điều 47, Luật Tổ chức Quốc hội), và Quốc hội biểu quyết thông qua. Hiến pháp cũng như Luật Tổ chức Quốc hội không hề đề cập đến quyền ưu tiên của Chính phủ trong việc xác lập chương trình nghị sự của Quốc hội.

Nghĩa là trong nhiều trường hợp, Chính phủ sẽ phải "chạy theo" các ưu tiên của Quốc hội, chứ không phải có thể ấn định các ưu tiên của mình. Không có sự đồng hành của Quốc hội, những vấn đề mà Chính phủ quan tâm thúc đẩy chắc gì đã vào được chương trình nghị sự. Mà không vào được chương trình nghị sự, thì những vấn đề như vậy chắc chắn sẽ khó được giải quyết.

Công bằng mà nói, Luật Tổ chức Quốc hội cũng có yêu cầu Ủy ban thường vụ Quốc hội phải phối hợp Chính phủ và Thủ tướng "khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình" (Điều 46, Luật Tổ chức Quốc hội). Dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội là một trong những nhiệm vụ, quyền hạn như vậy.

Nên chắc chắn là có sự phối hợp giữa Chính phủ và Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc dự kiến chương trình của các kỳ họp Quốc hội. Tuy nhiên, phối hợp chỉ là một phương thức tổ chức công việc. Ở nước ta, quyền năng của Chính phủ trong việc xác lập chương trình nghị sự của Quốc hội hoàn toàn không được quy định. Trong bối cảnh như vậy, sự sát cánh của Quốc hội lại càng quan trọng hơn.

Tổ chức kỳ họp bất thường, sự đột phá trong đổi mới hoạt động của Quốc hội khóa XV (Bài cuối) - Ảnh 4.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo chúc mừng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, tại Kỳ họp bất thường lần thứ tư.

Quốc hội luôn đồng hành với Chính phủ

Như ông vừa nói, phải chăng việc Quốc hội tổ chức các kỳ họp bất thường như một minh chứng rõ nét cho sự phối hợp, sát cánh của Quốc hội cùng Chính phủ?

- Sự sát cánh của Quốc hội thể hiện rất rõ trong việc ủy quyền lập pháp. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội đã có một sự ủy quyền lập pháp rất đáng kể nhằm giúp Chính phủ chủ động và nhanh chóng triển khai hoạt động phòng chống dịch COVID-19 và các hoạt động, công việc quan trọng khác.

Bằng nghị quyết của mình, tại Kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XV đã ủy quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng các biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định tại một số khu vực, địa bàn cần thiết; tổ chức các lực lượng để bảo đảm để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch; áp dụng các biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc, cũng như các giải pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng được quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng chống dịch; được áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù trong cấp phép, đăng ký lưu hành, sản xuất, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế.

Hơn thế nữa, trong trường hợp cần thiết ban hành quy định phòng chống dịch khác với quy định của luật, thì trong thời gian Quốc hội không họp, Chính phủ có thể báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Ngoài ra, Quốc hội cho phép chuyển nguồn 1.237 tỷ đồng kinh phí chi sự nghiệp y tế còn lại năm 2020 để mua vắc - xin phòng dịch Covid-19 và quyết toán vào chi Ngân sách Nhà nước năm 2021.

Quốc hội cũng cho phép Chính phủ ưu tiên sử dụng Ngân sách Nhà nước và huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác cho công tác phòng chống dịch; quyết định chuyển nguồn kinh phí chi thường xuyên trong dự toán đã được duyệt cho công tác phòng chống dịch; thay đổi, điều chỉnh nguồn kinh phí từ Ngân sách Nhà nước đối với các nhiệm vụ chưa thật sự cần thiết để chi cho công tác phòng chống dịch.

Sát cánh bằng việc ủy quyền lập pháp là một sự sát cánh có thể nói là chưa có tiền lệ. Và rõ ràng, việc ủy quyền như vậy đã tiếp thêm sức mạnh và tạo điều kiện cần thiết để Chính phủ có thể vừa khống chế dịch bệnh, vừa bảo đảm an sinh xã hội và phục hồi nền kinh tế.

Sự sát cánh của Quốc hội cùng Chính phủ đánh là nét mới đáng ghi nhận của nền quản trị quốc gia. Hy vọng nó sẽ là định hướng quan trọng của Quốc hội trong cả nhiệm kỳ XV này.

Lựa chọn một nhà nước kỹ trị để thúc đẩy

Vậy thưa ông, Kỳ họp bất thường được Quốc hội khóa XV tổ chức như vừa qua, liệu có tạo ra tiền lệ cho tương lai để trở thành bình thường, kiểu như Quốc hội có thể họp bất cứ lúc nào thấy cần, thay vì "xuân thu nhị kỳ"?

- Tôi cho là không. Quốc hội nước ta không được tổ chức để họp nhiều như thế. Về mặt thể chế, Nhà nước ta không tổ chức theo mô hình đại nghị phương Tây để các đại biểu Quốc hội chuyên nghiệp, có thể họp thường xuyên. Chúng ta cũng không có các tiền đề để vận hành theo cách ấy. Đại biểu Quốc hội ngoài 40% hoạt động chuyên trách thì 60% là kiêm nhiệm nên thêm thời gian cho một kỳ họp nữa phải rất cân nhắc.

Bên cạnh đó, chúng ta có Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoạt động thường xuyên. Ngoài thẩm quyền riêng theo luật định thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn có thể thực hiện các công việc theo ủy quyền của Quốc hội. Quốc hội có thể chỉ quyết những vấn đề rất lớn, giám sát, kiểm tra, áp đặt chế độ trách nhiệm, còn lại thì giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Như thời gian vừa qua, Quốc hội đã ủy quyền cho Chính phủ cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội khá nhiều nội dung về chính sách và lập pháp. Có những việc Quốc hội ủy quyền trực tiếp cho Chính phủ, có những việc thuộc thẩm quyền của mình nhưng Quốc hội giao Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi thực hiện. Quốc hội mạnh dạn ủy quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoạt động tích cực, hiệu quả hơn và đó là Ủy ban Thường vụ kỹ trị...

Như ông nói thì nên lựa chọn mô hình Ủy ban Thường vụ Quốc hội kỹ trị?

- Sự lựa chọn phải phù hợp với thực tiễn nước ta. Quốc hội nước ta với đa số đại biểu kiêm nhiệm và công việc chính của các đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm là cương vị công tác mà họ đang nắm giữ. Đặt vấn đề Quốc hội họp nhiều hơn hai kỳ mỗi năm là không hợp lý.

Chúng ta từng kỳ vọng Quốc hội toàn thể họp dài hơn, thảo luận nhiều hơn sẽ dân chủ hơn, quyết định sẽ tốt hơn nhưng thực tiễn thì không phải như vậy. Chúng ta cần một Ủy ban Thường vụ Quốc hội kỹ trị với thẩm quyền cao hơn để làm tốt nhiệm vụ ấy.

Quốc hội toàn thể theo cơ cấu và kiêm nhiệm như hiện tại thì ủy quyền nhiều hơn và áp đặt chế độ trách nhiệm cao hơn cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội là tốt hơn. Nếu coi dân chủ là mục tiêu thì lựa chọn một nhà nước kỹ trị để thúc đẩy, ta sẽ sớm tới mục tiêu hơn và bền vững hơn.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem