Sau phiên thị trường “tắm máu”, chuyên gia chỉ ra đâu là nguyên nhân lũng đoạn thị trường
Sau phiên thị trường “tắm máu”, chuyên gia chỉ ra đâu là nguyên nhân lũng đoạn thị trường
Quốc Hải
Thứ ba, ngày 26/04/2022 13:50 PM (GMT+7)
Phiên giao dịch 25/4 khiến thị trường đỏ sàn khi bay mất hơn 68 điểm (có thời điểm mất hơn 80 điểm trong phiên). Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, nguyên nhân chính khiến thị trường "tắm máu" ngày 25/4 là các nhà đầu tư lớn và họ làm việc này là có chủ đích.
Sau phiên giao dịch 25/4, trên nhiều diễn đàn chứng khoán, nhà đầu tư F0 trở thành "tội đồ" khiến cho thị trường sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, theo ông Trương Hiền Phương – Giám đốc cấp cao chứng khoán KIS Việt Nam, nếu đổ cho nhà đầu tư F0 là nguyên nhân chính khiến cho thị trường "sụp" mạnh trong phiên 25/4 thì ông không đồng tình.
"Nhà đầu tư F0 họ cũng tiếc tiền của họ vậy. Chưa kể, nếu đã là F0, nói thật nếu thực sự họ giàu có, nhiều tiền… thì họ cũng chỉ đầu tư thăm dò chứ đâu phải "tất tay", có bao nhiêu tiền đầu đâu tư vô chứng khoán hết?. Họ chắc chắn sẽ đầu tư nhỏ giọt, từ từ… Thứ nữa, kể cả F0 có muốn bán thì lực bán cũng không đáng kể so với thị trường", ông Phương chia sẻ.
Nhà đầu tư F0 không phải là "tội đồ"
-Thưa ông, trên nhiều diễn đàn chứng khoán, nguyên nhân sụt giảm của phiên giao dịch 25/4 được nhiều nhà đầu tư lý giải là do lượng F0 quá nhiều, đã "dẫm đạp" thị trường, ông có cái nhìn thế nào về việc này?
Tôi nói thật, nhà đầu tư F0 là những người mới, và đã là người mới thì không bao giờ làm những việc gì mang tính chất quyết liệt. Ví dụ, nếu họ có bán thì sẽ treo giá cao cao mới bán, chứ tiền của họ có phải là giấy đâu mà muốn vứt thì vứt. Kết hợp với lực bán của nhà đầu tư F0 không đủ sức để "dập" thị trường xuống như thế.
Cho nên, có thể nói có thể nhà đầu tư F0 bán tháo cũng là một nguyên nhân khiến thị trường sụt giảm, nhưng theo tôi đó chỉ là một số chạy theo do hoảng loạn, do sợ thị trường tiếp tục giảm; hoặc thậm chí là được tư vấn bởi một số môi giới nào đó.
Tóm lại, theo tôi thì nhà đầu tư F0 chỉ là "follower" (người đi theo) mà thôi.
-Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân khiến thị trường sụt giảm mạnh như vậy, dù không có bất cứ thông tin bất lợi gì?
Theo tôi, chúng ta phải đi tìm nguyên nhân lực bán nào mạnh, lực bán nào khởi xướng trước đã. Bởi, không có lực bán khởi xướng, người bán khởi xướng thì làm sao "dập" được thị trường xuống?
"Tại sao có những tin đồn bắt bớ ông này, ông kia theo kiểu định hướng tâm lý hoang mang, lo sợ của nhà đầu tư. Rồi vừa có thông tin này là đã lập tức có các lệnh bán dập xuống, vì sao? Vì họ muốn nhà đầu tư phải phản ứng giống như họ muốn và họ đã làm.
Nhà đầu tư lớn khi đó khởi động lệnh bán trước thì những giá mua tốt nhất là do họ bán, sau đó họ tung những tin đồn hoặc thông qua các room chat mà họ là người đứng sau, để hô hào nhà đầu tư bán. Khi nhà đầu tư bán tiếp, bán nối xuống thì họ chặn để mua lại. Vì vậy, ngay trong ngày các "tay to" này đã lời từ 3%, 4%- 5%. Thử tưởng tượng cầm vài trăm nghìn cổ phiếu mà mỗi cổ phiếu lời 3-4% thì vài chục tỷ đã lời rất nhiều.
Mà phải biết rằng, nhà đầu tư mà đã "múa" được thị trường thì vốn phải là vài trăm tỷ, thậm chí cả nghìn tỷ đồng…"
Ông Trương Hiền Phương – Giám đốc cấp cao chứng khoán KIS Việt Nam.
Những lực bán theo kiểu giá MP, giá ATC rõ ràng là do những tay đầu tư cực lớn. Trong đó, tôi thừa nhận một số cũng là đến từ lực bán giải chấp của các công ty chứng khoán, nhưng chắc chắn lực bán giải chấp này không chiếm chủ đạo. Tại vì bán giải chấp là được lựa thời gian bán, lựa cổ phiếu bán chứ không phải theo kiểu mọi người đang hiểu một cách máy móc "đúng đầu giờ chiều là đến giờ force cell"; hay vô phiên ATC là "phiên force cell" – không phải vậy.
Và như vậy, phía các công ty chứng khoán cũng phải có chiến lược để nương khách hàng của mình, đâu phải cứ máy móc để rồi "giết" khách hàng của mình.
Tóm lại, trong phiên sụt giảm điểm kỷ lục vừa qua, có nguyên nhân là bán force cell, có nhà đầu tư F0, cũng có nguyên nhân là nhà đầu tư bán cuốn theo thị trường… Tuy nhiên, tôi khẳng định luôn, nguyên nhân chính là vẫn từ các nhà đầu tư lớn và họ làm việc này là có chủ đích.
Lực bán để cho giá xuống tới sàn phải là lực từ vài trăm nghìn cổ phiếu cho đến cả triệu cổ phiếu trở lên, đây là đối với các mã chứng khoán có thanh khoản mấy triệu/phiên. Bởi, lúc nào lệnh chất mua với giá mua 1, mua 2, mua 3 thì chúng ta có thể nhìn thấy, còn mua 4, mua 5, 6, 7, 8 nằm núp bên trong rất nhiều. Lệnh mà quét một loạt xuống giá sàn thì có thể nghĩ phải là một khối lượng rất lớn.
Đây là kinh nghiệm làm hơn 17 năm trong ngành chứng khoán của tôi đúc kết, chứ không phải một người mang vài chục nghìn cổ phiếu bán cái rẹt thì cổ phiếu giảm sàn liền. Điều này chỉ xảy ra với những mã cổ phiếu kém thanh khoản mà thôi.
Trở lại vấn đề, tôi khẳng định lần nữa, nguyên nhân chính vẫn là đến từ các nhà đầu tư lớn và họ có chủ đích làm việc này.
Tôi chứng minh luôn, dịp cuối năm 2020 đầu 2021, phiên đó thị trường giảm 75 điểm; rồi qua phiên giao dịch năm 2021 qua 2022, thị trường cũng giảm 60 điểm. Cho nên, tôi đề nghị nhà đầu tư nên tỉnh táo, đừng bị cuốn theo các nhà đầu tư lớn.
Làm sao để chặn những phiên thị trường "tắm máu"?
-Một số nhà đầu tư kiến nghị bỏ phiến ATO, ATC, thậm chí là cấm vay margin, ông đánh giá thế nào về những kiến nghị này?
Tôi thấy không hợp lý. Phải biết rằng phiên ATO, phiên ATC là các phiên xác định giá mở cửa và giá đóng cửa một cách rất bài bản. Còn các nhà đầu tư lớn họ lợi dụng các yếu tố này để định hướng cho một mặt bằng giá mới, cho một sự hoảng loạn mới trong ngày sau. Đây là do người ta làm chứ không phải do quy trình giao dịch của thị trường bị lỗi.
Cho nên, việc mà phải điều chỉnh, thậm chí là can thiệp là can thiệp vào những người đang tạo ra "cơn sóng" này. Tại vì thị trường chứng khoán Việt Nam tính ra là 20 năm rồi, và lệnh ATO, ATC đã hiện hữu từ bấy lâu nay chứ không phải bây giờ mới đưa vô mà chúng ta không biết kiểm soát, không biết vận hành?
Còn vấn đề không cho vay margin, tôi càng thấy không đúng. Hiện nay, với các hợp đồng phái sinh, tỷ lệ đòn bẩy càng cao hơn, nhà đầu tư chỉ bỏ 7%, còn công ty chứng khoán cho vay tới 93%.
Và, theo tôi được biết thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đang nghiên cứu một đề án để nâng tỷ lệ cho vay margin của cổ phiếu cao hơn nữa so với bây giờ. Bởi, điều này phù hợp với xu thế của thị trường chứng khoán thế giới.
Thực tế, vấn đề đòn bẩy tài chính không quá nguy hiểm, nếu dùng mà biết kiểm soát thì dù thị trường giảm điểm vẫn nằm trong vùng an toàn. Còn nhà đầu tư "máu lửa" quá thì phải chấp nhận cuộc chơi thôi.
Tóm lại, nếu vì thị trường giảm sâu mà đề xuất cắt vay margin, bỏ phiên ATO, ATC… thì đây là những giải pháp rất tầm bậy, giải pháp của những người thực sự không am hiểu thị trường, không hiểu về mô hình vận hành giao dịch của thị trường chứng khoán trên toàn thế giới mà chỉ biết nói theo kiểu "anh hùng bàn phím" mà thôi.
-Vậy theo ông, đâu là giải pháp để chặn các phiên thị trường "đẫm máu" như phiên giao dịch 25/4 vừa qua?
Tôi muốn đề xuất cơ quan chức năng mạnh tay hơn nữa, tôi ví dụ như cơ quan công an đăng đàn tuyên bố sẽ điều tra những tài khoản nào có tính chất bán khống trên thị trường, bán tháo vô căn cứ, bán tháo có chủ đích.
Ví dụ như có những tài khoản lớn cứ căn 2h15 trở đi bắt đầu bán ào ạt, rồi tới phiên ATC lại tiếp tục xả hàng, trong khi liên tục những ngày phiên 1, phiên 2 giá cổ phiếu xanh, tại sao không bán? Tôi đề xuất phải điều tra.
Tôi không nói đến chuyện bắt bớ, nhưng tôi đề nghị phải điều tra những tài khoản đó, mời họ lên trao đổi và hỏi lý do. Nếu các lý do không hợp lý thì có thể cân nhắc các giải pháp về tội lũng đoạn thị trường, gây hoảng loạn trên thị trường và gây thiệt hại cho nhà đầu tư, làm ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.
Tóm lại, phải có sự vào cuộc của cơ quan chức năng với những tài khoản có tính chất bán khống này. Thực sự, trên thị trường chứng khoán, gần 20 năm trong nghề tôi vẫn nghe phong thanh đâu đó, có những nơi "xây kho", cho mượn hàng bán và cũng có một số công ty chứng khoán tiếp tay cho hành động này.
Có thể các công ty chứng khoán họ không "xây kho", nhưng lại để cho môi giới làm điều này, hoặc để cho các chi nhánh của họ làm. Đây mới là những nguyên nhân làm lũng đoạn thị trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.