Sau vụ công an bắt 2 xe chở hơn 100kg giun đất ở Hòa Bình, người dân mong muốn xử lý nghiêm nạn kích giun
Sau vụ công an bắt 2 xe chở hơn 100kg giun đất ở Hòa Bình, người dân mong muốn xử lý nghiêm nạn kích giun
Phạm Hoài - Tuệ Linh
Thứ hai, ngày 28/08/2023 14:33 PM (GMT+7)
Sau khi Công an huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) bắt quả tang 2 xe vận chuyển hơn 100kg giun đất tươi trái phép, người dân ở đây mong muốn phải có chế tài mạnh hơn để xử lý các đối tượng này.
Clip: Kiến nghị của Chủ tịch Hiệp hội trồng cam thị trấn Cao Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình).
Người dân vui mừng, hi vọng nạn "giun tặc" sẽ bị dẹp và xử lý thích đáng
Sáng ngày 27/8, nhận được tin từ người dân Cao Phong, lực lượng công an đã phát hiện và bắt được 1 xe tải chở đầy giun trên địa bàn. Đang công tác ở huyện Lương Sơn, chúng tôi lập tức di chuyển ngay tới Cao Phong. Trên đường đi, chúng tôi nhận thêm tin vui nữa từ người dân, đó là Công an lại bắt thêm 1 xe taxi chở giun nữa.
Có mặt tại thị trấn Cao Phong, chúng tôi bắt gặp một nhóm người dân (chủ của những vườn cam bị "giun tặc" phá hoại) đang tụ tập trước trụ sở Công an huyện Cao Phong. Trên nét mặt của họ lộ rõ sự vui mừng khi Công an bắt được các đối tượng thu mua giun.
Đứng trước cổng trụ sở Công an huyện, họ đăm chiêu nhìn vào phía trong - nơi các đối tượng kích giun đang được thẩm vấn lấy lời khai, mong sẽ có một quyết định xử phạt thật nghiêm để răn đe những đối tượng mua bán, vận chuyển giun này.
Thế nhưng, trái ngược với những mong muốn của họ, sau khi các đối tượng này bị bắt giữ, do không có chế tài để xử lý, các đối tượng này đã được thả ra và cũng không có một quyết định xử phạt nào được đưa ra. Đồng thời, toàn bộ số giun thu giữ được sẽ bị tiêu hủy.
Người dân thất vọng - bức xúc và hi vọng nạn "giun tặc" sẽ được xử lý
Sau khi biết được tin này, những chủ vườn cam Cao Phong cảm thấy rất bức xúc và tỏ vẻ bất lực trước sự việc đang diễn ra. Họ không biết sẽ phải chịu đựng nạn "giun tặc" này đến khi nào nữa, khi mà hành vi kích giun; mua bán, vận chuyển giun chưa có chế tài để xử lý.
Thở dài trong nỗi tuyệt vọng, anh Nguyễn Anh Tuân – chủ vườn cam trên địa bàn huyện Cao Phong, cho biết: Khi bắt được các đối tượng thu mua giun, chúng tôi rất vui mừng vì nghĩ rằng Công an đã điều tra và thêm đầy đủ chứng cứ, có danh sách những kẻ kích giun, đầu nậu và mua bán giun tại địa bàn và sẽ có một quyết định xử phạt đủ sức răn đe các đối tượng này. Tuy nhiên, các đối tượng này lại được thả ra do không có chế tài để xử lý.
"Tôi lo ngại việc này sẽ khiến cho các đối tượng manh động hơn và phá hoại vườn cam chúng tôi nhiều hơn", anh Tuân buồn bã nói.
Anh Tuân cũng cho biết, từ khi "giun tặc" hoành hành, anh đã xin thôi chức vụ Phó Giám đốc Công viên thực vật cảnh Việt Nam để về địa phương cùng những người nông dân trồng cam chống lại nạn "giun tặc" này.
"Hai tháng nay, vào mỗi tối, chúng tôi phải thức để trông vườn cam, tránh các đối tượng kích trộm giun đột nhập trong khi ban ngày chúng tôi vẫn phải làm việc để kiếm sống. Thật sự chúng tôi rất mệt mỏi, không biết đến bao giờ vấn nạn này mới chấm dứt. Tôi mong Nhà nước sớm ra chế tài xử lý về hành vi kích giun; mua bán, vận chuyển giun để chúng tôi an tâm sản xuất, phát triển kinh tế", anh Tuân cho hay.
Cùng chung tâm trạng với anh Tuân, ông Phạm Minh Thái, Chủ tịch Hiệp hội trồng cam thị trấn Cao Phong (huyện Cao Phong), bức xúc: Với mỗi ha cam, người nông dân chúng tôi đã phải bỏ ra bao nhiêu công sức, tiền của và mồ hôi nước mắt, mới có được vi sinh vật tốt, đặc biệt là giun đất để cây cam phát triển tốt và cho những quả chất lượng, giúp đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân trồng cam.
Những con giun, vi sinh vật tại vườn có ích như vậy thế mà lại bị những đối tượng kích trộm giun triệt hạ, người nông dân chúng tôi không thể làm gì được.Thiệt hại của người nông dân trồng cam rất nặng nề, không chỉ hàng chục, hàng trăm triệu nếu làm nhiều thậm chí có thể thiệt hại tiền tỷ.
"Vườn cam của chúng tôi một năm 3 lần bón chế phẩm, để có vi sinh vật có lợi trong đất, rồi phân hữu cơ để có nhiều giun giúp cân bằng hệ sinh thái trong đất. Các đối tượng dùng kích điện công suất cao kích giun như thế triệt hạ hoàn toàn hệ sinh thái trong đất. Khi đất bị hủy hoại khó có thể không thể khôi phục như trước được nữa", ông Thái giãi bày .
Theo ông Thái, hệ lụy của hành vi kích trộm giun sẽ ảnh hưởng rất lớn sau này. Việc hệ sinh thái trong đất bị hủy hoại làm ảnh hưởng đến năng suất của cây cam và chất lượng của những quả cam Cao Phong. Quả cam sẽ không được đẹp và ngon như trước nữa, ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu cam Cao Phong. Nếu nạn "giun tặc" không được khống chế, người nông dân chúng tôi không thể nào an tâm tái canh cây cam được nữa.
"Tôi mong muốn sớm có chế tài xử lý thật nghiêm khắc để chấm dứt các hành vi kích giun; mua bán, vận chuyển giun để giúp những người nông dân an tâm thực hiện chủ trương tái canh cây cam mang thương hiệu Cao Phong", ông Thái nói.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, lãnh đạo Công an huyện Cao Phong cho biết: Vụ việc Công an bắt được 2 xe ô tô chở giun trên địa bàn huyện ngày 27/8, người dân cứ nghĩ rằng bắt được là phải xử lý nhưng xử lý phải dựa trên cơ sở quy định của pháp luật. Đơn vị đã xin ý kiến tham mưu các cơ quan chuyên môn của huyện, tuy nhiên do chưa có chế tài xử lý từ hành vi kích giun, mua bán, vận chuyển nên chưa thể xử phạt các đối tượng trong vụ việc trên.
"Hiện nay, Công an huyện Cao Phong đang tiếp tục tuyên truyền vận động, người dân giao nộp các dụng cụ kích giun đất và không tham gia kích, mua bán vận chuyển giun. Đồng thời, kiến nghị Trung ương sớm có chế tài xử lý vấn đến kích giun; mua bán, vận chuyển giun", vị lãnh đạo Công an huyện Cao Phong cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.