Chẳng còn cách nào khác
Cách đây 2 tháng vợ ông Nguyễn Chua (thôn 6, xã Hòa Lễ) suýt mất mạng trên sông Krông Ana. Vợ ông Chua đã trên 50 tuổi nhưng hôm ấy vẫn “làm xiếc” trên dây để qua sông canh tác. Chiếc ròng rọc tuột móc, vợ ông Chua rớt xuống bờ sông thương tích khắp mình. Và 2 hôm trước, cũng ngay nơi ấy, đến lượt ông Chua gặp nạn.
Nhưng may mắn đã không đến với gia đình ông lần nữa. “Tằn tiện mấy chục năm vừa cất được ngôi nhà nhỏ, chưa kịp hưởng niềm vui thì ông ấy ra đi. Đau lòng quá!” - ở đám tang ông Chua ai cũng đau xót thế. Có lẽ hơn ai hết, ông Chua hiểu rõ việc qua sông bằng dây cáp nguy hiểm như thế nào. Song có lẽ cũng như hàng trăm người dân khác, ông Chua không có lựa chọn.
Người dân thôn 6, xã Hòa Lễ tại vị trí xảy ra tai nạn cáp treo khiến ông Nguyễn Chua tử vong. D.H
Ngay sau cái chết của ông Chua, tại bến sông này, chúng tôi đã nghĩ rằng sẽ vắng người sang sông. Nhưng không, ngày 27.10, ở đây cả đàn ông và đàn bà vẫn tấp nập “làm xiếc” trên chiếc dây cáp căng qua sông. Anh Lê Văn Nhật, láng giềng của ông Chua, chia sẻ: “Ruộng rẫy bên đó, cuộc sống bên đó thì có cách nào khác đâu các chú. Trời kêu ai nấy dạ, phải chấp nhận thôi”.
Khi anh Nhật “tiếp đất” an toàn thì chị Nguyễn Thị Huấn cũng liền “đáp xuống” với lỉnh kỉnh xô, xách… Cũng như anh Nhật, chị Huấn bảo đã hết cách. Bao nhiêu năm qua chị vẫn phải làm thế. Không thế không có cái ăn, cũng chết!
Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch xã Hòa Lễ cho biết, từ khi báo chí phản ánh, cảnh báo tình trạng nguy hiểm khi người dân vượt sông bằng cách treo mình trên cáp, xã đã ra lệnh tháo dỡ các điểm cáp treo. Thế nhưng, nhiều nơi người dân vẫn không chấp hành. Thực sự họ cũng không có lựa chọn. Chính quyền cũng không thể làm căng được.
Bức xúc giao thông nông thôn
Ý kiến
Anh Lê Văn Nhật •
Người dân
Ruộng rẫy bên đó, cuộc sống bên đó thì có cách nào khác đâu các chú. Trời kêu ai nấy dạ, phải chấp nhận thôi”.
Theo ông Sơn, thực ra việc này xã đã thấy từ lâu. Nhưng bên kia là hàng trăm ha đất, nguồn sống chính của hàng trăm hộ dân trong xã. Nếu không cho dân sang sông có khác nào cấm họ phải ăn. Mà cái xã nghèo như Hòa Lễ lấy đâu ra đủ tiền để xây cầu cho dân.
“Giao thông khó khăn không chỉ nguy hiểm đến tính mạng con người mà sản phẩm của nông dân làm ra cũng bị thua thiệt” - ông Sơn nói. Anh Nhật, chị Huấn cũng cho biết, không có cầu sang sông, người dân không chỉ đi lại rất khổ sở mà việc vận chuyển nông sản cũng như dụng cụ sản xuất qua sông vô cùng vất vả. So với những vùng thuận lợi, chi phí sản xuất của họ tăng thêm lên rất nhiều.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Lân - Phó Chủ tịch huyện Krông Bông, chia sẻ:
“Việc người dân đu dây qua sông, huyện đã nhiều năm trăn trở, nhưng lực bất tòng tâm. Không chỉ là chuyện qua sông, suối mà ngay cả đường bộ ở nhiều vùng nông thôn của huyện vẫn còn nhiều bức xúc. Trong khi đó ngân sách địa phương thu không đủ chi thì nói gì đến chuyện đầu tư. Nguồn ngân sách hàng năm đưa về cũng có hạn, muốn chi cái gì cũng phải tính toán một cách kỹ lưỡng mới dám chi ra”.
Nhưng cũng theo ông Lân, đối với Hòa Lễ, tỉnh đã đồng ý sẽ xây dựng một cây cầu treo, lấy nguồn vốn hỗ trợ từ đề án xây dựng cầu treo dân sinh của Bộ Giao thông -Vận tải. “Ngay sau khi xảy ra tai nạn, huyện đã tiếp tục có văn bản đề nghị tỉnh nghiên cứu cân đối ngân sách, tạm ứng trước vốn để xây cầu cho dân”- ông Lân cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.