Sát giờ “G”, thí sinh coi chừng dính… “bẫy” điểm sàn

Quốc Hải Thứ bảy, ngày 04/09/2021 15:39 PM (GMT+7)
Những năm trước, điểm sàn và điểm chuẩn nhiều ngành cách nhau đến 5-8 điểm. Vì thế, trước mức điểm sàn xét tuyển được cho là khá thấp năm nay, nhiều chuyên gia tuyển sinh cảnh báo, nếu chủ quan, thí sinh sẽ rất dễ rơi vào bẫy điểm sàn…
Bình luận 0

Đến 17h chiều mai (5/9), thời gian để thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2021 sẽ kết thúc. Thời điểm này, vẫn có nhiều thí sinh còn lúng túng trong việc điều chỉnh nguyện vọng để có cơ hội trúng tuyển trường mong muốn.

Chỉ tiêu còn lại ít, khó có khả năng điểm chuẩn thấp

Trên thực tế, mùa tuyển sinh năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến mọi kế hoạch của các trường gần như bị đảo lộn. Để tránh sự bị động, nhiều trường đã thay đổi phương án tuyển sinh bằng cách gia tăng thêm hình thức xét tuyển khác như xét tuyển thẳng, xét học bạ, xét điểm thi kỳ thi đánh giá năng lực, diện đặc cách tốt nghiệp… khiến cho chỉ tiêu xét theo phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT giảm đi.

Sát giờ “G”, thí sinh coi chừng dính… “bẫy” điểm sàn - Ảnh 1.

Năm nay, do ành hưởng của dịch Covid-19, các trường điều chỉnh tỷ lệ xét tuyển theo học bạ tăng lên nhiều... - Ảnh: Hutech

Theo ghi nhận của Dân Việt, ở nhiều trường chỉ còn 30 - 50% tổng chỉ tiêu, thậm chí có trường chỉ còn 10% chỉ tiêu ở phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, việc một số trường vẫn công bố ngưỡng điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển khá thấp so với mọi năm, dễ khiến thí sinh lâm vào "ảo tưởng" điểm chuẩn năm nay sẽ hạ vì… Covid-19.

Tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, năm nay trường này xét tuyển theo 6 phương thức. Trong đó, phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT chiếm khoảng 10% chỉ tiêu, tương đương còn khoảng 600 chỉ tiêu. Tuy nhiên, mức điểm sàn mà nhà trường công bố chỉ dao động từ 18 đến 20 cho các ngành đào tạo tại cơ sở TP.HCM, tương đương năm 2020.

Hàng loạt trường đại học khác như: ĐH Tài chính - Marketing; ĐH Ngân hàng TP.HCM, ĐH Luật, ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế - luật... cũng có điểm sàn dao động từ 17 đến 20.

Chính vì mức điểm sàn các trường đưa ra không cao, cùng với chỉ tiêu còn lại khá ít nên theo các chuyên gia giáo dục, thí sinh nên cẩn trọng để tránh "bẫy" điểm sàn. Ví dụ, tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ còn lại khoảng 600 chỉ tiêu thì nhiều khả năng mức điểm trúng tuyển sẽ tăng mạnh.

Năm ngoái, cũng với mức điểm sàn 20 nhưng điểm chuẩn của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM thấp nhất 22, cao nhất 27,6.

Sát giờ “G”, thí sinh coi chừng dính… “bẫy” điểm sàn - Ảnh 2.

Sinh viên trong giờ học kỹ thuật điện tử - Ảnh: Hutech

Tương tự, tại ĐH Bách khoa TP.HCM, điểm sàn năm nay chỉ 19 điểm. Tuy nhiên, năm ngoái mức điểm sàn trường này cũng là 18-19 điểm nhưng điểm chuẩn trúng tuyển sau đó lại tăng tới mạnh tới 9-10 điểm, chẳng hạn như ngành khoa học máy tính (28 điểm); hoặc từ 23 đến 25 như Kỹ thuật vật liệu, Kỹ thuật xây dựng, Địa chất - Dầu khí, Tài nguyên - Môi trường...

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM - nhận định điểm chuẩn năm nay sẽ biến động theo chiều hướng tăng.

Trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều trường đại học đã tăng chỉ tiêu tuyển sinh bằng phương thức xét học bạ. Cùng với đó, thí sinh cũng có xu hướng lựa chọn phương thức này để nộp hồ sơ xét tuyển, do đó điểm chuẩn năm nay dự báo sẽ tăng mạnh ở các trường đại học tốp đầu.

Các trường tốp giữa khá ổn định còn các trường đại học tốp dưới sẽ khó khăn trong công tác tuyển sinh...

"Năm nay, điểm thi THPT cao hơn năm ngoái nhiều, trong khi vì dịch bệnh Covid-19 phức tạp, có nhiều trường đã cắt giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và thay vào đó là nâng chỉ tiêu xét học bạ, đánh giá năng lực… 

Vì vậy, khi chỉ tiêu sụt giảm thì chắc chắn điểm chuẩn sẽ tăng cao chứ không có khả năng tương đương với năm ngoái", ông Sơn nói. Theo ông Sơn dự đoán, điểm chuẩn năm nay sẽ tăng từ 0,5-3,5 điểm tùy ngành, tùy trường.

"Điểm chuẩn năm nay của khối A00, B00, D01, A01... các ngành của các trường top trên khoảng từ 24 điểm trở lên mới trúng tuyển, các trường tốp giữa thì điểm trúng tuyển cũng từ 20-22 điểm trở lên. Các ngành, trường có khối ngành xã hội cũng có điểm cao hơn năm ngoái chừng 1 điểm trở lên vì điểm môn Tiếng anh, Văn, Địa lý, Giáo dục công dân có phổ điểm rất cao", ông Sơn nhận định.

Làm sao để chọn "đúng" và "trúng"?

Theo các chuyên gia giáo dục, hiện vẫn có nhiều thí sinh có suy nghĩ nhầm lẫn, nghĩ điểm thi bằng hoặc cao hơn điểm sàn một chút đã có thể trúng tuyển. Thực tế, điểm sàn không phải điểm chuẩn, với nhiều trường, khoảng cách giữa 2 điểm này là rất xa. Trong đó, với nhóm các trường top dưới, điểm sàn thường thấp và điểm trúng tuyển thường bằng điểm sàn. Đây là những trường khó khăn trong tuyển sinh, thậm chí số lượng thí sinh nộp hồ sơ còn thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu được giao, nên hầu hết thí sinh đăng ký sẽ trúng tuyển.

Tuy nhiên, cần phải rạch ròi ở chỗ có nhiều trường ngoài công lập dù mức điểm sàn có thể không cao, dao động từ 16-17 điểm, nhưng điểm chuẩn vào một số ngành "hot", ngành thế mạnh có thể tăng tới 1-3 điểm so với điểm sàn.

Kế đến là nhóm các trường top giữa, điểm chuẩn thường cao hơn điểm sàn khoảng 1-2 điểm.

Và nhóm trường top trên, hết điểm chuẩn đều cao hơn điểm sàn rất nhiều. Khoảng cách này có thể từ 1-7 điểm tùy từng trường, từng ngành.

Sát giờ “G”, thí sinh coi chừng dính… “bẫy” điểm sàn - Ảnh 4.

Sinh viên trong giờ học CNTT - Ảnh: Hutech

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (HUFI) - nhấn mạnh: Thí sinh cần thật sự tỉnh táo trước khi điều chỉnh nguyện vọng, cũng như hướng nguyện vọng về các ngành có ngưỡng điểm sàn thấp. Năm ngoái, nhiều ngành điểm chuẩn trúng tuyển cao hơn điểm sàn đến 4,5 - 5 điểm là không ít.

"Để tránh đối mặt với rủi ro khi điều chỉnh nguyện vọng, nộp hồ sơ xét tuyển vào trường có mức điểm sàn thấp, tốt nhất thí sinh nên tham khảo nhiều phổ điểm, điểm chuẩn trúng tuyển từng ngành các trường trong 2 - 3 năm để có hướng điều chỉnh phù hợp nhất" - ông Sơn nói.

Còn theo Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin và truyền thông Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), thí sinh nên tham khảo điểm sàn so với điểm chuẩn và phổ điểm của từng năm để biết độ chênh lệch. 

Đồng thời, tham khảo thêm phân tích của các chuyên gia, thầy cô nhiều kinh nghiệm. Có những ngành điểm chuẩn chỉ bằng sàn hoặc hơn một chút, nhưng có những ngành cao hơn đến gần chục điểm... Vì thế, cần so sánh từng năm cũng như giữa các năm để có được quyết định hợp lý nhất.

Theo ông Phùng Quán, hiện nay, các ngành Khoa học tự nhiên thường ít thu hút thí sinh nên điểm chuẩn thường thấp hơn những ngành khác. Tuy nhiên, tại trường cũng có một số những ngành rất hút thí sinh dẫn đến điểm chuẩn cao, như nhóm ngành Máy tính và công nghệ thông tin, Công nghệ sinh học, Hóa học, Điện tử viễn thông… thí sinh cần cân nhắc việc đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng. Còn với các ngành như Hải dương học, Vật lý học, Khoa học môi trường, Khoa học vật liệu… thí sinh có điểm thi trong khoảng từ 18-22 điểm sẽ có cơ hội trúng tuyển cao.

"Dù có nhiều có hội trúng tuyển cao ở những ngành này, nhưng khi đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng thí sinh cần dựa trên sở thích, đam mê ngành nghề. Nếu không có đam mê mà các em đăng ký sẽ rất khó để theo được chương trình học, gây lãng phí thời gian học tập của mình" - ông Phùng Quán lưu ý.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, thời gian kết thúc điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển là từ 17h ngày 5/9. Trước 17h ngày 7/9, Sở GD-ĐT và các điểm thu nhận hồ sơ hoàn tất cập nhật thông tin về điều chỉnh sai sót của tất cả thí sinh vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh Bộ GD-ĐT.

Các trường đại học thực hiện quy trình xét tuyển đợt 1 theo quy chế tuyển sinh từ ngày 12/9 đến 17h ngày 15/9 và công bố kết quả trúng tuyển đợt 1 trước 17h ngày 16/9.

Thí sinh xác nhận nhập học đợt 1 trước 17h ngày 26/9.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem