Toàn cảnh phiên giám đốc thẩm vụ tử tù Hồ Duy Hải.
Ngày 8/5, Hội đồng Thẩm phán (HĐTP) TAND Tối cao đã ra Quyết định giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải bị kết tội Giết người, Cướp tài sản. Đây là vụ án xảy ra từ năm 2008 tại Bưu điện cầu Voi (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An), hồ sơ vụ án thể hiện Hải là hung thủ duy nhất đã sát hại hai nữ nhân viên bưu điện là Nguyễn Thị Ánh Hồng và Nguyễn Thị Thu Vân.
Theo đó, HĐTP TAND Tối cao đã tuyên y án sơ thẩm và phúc thẩm đối với hai tội danh Giết người, Cướp tài sản của Hồ Duy Hải với mức án cao nhất là tử hình.
Quyết định giám đốc thẩm nói trên khi được đưa ra đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của dư luận, không chỉ bởi hành trình 12 năm kêu oan của cá nhân tử tù Hồ Duy Hải và gia đình mà còn do vụ án có nhiều tình tiết phức tạp.
Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội.
Liên quan đến vụ án nói trên, tối 8/5, trao đổi với PV, Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa cho biết, Quyết định giám đốc thẩm về y án tử hình đối với Hồ Duy Hải được HĐTP TAND Tối cao đưa ra thì như vậy, bản án phúc thẩm trước đó là bản án có hiệu lực.
“Nhưng xét quy định pháp luật hiện hành tại điều 367 Bộ luật tố tụng hình sự thì sau khi Hội đồng giám đốc thẩm hoặc tái thẩm không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải thì Hải vẫn có quyền gửi đơn lên Chủ tịch nước để xin ân giảm hình phạt tử hình. Và hình phạt tử hình chỉ được thực hiện sau khi sau khi Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm”, Luật sư Giáp cho hay.
Cũng theo luật sư Giáp, căn cứ theo quy định tại Điều 404 Bộ luật tố tụng hình sự thì sau khi Hội đồng thẩm phán không chấp nhận kháng nghị, mà xét thấy quyết định của HĐTP vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết mới quan trọng ảnh hưởng nghiêm trọng đến bản án, thì Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban tư pháp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao có quyền kiến nghị, đề nghị HĐTP xem xét lại quyết định đó.
“Trong trường hợp vụ án Hồ Duy Hải được tái thẩm theo hướng có lợi của bị cáo thì sẽ được thực hiện bất kể khi nào mà không bị hạn chế về thời hạn. Như vậy có thể nói cơ hội sống của Hồ Duy Hải về mặt pháp lý là còn. Tuy nhiên, thực tế thì rất mong manh.”, Luật sư Giáp nhận định.
Luật sư Hoàng Văn Tùng, Văn phòng luật sư Trung Hòa.
Cũng trong tối 8/5, Luật sư Hoàng Văn Tùng, Văn phòng luật sư Trung Hòa cho biết, theo quy định tại Điều 404 Bộ luật tố tụng hình sự, căn cứ vào việc có tình tiết mới quan trọng ảnh hưởng nghiêm trọng đến vụ án có nghĩa hi vọng sống của Hồ Duy Hải chỉ xảy đến khi: Có người đứng ra đầu thú, khai nhận người này là hung thủ thật sự phạm tội, cung cấp các chứng cứ khách quan để xác định sự thật của vụ án. Hoặc có người thu thập, cung cấp được chứng cứ mới làm thay đổi sự thật vụ án thì vụ án sẽ được giải quyết theo trình tự tái thẩm.
Lúc này, thẩm quyền đề nghị tái thẩm thuộc Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao. Và theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành thì các thủ tục của tái thẩm thực hiện theo như thủ tục giám đốc thẩm.
“Trường hợp Chủ tịch nước quyết định ân xá cho Hồ Duy Hải thì Hải có thể được xem xét từ giảm án tử hình xuống tù chung thân”, Luật sư Tùng nhận xét.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh thông luật.
Đồng quan điểm với hai người đồng nghiệp của mình, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh thông luật cũng cho rằng, hi vọng thoát án tử của Hồ Duy Hải là rất mong manh.
Theo Luật sư Diệp Năng Bình, bản án tử hình được thi hành nếu Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm và người bị kết án không có đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước. Trong trường hợp của tử tù Hồ Duy Hải, nếu Hồ Duy Hải tiếp tục có đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước nhưng bị bác đơn xin ân giảm thì quyết định thi hành án tử hình với Hồ Duy Hải sẽ được Hội đồng thi hành án tử hình thực thi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.