Ngoài cổng công ty, hàng trăm công nhân bắt đầu tiến hành kê khai tài sản của mình đã bị lửa thiêu rụi.
Nhiều giấy tờ bị cháy theo xe
Cùng với chồng có mặt ở trụ sở công ty từ sáng sớm để làm thủ tục kê khai tài sản bị cháy trong vụ hỏa hoạn chiều 6.4, chị Dương Thị Thu (SN 1988) ở Thượng Lan, Việt Yên, Bắc Giang buồn bã cho biết: “Em mới đi làm chưa đầy 1 tháng, đang trong thời gian thử việc, chưa được lĩnh đồng lương nào, thế nhưng tài sản lớn nhất của 2 vợ chồng là chiếc xe Wave RSX đã bị cháy mất. Sắp tới có đi làm trở lại không biết lấy gì để đi, nhà thì cách công ty đến 5 -6km”.
|
Công nhân bắt đầu làm thủ tục kê khai tài sản bị cháy. |
Theo thông báo của công ty, tài sản của công nhân bị thiệt hại sẽ phải kê khai để công ty hỗ trợ. Tuy nhiên rất nhiều công nhân rơi vào cảnh “dở khóc, dở mếu” vì giấy tờ quan trọng họ đều để trong cốp xe, giờ đã ra tro. “Chúng tôi là phụ nữ nông thôn chẳng dùng ví hay túi xách, với lại cái đó khi vào xưởng làm việc không tiện, nên toàn bộ giấy tờ xe cứ để cả trong cốp chứ có bao giờ mang theo người” - chị Nguyễn Thị Nhiên (công nhân may, trú ở xã Thượng Lan) nói.
Chị Nhiên cho biết thêm, có rất nhiều đồng nghiệp khi kê khai đã phải về nhà lục tìm lại những giấy tờ liên quan như sổ bảo hành, giấy tờ mua xe để thay thế cho những giấy tờ đã bị cháy. “Vợ chồng tôi phải trở lại cửa hàng bán xe tận trên thành phố Bắc Giang để xin photocoppy lại bản gốc của họ” – chị Nhiên cho biết.
Sớm ổn định để công nhân đi làm trở lại
Công ty Hà Phong được thành lập năm 2006, trên diện tích nhà xưởng, kho bãi là 60.000m2, có hơn 4.000 công nhân. Khoảng 16 giờ ngày 6.4, cháy lớn đã thiêu rụi xưởng 1 và 2 có diện tích 11.000m2, với khoảng 1.500 chiếc xe máy; 2.500 máy móc, thiết bị các loại; 100 máy vi tính, máy in; 1,2 triệu sản phẩm hoàn thiện (quần áo các loại); 800.000m vải…
Ông Nguyễn Khánh Vân – Phó Tổng Giám đốc Công ty Hà Phong cho biết, công ty có 4 xưởng, ngoài xưởng 1 và 2 bị cháy thì 2 xưởng còn lại vẫn hoạt động bình thường. Trong 2 xưởng bị cháy, bộ phận nào bị ảnh hưởng ít thì đi làm lại sau 3 ngày nghỉ, còn chậm nhất là sau 2 tuần. “Thời gian này coi như bố trí cho công nhân nghỉ phép” – ông Vân nói.
Sau khi xảy ra vụ việc, ngày 7.4, UBND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức cuộc họp bàn khắc phục hậu quả. Tại cuộc họp, phía doanh nghiệp đã nêu ra các kiến nghị để hỗ trợ khắc phục hậu quả, tái sản xuất. Các kiến nghị như miễn giảm, dãn thuế, cho vay vốn để tái đầu tư... đều được phía tỉnh Bắc Giang đáp ứng. Theo ông Vân, các nhà xưởng của công ty đều đã mua bảo hiểm.
Bắt đầu từ ngày 8.4, công nhân tiến hành kê khai những xe máy bị cháy trong vụ hỏa hoạn để công ty hỗ trợ. Về việc hỗ trợ 100% hay hỗ trợ một phần, ông Vân cho biết: Công ty sẽ không để công nhân bị thiệt thòi. Phía tổ chức Công đoàn và Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Giang cũng đang xem xét hỗ trợ một phần kinh phí cho các công nhân bị thiệt hại trong vụ cháy.
Lương Kết
Vui lòng nhập nội dung bình luận.