Sau lũ lụt miền Trung, Cục Trồng trọt khuyên đắp ụ đất trồng cây gì mà ra củ dài ngoằng, to bự?

Đức Thịnh Thứ tư, ngày 16/12/2020 06:12 AM (GMT+7)
Theo lãnh đạo Cục Trồng trọt, với mô hình đắp ụ đất trồng sắn dây, dù đất phía dưới có bị ngập úng, bị cát đá bồi lấp sau lũ lụt thì nông dân miền Trung vẫn có sản phẩm thu hoạch. Cục Trồng trọt đã gửi tài liệu về mô hình trồng sắn dây, kỹ thuật trồng sắn dây cho các tỉnh miền Trung nghiên cứu.
Bình luận 0
Sau lũ lụt ở miền Trung, Cục Trồng trọt khuyên đắp ụ đất to trồng loại cây gì đơn giản mà lại hiệu quả? - Ảnh 1.

Mô hình trồng sắn dây của anh Phan Văn Hải ở xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Để xây dựng thành công mô hình trồng sắn dây, anh Phan Văn Hải trực tiếp ra tỉnh Hải Dương học hỏi kinh nghiệm, mua giống về trồng. Trên diện tích đất 0,5 ha của gia đình, vợ chồng anh Hải thuê máy múc đắp thành 100 ụ để trồng cây sắn dây theo đúng quy trình kỹ thuật. Ảnh: NTH

Tại Tọa đàm "Tái cơ cấu nông nghiệp ở miền Trung sau bão lũ, thích ứng với biến đổi khí hậu" do Bộ NNPTNT phối hợp Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức mới đây, ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Với tổng diện tích trên 2.600ha đất trồng trọt bị vùi lấp sau mưa lũ, Bộ NNPTNT đã có văn bản chỉ đạo các tỉnh, địa phương rà soát, đánh giá tình hình thiệt hại. Song song đó, các đoàn công tác của Bộ NNNPTNT đã vào tận nơi để khảo sát, phối hợp với địa phương vừa khắc phục thiệt hại vừa khôi phục sản xuất.

Sau lũ lụt ở miền Trung, Cục Trồng trọt khuyên đắp ụ đất to trồng loại cây gì đơn giản mà lại hiệu quả? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt trả lời câu hỏi của bạn đọc.

Theo lãnh đạo Cục Trồng trọt, với những diện tích đất lúa bị vùi lấp do cát, đất sỏi cần tiến hành tổng hợp, đánh giá, phân loại mức độ vùi lấp để có biện pháp khắc phục có thể trồng lúa lại hoặc chuyển đổi cây trồng phù hợp.

Theo đó, đối với những diện tích đất trồng trọt bị sa bồi, thuỷ phá mỏng, bà con nông dân có thể tiếp tục trồng lúa. Đối với những diện tích đất trồng trọt bị sa bồi, thuỷ phá sâu không thể trồng lúa, cần chuyển đổi sang các cây màu khác như như ngô, lạc.

Còn đối với những diện tích đất bị sa bồi, thuỷ phá rất sâu không thể ngày một ngày hai giải quyết được thì cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể. Việc này, giữa các cơ quan của Bộ NNPTNT như Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Cục Trồng trọt đã phối hợp thực hiện rất chặt chẽ.

Sau lũ lụt ở miền Trung, Cục Trồng trọt khuyên đắp ụ đất to trồng loại cây gì đơn giản mà lại hiệu quả? - Ảnh 3.

Đại diện các Cục Chăn nuôi, Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tham dự tọa đàm.

"Tôi thấy ở miền Bắc nhiều địa phương, điển hình như ở tỉnh Hải Dương bà con nông dân đắp những ụ đất rất to để trồng sắn dây. Với mô hình này dù đất phía dưới có bị ngập úng, bị cát đá bồi lấp cũng không bị ảnh hưởng. Cục Trồng trọt đã gửi tài liệu về mô hình trồng sắn dây, kỹ thuật trồng sắn dây cho các tỉnh miền Trung nghiên cứu, để áp dụng thử" - Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết.

Sau lũ lụt ở miền Trung, Cục Trồng trọt khuyên đắp ụ đất to trồng loại cây gì đơn giản mà lại hiệu quả? - Ảnh 4.

Mô hình trồng sắn dây cho hiệu quả kinh tế cao của gia đình anh Đào Duy Tân ở khu 1, xã Sông Lô, thành phố Việt Trì (Phú Thọ). Ảnh Báo Phú Thọ

Đối với diện tích cây có múi ở nhiều tỉnh miền Trung bị thiệt hại nghiêm trọng do mưa lũ, trong đó lớn nhất là cây thanh trà ở Huế bị thiệt hại tới hơn 500ha cũng cần có những phân loại đánh giá cụ thể.

Đối với những diện tích cây có múi có thể khôi phục được, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Cục Trồng trọt đã mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật khôi phục cây lâu năm bị ngập úng.

Đối với những diện tích cây có múi bị ảnh hưởng nặng nề, không thế khôi phục được, bà con có thể trồng cây có múi khác. Bộ NNPTNT đã có các văn bản chỉ đạo yêu cầu các địa phương hướng dẫn, hỗ trợ nông dân chọn địa chỉ có uy tín để mua hoặc đặt hàng sản xuất. 

Các địa phương phải kiểm soát, kiểm tra chặt chẽ các nguồn giống cây trồng có múi và chịu trách nhiệm trước người dân, không để bà con chịu thiệt đơn thiệt kép.

Đồng quan điểm với Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh cho rằng công tác đánh giá, phân loại mức độ đất trồng trọt bị sa bồi, thuỷ phá sau mưa lũ rất quan trọng. Đối với những diện tích đất bị ảnh hưởng nhẹ, bà con có thể hoàn nguyên lại trồng lúa, nhưng có những loại, chúng tôi khuyến cáo không nên quay lại trở lại đất lúa vì tầng bồi lắng nhiều quá, nên chuyển cây màu. Nhiều địa phương đã triển khai tốt việc chuyển đổi cây trồng và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo ông Thanh, để canh tác phần đất bị bồi lắng cần phải cần có thời gian, có giai đoạn cải tạo lại. Chúng ta cũng phải nhìn nhận lại, sau lũ có những giải pháp là tình thế nhưng cần có những giải pháp đồng bộ để hỗ trợ bà con khôi phục sản xuất.

Ông Bùi Thanh Bình là một trong những hộ có thu nhập cao từ mô hình trồng sắn dây ở huyện Kinh Môn, Hải Dương. Nhiều năm nay, ông Bùi Thanh Bình đã hướng dẫn kỹ thuật trồng sắn dây cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.

Ông Bình cho biết, sắn dây là một trong những cây trồng truyền thống ở huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương với diện tích hàng trăm héc ta. Theo ông Bình, sắn dây là một loài cây dễ trồng, không kén đất, có thể trồng tận dụng ở các vùng đất ven kênh mương, ao, ruộng trũng, trồng xen trong vùng, vườn chuyển đổi. Đất trồng sắn dây thường là đất trồng một vụ lúa, hoặc là đất chuyên trồng sắn dây nhưng có xen canh với một số loại cây rau màu khác như bầu bí, mướp, rau cải... đất tận dụng. Cây sắn dây thường được trồng 1 vụ/ năm.

Về kinh nghiệm trồng sắn dây, theo ông Bình sắn dây là loại cây dễ trồng, không kén đất, đặc biệt rất phù hợp với đất đỏ ba dan, chi phí đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc, ít dịch bệnh. Tuy nhiên do là cây lấy củ nên muốn có năng suất cao, ngoài chăm sóc thì khâu đắp ụ đất, làm giàn cần phải đặc biệt quan tâm.

Theo đó, thay vì trồng theo cách từ trước tới nay người dân vẫn thường làm, ông đắp đất thành ụ nổi cao 1,5 - 2 m, mỗi ụ cách nhau 5m. Đất trồng sắn dây trước khi đắp thành hình nón cụt được trộn đều với phân lân và NPK với liều lượng 10 kg/ụ. Bên trên ụ dùng cọc tre và dây thép để làm giàn cho sắn dây leo. Khi cây phát triển leo lên giàn và bắt đầu tạo củ thì ngừng bón phân, tập trung tưới nước.

Theo kinh nghiệm của ông Bình, ụ đất trồng sắn dây phải to, đảm bảo cho củ sắn dây phát triển, đất phải mới, càng tơi xốp thì củ càng to. Giàn phải đủ cho dây sắn leo, tránh hiện tượng dây sắn trên giàn quá dày dẫn đến quang hợp kém.

Về thời vụ trồng, nên bắt đầu trồng từ tháng 3 đến tháng 5 âm lịch để cây có thời gian tích lũy tinh bột cao nhất. Cây sắn dây sau khoảng 9 - 12 tháng trồng bắt đầu cho thu hoạch. Thời điểm thu hoạch củ sắn dây tốt nhất là khi cây chuẩn bị rụng lá trên giàn, vì đây là thời điểm cây tích lũy hàm lượng tinh bột cao nhất và phải thu hoạch xong trước khi cây mọc mầm trở lại vì lúc này củ sắn dây sẽ không lớn thêm nữa mà tinh bột trong củ sẽ quay trở lại để nuôi cây.

Không nên sử dụng phân chuồng vì sẽ làm củ bị đen, nếu sử dụng phân chuồng chỉ nên dùng phân gà.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem