Sau 30 năm, tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam tăng lên bao nhiêu?
Sau 30 năm, tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam tăng lên bao nhiêu?
Minh Ngọc
Thứ ba, ngày 24/11/2020 16:58 PM (GMT+7)
Chiều ngày 24/11, Bộ NNPTNT tổ chức Họp báo thông tin về chuỗi sự kiện kỷ niệm ngành lâm nghiệp Việt Nam - 75 năm hình thành và phát triển (1945 - 2020). Chủ trì họp báo có Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn.
Theo Bộ NNPTNT, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử với nhiều lần thay đổi về tổ chức, nhưng ngành lâm nghiệp đang khẳng định vị thế là một ngành kinh tế vì môi trường, dân sinh, góp phần phát triển bền vững đất nước về kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng.
Từ năm 1990 đến năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng tăng trên 14,7% (tăng hơn 1,5 lần), tương đương 5,6 triệu ha rừng.
Ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm Nghiệp cho biết, ngành lâm nghiệp đang thu hút khoảng trên 20 triệu lao động. Đặc biệt, ngành đã thu hút được các nguồn lực xã hội thông qua dịch vụ môi trường rừng với trung bình 1.600 tỷ đồng/năm trong giai đoạn 2013 - 2019 để chi trả đến từng người dân.
"Ngành lâm nghiệp đã phát huy lợi thế, phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu lâm sản, năm 2020 dự kiến giá trị xuất khẩu đạt khoảng 13 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ 5 thế giới, thứ 2 Châu Á và đứng đầu Đông Nam Á về xuất khẩu lâm sản" - ông Trị cho hay tại buổi họp báo.
Cũng theo ông Trị, để thực hiện hóa khát vọng của ngành, trong giai đoạn tới, ngành lâm nghiệp vẫn kiên định 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường. Quyết tâm bảo vệ được diện tích rừng tự nhiên hiện có theo chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước.
Cùng với đó là nâng cao năng suất và chất lượng của rừng trồng đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích; tiếp tục tái cơ cấu ngành lâm nghiệp đồng bộ theo chuỗi từ trồng rừng đến khai thác, chế biến và tiêu thụ để tăng trưởng bền vững.
Tại cuộc họp báo, ông Trị cũng thông tin về chuỗi sự kiện kỷ niệm 75 năm hình thành và phát triển ngành lâm nghiệp Việt Nam, đó là, Bộ NNPTNT sẽ tổ chức chuỗi sự kiện trong 02 ngày 30/11 và 01/12/2020 tại TP. Vinh, Nghệ An.
Theo đó, Lễ kỷ niệm "Lâm nghiệp Việt Nam - 75 năm hình thành và phát triển" nhằm ôn lại lịch sử, giáo dục truyền thống gắn với bồi dưỡng ý chí khát vọng vươn lên, tinh thần tự hào, chủ động sáng tạo đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuyên truyền về ý nghĩa của các hệ sinh thái rừng đối với đời sống con người, vai trò của kinh tế lâm nghiệp trong nền kinh tế quốc dân.
Cùng với đó, tri ân, tôn vinh những người có đóng góp của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành lâm nghiệp cũng như sự chung tay của toàn xã hội trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp.
"Đây là lần đầu tiên trong chặng đường 75 năm hình thành và phát triển, ngành lâm nghiệp vinh dự tổ chức kỷ niệm ngày thành lập" - ông Trị chia sẻ.
Trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 75 năm ngành lâm nghiệp, Bộ NNPTNT cũng sẽ tổ chức Hội nghị "Giải pháp thúc đẩy sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025".
Hội nghị này được Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Nghệ An phối hợp tổ chức với sự góp mặt của gần 600 đại biểu của các hiệp hội, doanh nghiệp chế biến lâm sản và trên 20 tổ chức quốc tế và đại biểu ngoại giao.
Năm 2019, giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 11,3 tỷ USD, dự kiến năm 2020 đạt 13 tỷ USD, chiếm 2,3% tổng giá trị xuất khẩu cả nước và chiếm trên 26% tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản
Diện tích rừng cả nước cơ bản đều tăng đều qua các năm và đạt tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42% vào năm 2020, hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản được Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định.
Việt Nam là một trong số rất ít nước có tốc độ tăng diện tích rừng ổn định và nhanh trên thế giới. Việt Nam cũng đã đóng cửa khai thác gỗ toàn bộ 10,3 triệu ha rừng tự nhiên, kiểm soát chặt chẽ mục đích sử dụng rừng, hình thành hệ thống rừng đặc dụng trên 2,2 triệu ha, rừng phòng hộ trên 4,6 triệu ha.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.