Cụ thể, các nhà đầu tư này đã đăng ký tham gia vào gói trái phiếu chuyển đổi (TPCĐ) 1.200 tỷ mà Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty đã thông qua vào ngày 11/2/2020 trước đó.
TPCĐ sẽ có kỳ hạn tối thiểu 3 năm, lãi suất danh nghĩa dự kiến 3,5%/năm. Thời điểm phát hành sẽ được thỏa thuận cụ thể giữa SBT và nhà đầu tư nhưng trong không quá 90 ngày kể từ ngày nhận được chấp thuận phát hành của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Dự kiến, trái phiếu này được quyền chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ thành cổ phiếu phổ thông sau 1 năm kể từ thời điểm hoàn tất phát hành. Các vấn đề liên quan đến giá chuyển đổi, tỷ lệ chuyển đổi, thời điểm chuyển đổi và các vấn đề khác sẽ do HĐQT quyết định. Khoản đầu tư này dự kiến sẽ được giải ngân toàn bộ trong tháng 3/2020.
Toàn bộ số tiền huy động sẽ được SBT sử dụng để tái cấu trúc nguồn vốn. Trên thực tế, hoạt động này sẽ giúp Công ty tăng hiệu quả sử dụng vốn và có dòng tiền ổn định hơn, từ đó có thể tăng cường đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể, SBT sẽ:
Một, tiếp tục mở rộng hệ thống phân phối nhằm gia tăng thị phần, bao phủ thêm phân khúc vừa và nhỏ tại các thị trường tiềm năng, thị trường mục tiêu như Tây Nam Bộ, Miền Bắc… cũng như đẩy mạnh xuất khẩu sang những thị trường khó tính như Châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore…
Hai, tăng quy mô sản xuất, tăng hiệu suất vận hành các nhà máy, qua đó tối ưu hóa chi phí sản xuất và phát huy lợi thế kinh tế theo quy mô đầu tư.
Ba, tập trung đầu tư vào các sản phẩm cao cấp, có giá trị gia tăng cao cũng như an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Bốn, tiếp tục đầu tư vào hoạt động R&D nhằm đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Việt Nam hiện đang trở thành ngôi sao sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài tại Đông Nam Á khi lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào thị trường không ngừng tăng trong những năm gần đây.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2019 vừa qua, vốn FDI đổ vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và vốn góp mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đã đạt 38,02 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2018, đồng thời cũng là con số cao kỷ lục trong vòng 10 năm gần đây. Trên thực tế, năm 2019 ghi nhận đã có 125 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.
Đáng chú ý, Hàn Quốc vẫn tiếp tục là quốc gia dẫn đầu với tổng vốn đầu tư lên tới 7,92 tỷ USD, chiếm 20,8% trên tổng số. Các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc là những đơn vị có nguồn vốn lớn, có kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn cao trong nhiều lĩnh vực.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid 19 đang có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại Hàn Quốc khi các ca nhiễm bệnh ở quốc gia này đang có xu hướng tăng mạnh, chính vì điều này, rất nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đã có động thái rút vốn về nước hoặc ngừng đầu tư mới để tối thiểu hóa rủi ro, tuy vậy với niềm tin cũng như sự đánh giá rất cao vào triển vọng của Ngành Đường Việt Nam nói chung và định hướng phát triển của SBT nói riêng thì các nhóm nhà đầu tư Hàn Quốc này vẫn mạnh dạn đầu tư số tiền lớn vào SBT. Thương vụ này được kỳ vọng sẽ mở đầu suôn sẻ cho chuỗi những thương vụ huy động vốn từ các NĐT Hàn Quốc trong thời gian tới của Công ty.
ATIGA - Cơ hội cho những doanh nghiệp mạnh bứt phá
Từ ngày 1/01/2020, Việt Nam đã chính thức bãi bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu Đường từ các nước ASEAN theo cam kết tại Hiệp định ATIGA. Trên thực tế, việc hội nhập tuy sẽ đem đến những thách thức nhất định cho các doanh nghiệp Đường trong nước nhưng cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp mạnh dạn chuyển mình và đón đầu xu thế.
Việc hội nhập với thị trường trong khu vực và thế giới cũng sẽ là chất xúc tác để các nhà máy đường Việt Nam nhìn nhận lại mình, đổi mới quy trình sản xuất, chú trọng gia tăng tỷ lệ cơ giới hóa trên đồng ruộng, liên kết chặt chẽ hơn với nông dân trồng mía, đảm bảo thu nhập cho người nông dân, đồng thời đầu tư nghiên cứu đa dạng hóa chuỗi giá trị cây mía để giảm áp lực giá thành cho sản phẩm đường. Những nhà máy có hiệu quả tốt mới có thể trụ lại với ngành, từ đó giúp ngành Đường trong nước có đủ năng lực cạnh tranh tại sân chơi quốc tế.
Ngày 18/2/2020 vừa qua, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành Mía đường, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quán triệt chủ trương: “Sẵn sàng cạnh tranh, bảo đảm cạnh tranh thắng lợi”.
Theo đó, Nhà nước tuy không bao cấp hoàn toàn cho ngành Mía đường nhưng đã, đang và sẽ tiếp tục có những giải pháp, cơ chế chính sách cụ thể nhằm ủng hộ, giúp xóa bỏ mọi rào cản trong phát triển mía đường để tạo thuận lợi cho ngành Mía đường phát triển và sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 tăng cường chống buôn lậu, chống hàng giả, gian lận thương mại một cách quyết liệt hơn, xử lý nghiêm cán bộ liên quan đến việc bảo kê nhập khẩu đường trái phép. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét tổng thể những vùng bị hạn hán, thiên tai, khó khăn để khoanh nợ, giãn nợ cho nông dân và xem xét cho vay vốn ưu đãi để trồng mía và chế biến đường ở những khu vực có hiệu quả, những nhà máy có hiệu quả.
Quán triệt tư tưởng của Thủ tướng, với vị thế đầu ngành Đường Việt Nam, SBT đã sớm có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc hội nhập. Trong những năm gần đây, SBT đã chủ động thay đổi, cải tiến quy trình sản xuất, tiết giảm chi phí, không ngừng nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, không chỉ để giữ vững thương hiệu mà còn để sẵn sàng cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn TTC và Phu nhân Bà Huỳnh Bích Ngọc -Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn TTC kiêm Chủ tịch HĐQT SBT.
Sau dấu mốc M&A với Công ty Đường Biên Hòa vào tháng 9/2017, SBT đã trở thành doanh nghiệp mía đường lớn nhất Việt Nam về quy mô hoạt động cũng như thị phần, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định, kết hợp từ các thế mạnh về thương hiệu, công nghệ, hệ thống phân phối và nhân sự. Cùng với đó, việc Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích mới có thể xem là cú hích lớn đối với định hướng phát triển nền nông nghiệp hữu cơ và công nghệ cao mà SBT đang theo đuổi. Cơ hội để ngành Đường bứt phá lúc này là phải làm ra sản phẩm chất lượng tốt, phù hợp thị hiếu và đặc biệt là đa dạng hóa không chỉ dòng sản phẩm đường mà còn là sản phẩm cạnh đường - sau đường, sao cho khai thác được tối đa chuỗi giá trị của cây mía. Chỉ có như vậy thì doanh nghiệp mới tiết giảm được chi phí, từ đó đưa ra mức giá thành cạnh tranh hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.