Người dân miền Trung "khát" giống cây, con để tái thiết sản xuất
Sau 8 cơn bão đổ vào miền Trung, người dân "khát" giống cây, con để tái thiết sản xuất
Khánh Nguyên
Thứ sáu, ngày 20/11/2020 05:37 AM (GMT+7)
8 cơn bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào miền Trung chỉ trong vòng gần 2 tháng qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, khiến cuộc sống của người dân nơi đây rơi vào cảnh khó khăn. Bộ NNPTNT đang nỗ lực triển khai các giải pháp hỗ trợ sinh kế cho người dân sau bão lũ.
Chiều 17/11, vừa trở về sau chuyến khảo sát khôi phục, tái thiết sản xuất sau mưa lũ ở các tỉnh miền Trung, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, sau mưa lũ, nhu cầu cây - con giống mới để tái thiết, khôi phục sản xuất là rất lớn.
Thống kê sơ bộ, sau đợt mưa lũ có đến 80.000 con lợn, 15.000 đại gia súc, 3,3 triệu con gia cầm và hàng chục nghìn ha cây trồng bị thiệt hại.
"Các địa phương nên tập trung hỗ trợ người dân tăng nhanh diện tích rau màu, bởi nếu không đẩy nhanh tốc độ sản xuất thì có thể gây tình trạng sốt rau trong dịp tết. Do vậy, cần tính toán hỗ trợ ngay giống rau màu cho người dân, ở những nơi bị ngập sâu có thể hỗ trợ 100%".
Bộ trưởng Bộ NNPTNT
Nguyễn Xuân Cường
Để khôi phục sản xuất nông nghiệp sau lũ, các tỉnh miền Trung đang cần hỗ trợ 5.600 tấn giống lúa, 225 tấn giống ngô, 44,2 tấn hạt rau giống; cùng với đó là 560.000 liều vaccine, 140.000 lít và 105 tấn hóa chất khử trùng.
Ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, theo thống kê sơ bộ, các địa phương bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ đang đề nghị Chính phủ hỗ trợ 6.000 tấn hạt giống lúa, 362 tấn hạt giống ngô và 55 tấn hạt giống rau.
Trong đó, tỉnh Quảng Trị đề nghị hỗ trợ 2.000 tấn hạt giống lúa, 80 tấn ngô và 15 tấn hạt giống rau; tỉnh Quảng Bình đề nghị hỗ trợ 2.000 tấn hạt giống lúa, 120 tấn hạt giống ngô, 200 tấn hạt giống lạc và 20 tấn hạt giống rau…
Sau khi mưa lũ đi qua, Bộ NNPTNT đã huy động nguồn từ các tổ chức, đơn vị, cá nhân hỗ trợ cho người dân 5 tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng nhất trong đợt mưa lũ vừa qua với tổng trị giá 150 tỷ đồng.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, thông qua các nguồn, Bộ NNPTNT đã hỗ trợ người dân 5 tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ 1,1 triệu con gà giống, 17.000 con vịt giống, 2.000 con ngan giống; 300 tấn thức ăn, 300 triệu đồng tiền thuốc thú y; 85.000 lít và 120 tấn hóa chất khử trùng; Bộ cũng tổ chức 23 lớp tập huấn để người dân yên tâm khôi phục sản xuất.
Ngoài ra, 26 triệu con giống tôm và 70 tấn thức ăn; 13 tấn hạt giống; 20 tấn gạo cũng được chuyển tới hỗ trợ các địa phương. Bộ NNPTNT cũng cấp phát hỗ trợ cho các địa phương khu vực miền Trung 18 tấn giống ngô, 10,8 tấn hạt rau giống; 30.000 liều vaccine, 60.000 lít và 70 tấn hóa chất khử trùng.
Chỉ qua thời gian ngắn, Tổng cục Thủy sản cũng kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ được trên 76 triệu giống tôm thẻ chân trắng, 150 tấn thức ăn hỗn hợp nuôi tôm nước lợ, 15 tấn sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, tổng trị giá 71 tỷ đồng. Bộ đã tổ chức hỗ trợ tại Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Ưu tiên nhóm gia cầm, rau màu ngắn ngày
Bộ NNPTNT đã hỗ trợ người dân 5 tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ 1,1 triệu con gà giống, 17.000 con vịt giống, 2.000 con ngan giống; 300 tấn thức ăn, 300 triệu đồng tiền thuốc thú y; 85.000 lít và 120 tấn hóa chất khử trùng; 26 triệu con giống tôm và 70 tấn thức ăn; 13 tấn hạt giống; 18 tấn giống ngô, 10,8 tấn hạt rau giống; 30.000 liều vaccine, 60.000 lít và 70 tấn hóa chất khử trùng.
Chiều 17/11, tại cuộc họp bàn về hỗ trợ các tỉnh miền Trung khôi phục sản xuất nông nghiệp sau mưa lũ, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, mưa lũ ở các tỉnh miền Trung những ngày qua đã gây tổn thương nặng nề cho người dân các tỉnh miền Trung, do vậy khôi phục, tái thiết sản xuất sau mưa lũ là một nhiệm vụ cấp thiết lúc này.
"Từ nay đến cuối năm, phải tập trung nguồn lực ưu tiên hỗ trợ người dân khôi phục, tái thiết sản xuất sau mưa lũ, kiên quyết không được để người dân nào thiếu lương thực sau lũ" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Theo tính toán của Bộ NNPTNT, để tái thiết sản xuất, tạo sinh kế cho người dân thì nên tập trung vào hai mũi: Trồng rau màu và chăn nuôi gia cầm. Bởi từ nay đến Tết Nguyên đán, chăn nuôi gia cầm sẽ có sản phẩm, nhờ đó giúp bà con có thêm thu nhập và tạo sinh kế cho những chu kỳ sau.
Để đẩy mạnh việc chăn nuôi sau lũ lụt, Bộ NNPTNT khuyến cáo các địa phương phải thực hiện tốt công tác khử trùng, tiêu độc, đảm bảo môi trường an toàn, sạch bệnh…
Bộ NNPTNT cũng đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi phối hợp Trung tâm Khuyến nông quốc gia và các đơn vị liên quan xây dựng mô hình nuôi gia cầm sau mưa lũ để phổ biến, nhân rộng tại các địa phương; đồng thời chỉ đạo các viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản và cơ quan quản lý địa phương tổ chức quan trắc môi trồng vùng nuôi, đảm bảo môi trường an toàn trước khi thả nuôi, tránh thiệt hại.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý các địa phương tập trung rà soát đánh giá hiện trạng diện tích trồng lúa bị ảnh hưởng, có biện pháp khắc phục, cải tạo đồng ruộng, khôi phục hệ thống thủy lợi để kịp thời đưa vào gieo trồng vụ đông xuân tới.
Rà soát lại toàn bộ diện tích lúa gieo cấy và nhu cầu hỗ trợ của các huyện, đề xuất hỗ trợ giống phục vụ gieo trồng, không để diện tích không được gieo trồng do thiếu giống. Với diện tích ruộng lúa bị vùi lấp do cát, đất, sỏi không thể khôi phục trồng lúa trở lại, xem xét chuyển đổi cây trồng phù hợp.
Đối với cây lâu năm khẩn trương, tập trung hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật khắc phục các vườn cấy lâu năm bị ngập úng. Xây dựng các mô hình sản xuất lưu ý các mô hình rau, cây ngắn ngày, các lớp hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật khôi phục cây lâu năm...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.