Sau một Nghị quyết, xuất hiện những làng quê “5 có, 3 không” đáng sống ở Hà Nội

Nguyễn Thủy – Phạm Mạnh Thứ hai, ngày 19/08/2024 15:22 PM (GMT+7)
Nhà văn hóa thôn, khu dân cư luôn sáng đèn, những sân chơi rộn tiếng cười và viên xanh mát bốn mùa... Tất cả hình ảnh đó không chỉ tạo nên diện mạo những miền quê đáng sống, mà còn là ghi dấu thành quả từ sự chung sức, trên - dưới đồng lòng của nhân dân, chính quyền các cấp, đoàn thể cơ sở trên địa bàn TP.Hà Nội.
Bình luận 0
Sau một Nghị quyết, xuất hiện những làng quê “5 có, 3 không” đáng sống ở Hà Nội - Ảnh 1.

Đột phá từ một nghị quyết

Trong quá trình khảo sát, chúng tôi nhận thấy rằng khi một địa phương khởi đầu bằng một chủ trương đúng đắn và kịp thời, với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm và để họ thực sự được hưởng lợi, thì địa phương đó sẽ thành công trong việc xã hội hóa, đầu tư vào cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các thiết chế văn hóa. Câu chuyện đột phá bằng Nghị quyết "5 có, 3 không" ở huyện Đông Anh là một ví dụ điển hình.

Tháng 2/2022, Nghị quyết số 250-NQ/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy Đông Anh ra đời với chủ trương đầu tư xây dựng 100% các nhà văn hóa cơ bản đạt chuẩn, hoàn thiện tiêu chí "5 có, 3 không" tại từng thôn, tổ dân phố.

Bà Nguyễn Thị Tám - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết, thực hiện Nghị quyết số 250 NQ-HU của Huyện ủy về "5 có, 3 không", cả hệ thống chính trị đã vào cuộc tích cực triển khai với mục tiêu hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ huyện đến cơ sở, các thôn làng, tổ dân phố đều được quan tâm đầu tư đồng bộ, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác sau đầu tư.

Đến nay, sau 2 năm, huyện đã hoàn thành nhà văn hoá huyện và đưa vào khai thác sử dụng; triển khai thi công xây dựng trung tâm thể dục thể thao huyện; tu sửa, đầu tư, xây dựng, khai thác sử dụng hiệu quả 9 trung tâm văn hóa thể thao cấp xã Nguyên Khê, Vân Hà, Xuân Nộn, Liên Hà, Dục Tú, Mai Lâm, Vân Nội, Nam Hồng, Đông Hội; phê duyệt chủ trương đầu tư 10 trung tâm văn hóa thể thao xã (chỉ tiêu đến 2025 là 80%).

Sau một Nghị quyết, xuất hiện những làng quê “5 có, 3 không” đáng sống ở Hà Nội - Ảnh 2.

Huyện Đông Anh (Hà Nội) ra mắt nhà văn hóa kiểu mẫu thôn khu dân cư Thăng Long tại xã Hải Bối. Ảnh: N.T

"5 có" gồm: Có nhà văn hóa (thiết chế, cơ sở vật chất, hoạt động...); có công viên mini, các điểm sinh hoạt cộng đồng (ao hồ được cải tạo, trồng cây xanh, chiếu sáng...); có sân bóng đá cho thanh, thiếu niên; có điểm đỗ xe tĩnh kết hợp trồng cây xanh; có điểm thu gom tập kết phế thải xây dựng. "3 không" gồm: Không vi phạm quy định về quản lý và sử dụng đất đai, trật tự xây dựng, trật tự văn minh đô thị; không ô nhiễm môi trường (nước thải, khí thải, rác thải, tiếng ồn); không có hộ nghèo.

Huyện đã đầu tư, khai thác, sử dụng hiệu quả 154/155 (99,3%) nhà văn hóa thôn, 30/30 (100%) nhà văn hóa tổ dân phố và dự kiến đến hết năm 2025, 100% thôn, tổ dân phố đều có nhà văn hóa, vượt chỉ tiêu được giao 10%; 881 khu thể thao thôn, tổ dân phố.

Toàn huyện hiện có 249 điểm sinh hoạt cộng đồng, 75 công viên mini, 80 điểm đỗ xe tĩnh kết hợp trồng cây xanh, 99 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng đã lắp đặt 654 thiết bị, dụng cụ tập luyện thể dục thể thao ngoài trời.

Đáng chú ý, theo ông Đặng Gia Sơn - Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Đông Anh, trước đó, huyện đã "đi trước 1 bước" bằng việc ban hành đề án xây dựng, quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động nhà văn hóa, khu thể thao thôn, tổ dân phố huyện Đông Anh giai đoạn 2017 - 2020. Tiếp nối đề án trên, với Nghị quyết 250-NQ/HU, huyện không chỉ chú trọng về quy hoạch, đầu tư, mà huyện Đông Anh đặt trọng tâm vào công tác quản lý nhà nước về văn hóa. Đến nay, 24/24 (100%) các xã, thị trấn kiện toàn bộ máy tổ chức nhà văn hóa, tổ dân phố; 195/195 thôn, tổ dân phố thành lập Ban chủ nhiệm nhà văn hóa.

Mới đây, huyện Đông Anh đã ra mắt nhà văn hóa kiểu mẫu thôn khu dân cư (KDC) Thăng Long, xã Hải Bối. Đây là một trong những mô hình hay của TP.Hà Nội về phát huy hiệu quả nhà văn hóa trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".

Sau một Nghị quyết, xuất hiện những làng quê “5 có, 3 không” đáng sống ở Hà Nội - Ảnh 3.

Khánh thành nhà văn hóa thôn Võng La, xã Võng La (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: N.T

"Tại hội nghị đại biểu nhân dân bàn việc xây dựng đời sống văn hóa năm 2024, nội dung xây dựng mô hình nhà văn hóa kiểu mẫu được cấp ủy, chính quyền đưa ra để nhân dân biết, bàn, góp ý kiến và đề xuất các giải pháp triển khai thực hiện. Điều này tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong cộng đồng dân cư, đoàn kết, đồng lòng và quyết tâm xây dựng mô hình"

Ông Nguyễn Hữu Thoại -
Trưởng thôn Hải Bối, xã Hải Bối

Nhà văn hóa kiểu mẫu thôn KDC Thăng Long có diện tích 1700m2, được xây với kinh phí 9 tỷ đồng từ nguồn ngân sách huyện, bao gồm khu thể thao, sân tập với đủ trang thiết bị, hội trường nhà văn hóa với 150 chỗ ngồi; đặc biệt, có thư viện với hơn 300 đầu sách được huy động từ nguồn xã hội hóa với tổng số tiền gần 80 triệu đồng. Tại đây, các hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa, vui chơi được phủ kín trong các ngày trong tuần.

Ông Nguyễn Hữu Thoại- Trưởng thôn Hải Bối, xã Hải Bối cho hay, thôn có diện tích tương đối rộng, dân số 1.367 hộ với 4.897 nhân khẩu. Đặc thù ở đây là khu dân cư có diện tích đất rất khiêm tốn. Song, Ban lãnh đạo thôn KDC Thăng Long đã xác định rõ, nhà văn hóa giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Vì thế, nhằm tạo được sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư về triển khai thực hiện mô hình nhà văn hóa kiểu mẫu, Ban lãnh đạo thôn coi công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, lấy vai trò của cộng đồng dân cư là hạt nhân chính. Đây là khâu đầu tiên, then chốt để người dân hiểu, đồng thuận và làm theo.

Sau 7 tháng triển khai, đến nay nhà văn hóa thôn kiểu mẫu thôn KDC Thăng Long đáp ứng đầy đủ tiêu chí: 100% tuyến đường đều được lắp hệ thống điện chiếu sáng và bê tông hóa; đầy đủ các công trình phụ trợ, có vườn hoa, cây cảnh, ghế đá, đã lắp đặt các bộ dụng cụ tập thể dục thể thao cho người lớn, phù hợp với trẻ em và người già, có các sân thể thao phục vụ các hoạt động, phong trào thi đấu thể thao tại thôn…

Người dân quản lý và hưởng thụ

Ông Trịnh Minh Huân - Phó Chủ tịch UBND xã Hải Bối cho hay, điểm khác biệt của nhà văn hóa thôn KDC Thăng Long ở chỗ, thư viện từ trong khuôn viên nhà văn hóa rất khang trang, sách được huy động từ nguồn xã hội hóa. Trang thiết bị như kệ sách, bàn ghế, quạt, vật dụng trang trí đều do người dân đóng góp. Với hơn 300 đầu sách, tranh ảnh, nơi đây giờ trở thành điểm hẹn của rất nhiều người cao tuổi và các em thiếu nhi trong khu vực, góp phần nhân rộng và thúc đẩy phong trào văn hóa đọc trong cộng đồng dân cư.

Bà Nguyễn Thị Tám - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh chia sẻ thêm, huyện đăng ký xây dựng mô hình nhà văn hóa kiểu mẫu thôn KDC Thăng Long với TP.Hà Nội. Nhà văn hóa này đảm bảo tiêu chí đạt chuẩn theo quy định như diện tích, quy mô xây dựng, các công trình, hạng mục phụ trợ, trang thiết bị, kinh phí hoạt động, cán bộ nghiệp vụ, kết quả trong thu hút tầng lớp nhân dân tham gia. Để xây dựng mô hình nhà văn hóa kiểu mẫu, Chi bộ, Ban lãnh đạo, Ban chủ nhiệm nhà văn hoá KDC Thăng Long đã lựa chọn mô hình thiết kế thư viện, phòng đọc sách trong nhà văn hóa thôn, thay vì bố trí các phòng chức năng khác, nhằm đẩy mạnh phong trào văn hóa đọc trong cộng đồng dân cư.

Về quản lý, thôn đã phân công cụ thể các thành viên Ban chủ nhiệm, các chi hội đoàn thể của thôn đăng ký công trình phần việc để đảm bảo nhà văn hóa luôn sáng, xanh, sạch, đẹp, hoạt động hiệu quả, phục vụ tối đa nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của người dân, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào văn hóa đọc trong cộng đồng nhất là giới trẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem