Sau "cuộc chiến", ôm hôn cả ông Vũ lẫn bầu Kiên?

Thứ ba, ngày 28/02/2012 07:27 AM (GMT+7)
Dân Việt - Theo dự kiến, hôm nay là ngày AVG đưa ra câu trả lời cho VPF về vấn đề bản quyền truyền hình. Liệu sẽ có một kết thúc đẹp để chấm dứt những tranh cãi ầm ĩ trong suốt nhiều ngày qua?
Bình luận 0

Các ông bầu bóng đá, như chính họ nói, đang bỏ ra cả trăm tỷ đồng nuôi đội bóng của mình. Cứ cho rằng có một phần nào đó (nhỏ to không bàn) do “máu mê” bóng đá, còn thì (cái này cả thế giới đều thế) sở hữu đội bóng để nó đem lại hai cái lợi: Lãi từ kinh doanh đội bóng (lợi ích trực tiếp) và PR tên tuổi của mình (lợi ích gián tiếp nhưng đang được khai thác tối đa- cứ xem những cái tên đội bóng ở Việt Nam thì rõ).

img
 

Ở Việt Nam hiện nay các ông bầu có thể đang có cái lợi thứ hai là chủ yếu. Đằng nào họ cũng phải quảng cáo, vậy thay vì quảng cáo cách này cách kia, thì sở hữu một đội bóng là cách cũng rất hiệu quả. Khi họ bỏ tiền của họ “mua” quảng cáo trên VTV (ví dụ 20 tỷ đồng/năm), trừ 7 đồng tỷ cho VFF (hầu như bằng AVG trả trực tiếp cho VFF) còn 13 tỷ, có chia hết cho các đội bóng, thì các ông bầu có thể vẫn hạch toán vào tiền đang cấp thẳng cho các đội bóng. Như vậy có thể nói họ chẳng bỏ thêm tiền, họ chỉ chuyển một phần tiền trong số tiền mua đội bóng “dạo mát” sang VTV rồi lại vòng về chi cho đội bóng.

Về lý thuyết, VTV chỉ cần bỏ ra khoảng 5,4 tỷ đồng kia là có sóng V. League. Tuy nhiên, họ có thể có sóng ấy không mất tiền bằng cách: AVG có bản quyền, họ có công sản xuất tín hiệu; Họ cho AVG đưa quảng cáo vào để thực hiện “đổi quảng cáo lấy bản quyền”; Họ có thể thỏa thuận với AVG chia doanh thu khai thác quảng cáo trên sóng phát các trận bóng đá…

Như vậy nếu chỉ để “phục vụ người hâm mộ” thì cùng AVG hay cùng các ông bầu không có gì khác, VTV vẫn phát được các trận bóng đá ấy. Nhưng cái khác sẽ ở chỗ dẫu 20 tỷ đồng quảng cáo của các ông bầu chảy vào VTV rồi lại chảy về các ông bầu, chẳng ở lại VTV, thì 20 tỷ đồng ấy về nguyên tắc vẫn được hạch toán vào doanh thu quảng cáo của VTV, và VTV vẫn phải nộp thuế doanh thu. Tức là hoàn toàn có khả năng nếu không có quảng cáo khác ngoài 20 tỷ đồng kia thì VTV phải bỏ tiền túi ra ít nhất 2 tỷ đồng nộp thuế.

Có vẻ như vậy còn “chát” hơn, thà lấy sóng AVG miễn phí (bù trừ bản quyền và chi phí AVG “thuê” VTV sản xuất tín hiệu).

VTV sẽ chẳng có lợi gì trong vụ “20 tỷ đồng/năm” này. Nhưng sẽ không có gì đáng ngạc nhiên, bởi vì không chỉ Ban Thể thao của VTV có việc làm, mà đơn vị quảng cáo của VTV cũng có lợi ích. Nếu thực hiện vụ “20 tỷ đồng/năm” này, doanh thu của đơn vị này tăng 20 tỷ đồng, lương của đơn vị đó khoán theo phần trăm doanh thu quảng cáo. Vậy ngoài 2 tỷ đồng thuế, VTV mất thêm tiền chi thưởng cho nhân viên quảng cáo theo doanh thu cho một cái khoản thu 20 tỷ đồng không có thật đối với VTV.

Các đội bóng được lợi gì? Như trên đã nói, trong phương án bán cho VTV 20 tỷ đồng/mùa có thể các đội bóng cũng chẳng được lợi gì hơn so với VFF bán 6 tỷ đồng/ mùa. Không phải các đội bóng, mà là các ông bầu quyết định đầu tư cho đội bóng bao nhiêu tiền.

Giả sử 13 tỷ đồng còn lại VPF đưa hết về các đội bóng, thì nó cũng “hòa” vào tiền các ông bầu chi. Ví dụ giản đơn: Nếu đội bóng có thêm 1 tỷ đồng từ “tiền bán bản quyền”, ông bầu có thể không phải chi 1 tỷ đồng ấy một cách trực tiếp nữa. Thực ra các ông bầu có thể còn “bán” bản quyền cho VTV giá cao hơn nữa cũng được chứ không chỉ 20 tỷ đồng/năm.

Giả sử tất cả tiền họ rót nuôi đội bóng không rót luôn, mà vòng qua VTV như tiền quảng cáo, rồi lại về tay họ như tiền bán bản quyền, sau đó mới về đội bóng, thì có thể nâng cái giá này lên luôn vài trăm tỷ đồng/ năm. Các ông bầu sẽ nói: Nhờ công họ, các đội bóng đã “đứng vững trên tiền bản quyền truyền hình”, và họ không phải rót tiền nữa, hoặc chỉ rót vừa đủ để vẫn là ông bầu thôi.

Với người hâm mộ, VTV theo thỏa thuận với AVG bây giờ cũng đã truyền tối đa các trận đấu bóng đá trong khung chương trình của họ. Ai cũng biết trong thâm tâm VTV “thích” dùng giờ truyền bóng đá để phát phim hay games… thu quảng cáo bộn tiền hơn. VFF phải nhượng bộ rất nhiều chuyện giờ bóng lăn cũng vì lẽ này. Mùa hè các đội phải đá từ 16 giờ, trước kia còn sớm hơn, cầu thủ mệt, người xem phơi nắng cháy khô trên sân chẳng qua vì VTV muốn giữ dải giờ 18g - 19 g là giờ vàng để phát chương trình có tính thương mại cao hơn.

Mặt khác, kể cả trường hợp VTV không phát trận nào thì đa số người xem bóng đá cũng có kênh để xem. AVG đã có chương trình hợp tác với 40 đài địa phương để truyền các trận đấu này. Nếu vậy có nghĩa là vùng phủ sóng chẳng kém gì. Vậy không cần mở kênh VTV, khán giả có thể xem ngay trên nhiều kênh khác. Với khán giả TP.HCM chẳng hạn: vì chủ yếu xem qua các hệ thống cáp, cho dù VTV3 hay VTV2 có không phát bóng đá, người xem sẽ có tới dăm kênh trong hệ thống này phát những trận bóng đá đó.

Hôm nay là ngày AVG trả lời VPF về vấn đề gây tốn giấy mực của truyền thông nhiều ngày qua. Thử đặt ra những phương án về "cuộc chiến" này.

- AVG, vốn không ngọng gì về kinh doanh, sẽ thu lợi từ quảng cáo và các giá trị gia tăng khác từ bản quyền V.League. 6 tỷ đồng họ trả VFF là chi phí, cứ cho là nó thấp, thì chi phí thấp sẽ tạo khả năng lợi nhuận cao hơn. Mà 100% lợi nhuận họ cam kết góp cho bóng đá và thể thao. Nếu nghi ngờ, không khó để tạo ra cơ chế giám sát AVG trong chuyện này. AVG có dám nuốt lời khi họ đang cần sự ủng hộ của xã hội lúc mới kinh doanh? Chắc không dám!

- AVG chia bản quyền, ví dụ cho VTV, VTC (có thể các đài khác nữa nếu quan tâm). Các đài này đều có quyền phát sóng, khai thác thương mại. Mỗi đài sẽ chịu 2 tỷ đồng trả cho VFF. Trong trường hợp này, VTV chỉ chi hai tỷ đồng mà có bản quyền cho cả mùa giải. Bài toán “bù” chi phí của VTV dễ hơn nhiều. AVG vẫn phải thực hiện cam kết của mình là “nộp” lãi cho bóng đá và thể thao. VTV và VTC chả lẽ không làm được vậy?

Trong phương án này, tiền về VFF nhiều hơn và về các đội bóng cũng vậy.Vì cả ba đài khai thác giá trị bản quyền thì sẽ tốt hơn là một đài. Người xem còn có lợi là chọn trận để xem khi có nhiều khung giờ trên các hệ thống kênh khác nhau phát các trận thi đấu khác nhau. Các đội bóng cũng có thể đá nhiều giờ khác nhau, nhà đài chọn giờ mà tường thuật. Công bằng quá đi chứ.

- Các ông bầu không dễ gì chơi bài cuối là bỏ các đội bóng. Trong kinh tế thị trường, gắn thương hiệu của công ty với đội bóng là cách chơi của nhiều người, không riêng gì của mấy ông bầu hiện nay. Sẽ lại diễn ra cuộc đổi tên các đội bóng thôi, không hơn. Có thể chuệch choạc một lúc thôi.

- Người ta nói thu từ bản quyền truyền hình như là nguồn sữa nuôi bóng đá. Thực ra không phải vậy trong thời gian còn lâu nữa. Vì vậy e rằng cuộc chiến bản quyền này gay gắt vì người ta nhắm đến những nguồn thu khác có thể sẽ có trong tương lai.

Và cuối cùng, đây mới là “viên đá thử” :

VPF hãy “sang tay” cho AVG khách hàng VTV với cái giá 76 hay 100 tỷ đồng/3 năm. AVG hãy trả cho VFF đúng giá cũ 6 tỷ đồng (cộng 10% lũy tiến theo năm). Số còn lại phải coi là lợi nhuận (nếu có trừ một số nào đó để cho các chi phí sản xuất tín hiệu, mà sản xuất có thể là nhiều đài làm), AVG hãy làm đúng cam kết là đưa toàn bộ 100% đóng góp cho bóng đá và thể thao Việt Nam. Hội cổ động viên sẽ đứng ra làm giám sát. Còn nếu VPF muốn mình đứng ra cho oách thì AVG hãy ủy quyền cho VPF bán cho VTV với điều kiện VPF cũng phải làm giống như AVG hứa.

Nếu như thế, tôi muốn ôm hôn cả ông Phạm Nhật Vũ lẫn bầu Kiên. Và trống kèn sẽ vang rền trên khán đài V. League. Và cuộc chiến bản quyền với kết thúc này sẽ là “trận đấu trong mơ”.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem