Sầu riêng mới nhú bông, nhà vườn ở Đắk Lắk đã vội nhận tiền cọc, dự báo thêm một mùa sầu riêng 'nóng'
Sầu riêng mới nhú bông, nhà vườn ở Đắk Lắk đã vội nhận tiền cọc, dự báo thêm một mùa sầu riêng 'nóng'
Trần Triều
Thứ tư, ngày 03/04/2024 19:50 PM (GMT+7)
Sáng 3/4, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức một hội nghị lớn, quy tụ hầu như tất cả các cơ quan hữu quan để tổng kết ngành hàng sầu riêng năm 2023 và bàn giải pháp triển khai hiệu quả mùa sầu riêng năm 2024.
Chính quyền và người dân không giấu được niềm vui khi nhìn lại bước tăng trưởng "ngoài sức tưởng tượng" của ngành sầu riêng tỉnh nhà năm 2023: Tỉnh Đắk Lắk leo lên vị trí dẫn đầu cả nước về quy mô trồng với 32.785 ha, hứa hẹn sớm xô đổ kỷ lục của Tiền Giang về sản lượng sầu riêng số một Việt Nam (293.000 tấn).
Chỉ tính riêng từ năm 2016 đến 2022, tổng diện tích sầu riêng cả nước tăng từ 32.000 ha lên hơn 112.200 ha; năng suất sầu riêng tăng nhẹ từ 14,7 - 15,7 tấn/ha; sản lượng sầu riêng tăng cao, từ 366.000 tấn lên hơn 863.000 tấn. Từ vị trí thứ 5 sau cam, bưởi, xoài, chuối, đến năm 2022, sầu riêng xếp thứ 2 sau cây chuối, chiếm 11% diện tích cây ăn quả của cả nước.
Năm 2023, giá thu mua sầu riêng dao động từ 60.000 - 90.000 đồng/kg. Tổng giá trị thu về của niên vụ sầu riêng từ 1,0-1,2 tỷ đồng/ha, trừ các khoản chi phí thì lợi nhuận thu về khoảng 0,7 tỷ đồng/ha.
Trải qua một năm tăng trưởng đột biến và bội thu, nhiều hộ nông dân ở đây như đang "bay cao" cùng giấc mơ của mình. Cây sầu riêng được đẩy lên vị thế độc tôn, giúp họ thoát cảnh nợ nần, thậm chí trở thành nhà giàu chỉ sau một vụ sầu riêng đầy sôi động.
Theo báo cáo từ Sở NNPTNT Đắk Lắk, năng suất sầu riêng của tỉnh này hiện cao hơn nhiều so với các tỉnh Tây Nguyên nhưng lại thấp hơn so với An Giang và Tiền Giang.
Lý do là phần lớn diện tích sầu riêng cho sản phẩm trồng từ năm 2017 (6 - 7 năm) nên chưa đạt năng suất tối đa; thiếu kinh nghiệm chăm sóc; thời tiết diễn biến thất thường khiến cây bị gãy cành, rụng trái, thối trái; thời điểm cây ra hoa kết trái cây bị nấm bệnh làm giảm khả năng đậu quả.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 68 vùng trồng sầu riêng đã được phía Trung Quốc cấp mã số, với tổng diện tích khoảng 2.521 ha. Trong đó, huyện Krông Pắc có 37 vùng trồng với tổng diện tích khoảng 1.857 ha. Về cơ sở đóng gói sầu riêng, phía Trung Quốc cũng đã cấp mã số cho 23 cơ sở.
Năm 2023, tại Đắk Lắk, 2 loại giống chủ lực làm nên mùa bội thu là sầu riêng Dona và Ri6, chiếm 97,3% diện tích sầu riêng toàn tỉnh.
Hiện, Đắk Lắk có 2 huyện được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là "Sầu riêng Krông Pắc" và "Sầu riêng Cư M'gar". Huyện Krông Búk và Ea H'leo đang xây dựng đề án và đăng ký bảo hộ thương hiệu là sầu riêng Krông Búk và sầu riêng Ea H'leo.
Tuy nhiên, phần lớn các vùng sản xuất sầu riêng còn nhỏ lẻ, chưa có vùng nguyên liệu rộng lớn, trình độ kỹ thuật của nông dân còn thiếu và yếu cả về tư duy sản xuất hàng hóa chuyên nghiệp theo quy định của nước nhập khẩu.
Bên cạnh đó, việc liên kết giữa đại diện vùng trồng hoặc các đơn vị xuất khẩu với người dân chưa thực sự công khai, minh bạch, rõ ràng, chưa bền vững.
Ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở NNPTNT Đắk Lắk nhấn mạnh: "Đắk Lắk xác định sẽ tham gia tích cực vào thị trường 2 tỷ USD xuất khẩu sầu riêng.
Tuy nhiên, chuỗi sản xuất, tiêu thụ sầu riêng của tỉnh còn nhiều tồn tại, dễ nhận thấy nhất là kỹ thuật hạn chế, không rành quy định xuất khẩu, liên kết vùng trồng với nhau còn lỏng lẻo.
Các chủ vườn ghi nhật ký sản xuất chưa bài bản, thiếu nghiêm túc, còn hái quả non, gian lận thương mại. Náo loạn khi tranh mua tranh bán là vấn đề nóng, chưa có giải pháp rốt ráo".
Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk ví von: "Sự liên kết giữa các chủ vườn, hợp tác xã, doanh nghiệp còn quá lỏng lẻo, chủ yếu là mạnh ai nấy làm.
Giống như bao khoai, bỏ hết vào bao thì nó là một khối, đổ ra thì mạnh củ nào củ nấy lăn. Chúng ta phải quản lý được chuỗi liên kết, đó là mấu chốt.
Đặc sản vùng miền tạo ra cơ hội. Nhưng lợi thế cạnh tranh phải từ bàn tay khối óc. Cần lưu ý phát triển theo quy hoạch, phát triển bền vững, nông nghiệp xanh, nông nghiệp số".
Đắk Lắk hiện có 2 huyện được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là “Sầu riêng Krông Pắc” và “Sầu riêng Cư M’gar”.
Dù giá trị xuất khẩu tăng mạnh nhưng chất lượng sầu riêng Việt Nam vẫn còn bấp bênh.
Tỉnh Đắk Lắk cũng đang phải đối diện với thực tế khá đau đầu là do trúng mùa, trúng giá, nhiều người đổi đời nên "người người, nhà nhà đổ xô trồng sầu riêng".
Nhiều hộ không ngần ngại phá bỏ những cây công nghiệp đang thu hoạch như cà phê, mắc ca. Trong tương lai gần, khó tránh khỏi việc cung vượt cầu, một số vùng trồng không phù hợp, không chủ động nguồn nước tưới.
Việc này gây gãy đổ trong quy hoạch vùng trồng, gây thiệt hại về năng suất và chất lượng sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk.
Việc "phất lên" từ cây sầu riêng là quá bất ngờ đối với người dân và chính quyền sở tại. Ngổn ngang trong quản lý, vận hành sản xuất và kinh doanh sầu riêng là tất yếu.
Vấn đề còn lại là chính quyền và người dân có đủ quyết tâm để thay đổi thật nhanh, bắt kịp tốc độ phát triển của loại cây nông nghiệp "đẻ trứng vàng" này hay không mà thôi.
Đầu tháng 4/2024, tại Đắk Lắk, khi những bông sầu riêng mỏng manh mới nhú giữa đỉnh khô hạn bất thường, nông dân đã rầm rộ nhận tiền cọc của thương lái. Sức nóng của sầu riêng Đắk Lắk mỗi năm một tăng và năm nay có dấu hiệu tăng mạnh, khiến nhà vườn, thương lái và kể cả chính quyền đứng ngồi không yên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.