Sát nhân vùng Tây Bắc (Kỳ 2): Những thảm án kinh hoàng

Thứ sáu, ngày 26/01/2018 18:30 PM (GMT+7)
Từ sự kiêu ngạo, Gát trở nên lạnh lùng và thể hiện rõ bộ mặt là một kẻ máu lạnh. Hễ ai không may làm phật ý đến những người trong gia đình Gát, đều bị hắn xử tội chết bằng “luật rừng” một cách không thương tiếc…
Bình luận 0

Gát không bao giờ nghe lời bất cứ ai, hễ có mâu thuẫn với người khác là hắn sử dụng vũ lực để giải quyết, thậm chí dùng cả dao để “dạy bảo” vợ và những người thân trong gia đình.

Hai thảm án, một sát nhân

Nhắc đến những ngày tháng sống với chồng, bà Phàn Thị Xuân (vợ Gát) cho biết, hồi gã còn sống, có lần vợ chồng đang ở nhà, có ông Thán (anh vợ Gát) đến chơi. Thấy 2 vợ chồng bà cãi nhau chuyện lập lán sẻ gỗ nên anh Thán có can vài câu. Vậy mà gã đã vung con dao mẹo đi rừng chặt ngay giữa mặt Thán, cũng may mà ông Thán tránh kịp.

Theo hồ sơ công an tỉnh Lào Cai cung cấp, thấy được sự ngỗ ngược, côn đồ của Gát mà bà Đanh (mẹ vợ Gát) đã nhờ con rể đi đòi tiền đền bù của người đã bắn chết con Trâu của bà này. Ngày 2.11.2000, Gát nhận lời mẹ vợ và cùng em trai là Phàn A Min và anh Tẩn A Tón, cùng ông Tẩn A Đon đến nhà ông Tẩn Duần Hiển ở thôn Phìn Ngan (xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát) để đòi tiền đền bù con trâu đã chết trước đó.

Biết tiếng tăm của Gát vang núi, ông Hiển, người lỡ tay bắn chết con trâu của mấy gia đình ở Ná Nùng những ngày trước đó đã đề ra nhiều phương án giải quyết mềm mỏng, cùng bữa cơm mời Gát và mấy người đi cùng. Cuối cùng trước sự chứng kiến của già làng bản Phìn Ngan là Phàn Hồ Hin, cùng các bô lão trong làng, Hiển đã phải trả cho Gát 350 ngàn đồng.

Bà Tráng Thị Mẩy (vợ Tẩn A Đon, người bị Gát đã giết hại dã man). Nhắc đến vụ án chồng bị giết, bà Mẩy sụt sịt cho biết, mãi sau này khi công an đến nhà hỏi chuyện, bà mới được biết câu chuyện trong bữa ăn ở thôn Phìn Ngan hôm đó.

img

Thượng tá Đỗ Mạnh Tiến, Phó phòng truy nã tội phạm (PC 52) công an tỉnh Lào Cai chia sẻ với PV những ngày tháng truy bắt Gát.

Gát và Tón đã cãi nhau về việc chia tiền bồi thường trâu của bà Đanh với ông Đon là không công bằng. Hắn định đánh Tón nhưng mọi người can ngăn nên thôi. Đến khi ra về, khoảng 20h30, họ vẫn tiếp tục đấu khẩu và thách đố nhau. Đến một lán trông nương lúa (người dân tộc vùng cao thường hay làm lán trông nương để ngủ lại trông thú rừng hoặc người khác vào phá, thu hoạch trộm lúa - PV), thì Gát nói mọi người dừng chân nghỉ ngơi.

Cùng lúc đó, Gát vớ lấy ngay điếu mà những người đi rừng bỏ lại đánh vào mặt anh Tón. Thấy phản ứng của Gát quá thất thường, lại có tiếng nguy hiểm, em trai Gát là Phàn A Min chạy lại khuyên ngăn anh trai nhưng không được. Gát đã dùng đá đập chết hai người cùng đi đòi nợ là Tón và chồng bà Mẩy rồi thản nhiên về nhà. Sau đó, Gát cầm khẩu súng săn đi theo lối mòn quen thuộc vào rừng thuộc thôn Suối Thầu, xã Cốc Mỳ. Biết chắc chắn công an sẽ truy bắt, Gát chuẩn bị sẵn đồ dùng để bỏ trốn.

Nhầm lẫn tai ương

Sau khi Gát gây án, trong lúc cả bản làng rơi vào cảnh tang thương vì có nhiều cái chết, người ta vẫn nhìn thấy Gát cõng đồ đạc bình tĩnh đi về phía rừng già để lẩn trốn lực lượng chức năng. Nơi hắn chọn là một cứ điểm đặc biệt hiểm trở, thuận lợi cho việc quan sát từ xa, lại có dây rợ. Nơi này có tên gọi khác là “núi Hang Dê”, ý là chỉ có Dê mới lên được đó.

Thời gian lẩn trốn trong rừng, Gát dùng dao đánh dấu không ít cây gỗ lớn (việc đánh dấu gỗ ở người vùng cao là đã xác định chủ sở hữu cây đó). Những thân cây mang dấu của Gát thì những người đi rừng không ai dám bén mảng đến. Đã vậy, hắn hiện lẩn trốn trong rừng nên càng đáng sợ hơn. Gát xuất hiện bất cứ nơi nào nghe tiếng cây đổ. Bây giờ hắn còn nguy hiểm hơn cả con thú rừng, với khẩu súng trong tay hắn sẵn sàng “xử” những ai dám xâm phạm vào tài sản đã “đánh dấu” của gia đình hắn. Tuy nhiên, sự nhầm lẫn tai ương của một người trong làng đã vô tình dẫn đến cái chết quá tức tưởi.

Đại tá Hoàng Công Tế (nguyên phó giám đốc công an tỉnh Lào Cai) cho biết, hơn một năm sau khi gây án, Gát đã hiện nguyên hình là một tên sát nhân máu lạnh. Sự việc càng khiến lực lượng chức năng bất ngờ là ngày 1.12.2001, anh Chò A Thắng (SN 1972, người từng là bạn đi rừng một thời với Gát ở thôn Ná Nùng) đã nhờ một số người trong làng xẻ gỗ giúp mình. Đặc biệt hơn, cây gỗ mà anh Thắng xẻ lại là gỗ mà Gát đã đánh dấu trước đó.

img

Những vật dụng thu được sau khi bắt được Gát.

Sau khi cây gỗ bị đốn hạ, những người thợ anh Thắng nhờ ở lại trong rừng xẻ gỗ, còn Thắng một mình về lán nấu cơm. Bởi thế, Gát đã ẩn sẵn trong bụi rậm gần đó và bắn chết anh Thắng. Lúc người ta chạy đến nơi thì Thắng đã tắt thở, khẩu súng săn Thắng mang theo người cùng toàn bộ đạn và đồ dùng cá nhân của Thắng cũng đã  bị tên giết người lấy sạch.

Sự việc càng khiến dư luận vùng biên giới Bát Xát – Lào Cai xôn xao, là đến ngày 19.11.2003, Gát lại lần nữa làm náo loạn khu rừng già. Kể từ đây, không ai còn dám bước chân vào khu rừng Suối Thầu nữa, họ chỉ quanh đi quẩn lại cạnh nhà, rồi đêm về đóng kín cửa. Không ai dám vào rừng vì sợ con “ngáo ộp” giữa đại nghàn giết hại.

PV (Khám Phá)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem