Sau "phát súng mở đường" của HAGL, vì sao đào tạo trẻ Việt Nam chững lại?

Thứ sáu, ngày 05/11/2021 19:10 PM (GMT+7)
HAGL là đội bóng mở đường và tạo ra bước ngoặt lịch sử cho bóng đá Việt Nam. Dù vậy, công tác đào tạo trẻ trên cả nước đang có dấu hiệu chững lại.
Bình luận 0

Năm 2007, bóng đá Việt Nam xuất hiện bước ngoặt lịch sử. Đoàn Nguyên Đức - một vị doanh nhân với khối tài sản kếch xù đã quyết định "bạt" 5 hecta cao su đang tuổi đẹp nhất để đầu tư vào bóng đá. Với niềm đam mê mãnh liệt dành cho môn thể thao vua, bầu Đức mở Học viện HAGL Arsenal JMG.

Sau "phát súng mở đường" của HAGL, vì sao đào tạo trẻ Việt Nam chững lại? - Ảnh 1.

Bầu Đức tiên phong với lò đào tạo HAGL Arsenal JMG.

Khi đó, ông lắng nghe lời khuyên của HLV Arsene Wenger hủy ý định tập huấn và đá giao hữu với đội 1 của Arsenal. Thay vào đó, ông tập trung xây dựng hệ thống đào tạo trẻ tiếp cận trình độ thế giới. Phát súng mở đường của bầu Đức và HAGL đã kéo theo những ông bầu có tâm huyết với bóng đá khác lên tiếng.

Hàng loạt lò đào tạo trẻ ra đời như Hà Nội của bầu Hiển, PVF (bầu Vượng), VST (anh em Văn Sỹ Hùng - Văn Sỹ Thủy) hay sau này là Scavi, NutiFood (bầu Hải), Lyon và Juventus. Mỗi lò đào tạo có định hướng phát triển và cách làm riêng.

Bầu Đức làm rất quyết liệt. Ông không chạy theo thành tích tại V.League mà dồn toàn lực đào tạo nguồn nhân tố trẻ bài bản riêng cho mình. Viettel cũng tiếp bước với mô hình đào tạo trẻ khép kín từ đầu tới cuối, đồng bộ phong cách với đội 1.

Trong khi đó, PVF ghi dấu ấn lịch sử bằng chính sách chỉ cho đi không nhận lại. Đó là việc không lập đội thi đấu đỉnh cao, sau khi đào tạo cầu thủ trẻ khép kín sẽ đẩy cho các CLB trong nước. Hà Nội FC thì uyển chuyển hơn khi phối hợp với các lò đào tạo trẻ rồi "bốc" những Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng, Thành Chung... lên đội 1 khi họ cứng cáp.

Hiện tại, khá nhiều nơi cũng áp dụng mô hình công - tư phối hợp khi nhà nước nuôi dạy các em từ nhỏ tới 15 - 17 tuổi trước khi bàn giao cho các ông bầu và CLB chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, công tác đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại. Bằng chứng rõ rệt nhất là lứa cầu thủ U23 Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu về mặt chuyên môn so với lứa trước. Màn trình diễn của U23 Việt Nam tại vòng loại U23 châu Á 2022 vừa qua là chưa đủ thuyết phục người hâm mộ.

Sau "phát súng mở đường" của HAGL, vì sao đào tạo trẻ Việt Nam chững lại? - Ảnh 2.

Lứa U23 Việt Nam hiện tại không bằng lứa đàn anh.

Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương chỉ ra nguyên nhân: "Chúng ta đã có bước tiến về đào tạo trẻ khi có sự quan tâm, đầu tư cho mảng này. Có nhiều cách làm đổi mới với những mô hình tiêu biểu là HAGL JMG, Viettel, PVF.

Nhưng hạn chế của công tác đào tạo trẻ Việt Nam là chưa có hệ thống xuyên suốt và thống nhất. Mỗi CLB tự mày mò, phát triển và áp dụng làm theo kiểu riêng của mình.

PVF thuê chuyên gia nước ngoài đến làm, họ giỏi nhưng chưa thể hiểu bóng đá Việt Nam. HAGL thì kết hợp với lò đào tạo tư nhân JMG với phương pháp đào tạo, tuyển chọn hiện đại, văn minh. Sản phẩm của HAGL có đạo đức tốt, kỹ năng và tư duy chơi bóng hiện đại nhưng hạn chế về thể hình, thể lực.

Viettel có lứa của Hoàng Đức, Đức Chiến, Trọng Đại, Thanh Hào... nhưng vẫn còn mày mò hoàn thiện. Hà Nội FC sau lứa Quang Hải vài năm gần đây có dấu hiệu chững lại, vắng mặt ở một số vòng chung kết trẻ.

Lò trẻ của Bình Dương cũng được đầu tư, nhưng hiệu quả chỉ mới mức độ trung bình khi lứa đầu ngoài Tiến Linh thì Dũ Đạt, Duy Khánh, Trọng Huy, Anh Tỷ... chỉ mới trung bình khá. Điểm phong phú là "trăm hoa đua nở" nhưng số lượng ít và hiệu quả không cao vì thiếu tính đồng bộ. Chất lượng từng lò tăng lên nhưng số lượng trung tâm bóng đá trẻ lại thu hẹp lại".

Sau "phát súng mở đường" của HAGL, vì sao đào tạo trẻ Việt Nam chững lại? - Ảnh 3.

Đào tạo trẻ Việt Nam có dấu hiệu chững lại sau lứa Công Phượng, Quang Hải.

Ngoài ra còn có 2 nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng kể trên. Đó là việc tuổi đào tạo quá trễ từ 11-13. Trong khi trên thế giới và một số nước ở khu vực Đông Nam Á, các cầu thủ đã được đào tạo từ 8-10 tuổi, thậm chí là từ 6 - 7 tuổi.

Các lò đào tạo cũng đang thiếu đi nhữn người thầy giỏi. Ngoại trừ một số trung tâm lớn như HAGL, PVF, Viettel, Hà Nội..., những lò khác, kể cả nơi có truyền thống như SLNA, Đà Nẵng,... đến lúc này vẫn thiếu đi thầy có chất lượng.

Từ phát súng mở đường của HAGL, bóng đá Việt Nam cần thay đổi và bắt kịp với xu hướng phát triển của thế giới.

Băng Tâm (Theo Bóng đá)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem