Sau Vingroup, BKAV, Trường ĐH Điện lực sản xuất máy trợ thở

Thanh Phong Thứ ba, ngày 14/04/2020 17:27 PM (GMT+7)
Mới đây, theo thông tin từ trường Đại học Điện lực, cơ quan này đã sản xuất máy hỗ trợ thở cho bệnh nhân Covid-19.
Bình luận 0

Cụ thể, đại diện Đại học Điện lực cho hay, loại máy hỗ trợ thở không xâm nhập này được sản xuất dựa theo thiết kế mẫu của các cơ sở nghiên cứu và các nhà khoa học trên thế giới.

Theo đó, máy có các tính năng cơ bản gồm: đặt được các thông số lưu lượng khí, số nhịp thở/phút, chu trình thở và tỉ số inhale/exhale... Ngoài ra, máy có thể mở rộng thêm một số tính năng an toàn khác nếu cần thiết như cảnh báo áp suất.

"Trường Đại học Điện lực đã sản xuất máy hỗ trợ thở cho bệnh nhân Covid-19 và các bệnh nhân khác cần hỗ trợ thở. Đây là sản phẩm của Nhà trường với mục đích vì cộng đồng, phi lợi nhuận", đại diện Đại học Điện lực cho biết.

Sau Vingroup, BKAV, Trường ĐH Điện lực sản xuất máy trợ thở - Ảnh 1.

Máy trợ thở không xâm nhập do trường Đại học Điện lực sản xuất

Được biết, trường Đại học Điện lực là đơn vị thứ 3 trên cả nước công bố sản xuất máy trợ thợ phục vụ cho công tác phòng chống, điều trị dịch bệnh Covid – 19. Mới đây, CEO của BKAV Nguyễn Tử Quảng cho biết đã hoàn tất kế hoạch sản xuất máy thở xâm nhập giúp điều trị bệnh nhân Covid-19. Ngay từ khi có tin GS Trần Văn Thọ và nhà sáng chế Trần Ngọc Phúc muốn chuyển giao công nghệ sản xuất máy thở cho Việt Nam, BKAV đã cử đội ngũ nghiên cứu dự án này.

Tuy nhiên sau đó, ông Quảng được biết công ty thiết bị y tế hàng đầu thế giới Medtronic đã mở thiết kế máy thở xâm nhập PB 560 của họ cho các nhà sản xuất khác để chung tay cung cấp cho thế giới chống dịch.

"Máy thở PB 560 là loại máy gọn, nhẹ có chức năng cung cấp oxy và mô phỏng các hành động của hơi thở, là thiết bị sống còn giúp các bệnh nhân nặng chống chọi với Covid-19. Khoảng 10% bệnh nhân nhiễm Covid-19 phải dùng đến máy thở, do đó thế giới đang thiếu trầm trọng thiết bị này. Vào giữa tháng 5, chúng tôi sẽ sản xuất xong máy mẫu đầu tiên để có thể xin cấp phép sản xuất hàng loạt từ Bộ Y tế. Bkav cũng đã làm việc với chuỗi cung ứng sẵn có đang tham gia sản xuất Bphone, hơn 9.000 công nhân và 4 nhà máy trong hệ thống của chúng tôi đã sẵn sàng", CEO Nguyễn Tử Quảng chia sẻ.

Trước đó, vào ngày 3/4, Tập đoàn Vingroup công bố quyết định triển khai việc sản xuất máy thở các loại và máy đo thân nhiệt nhằm cung ứng cho thị trường Việt Nam, kịp thời phòng chống đại dịch COVID-19.

Trong đó, Tập đoàn Vingroup cam kết sẽ tặng cho Bộ Y tế 5.000 chiếc máy thở không xâm nhập để kịp thời chống dịch COVID-19.

Nói về kế hoạch sản xuất hai loại thiết bị y tế quan trọng đối với việc phòng chống đại dịch COVID-19 hiện nay, ông Nguyễn Việt Quang, tổng giám đốc Vingroup, cho biết:

"Chúng tôi dự kiến sẽ cung cấp các thiết bị này cho Bộ Y Tế Việt Nam với đúng giá thành linh kiện, và không tính tất cả các chi phí vận chuyển, thuế các loại, chi phí nhân công, sản xuất… vào giá thành. Trước mắt, chúng tôi sẽ tặng cho Bộ Y tế 5.000 máy thở không xâm nhập để kịp thời phục vụ chống dịch"

"Ngoài ra với công suất của các nhà máy VinFast, VinSmart có thể sản xuất tới 45.000 máy thở không xâm nhập và 10.000 máy thở xâm nhập mỗi tháng, chúng tôi có thể hỗ trợ các nhà sản xuất khác trên thế giới để gia công thiết bị cho họ hoặc cung cấp một phần nhu cầu, số lượng cụ thể phụ thuộc vào khả năng cung ứng linh kiện của các đối tác", ông Quang thông tin thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem