NTNN có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Ngọc - Trưởng phòng tổ chức thi đấu (Liên đoàn Bóng đá VN), thành viên BTC giải xung quanh công tác chuyên môn của giải đấu đầu tiên dành cho nông dân.
Nhiều năm đảm nhiệm công tác tổ chức thi đấu V.League, giải hạng Nhất quốc gia, vậy ông có gặp khó khăn nào khi tham gia tổ chức giải bóng đá nông dân toàn quốc?
Phải khẳng định là tổ chức bất kỳ một giải đấu nào từ phong trào đến chuyên nghiệp, quy mô nhỏ hay lớn đều không dễ. Sẽ quá nhẹ nhàng và chẳng có gì đáng nói nếu mọi chuyện chỉ gói gọn trong việc bốc thăm, xếp lịch thi đấu.
Điều mà chúng tôi thường xuyên phải đối mặt thường là những diễn biến bất ngờ. Ví dụ đơn giản nhất là trước khi bước vào giải bóng đá nông dân, có tới 33 đội đăng ký tham dự. Nhưng sau đó, một số đội lại xin rút lui vì nhiều lý do.
Sau mỗi quyết định như thế, chúng tôi lại phải ngồi với nhau, xếp lại lịch thi đấu, phân bổ suất vào vòng chung kết cho các bảng vòng loại sao cho bảo đảm tính công bằng, các đội tham dự giải đều cảm thấy thoải mái, không gây ra tranh cãi.
Với tư cách là thành viên BTC giải và là Trưởng tiểu ban tổ chức thi đấu, ông có thể đánh giá gì về quá trình chuẩn bị cho giải đấu này?
Tất cả các thành viên BTC giải đều đã và đang cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình từ công tác tuyên truyền, hậu cần, tới tổ chức thi đấu... Ban chỉ đạo thường xuyên có những góp ý chỉ đạo kịp thời để cùng BTC giải, đơn vị đăng cai các bảng vòng loại tháo gỡ những vướng trong quá trình tổ chức. Mọi thứ đều được xây dựng có lộ trình, bài bản.
|
Thái Nguyên (áo sẫm), một trong 8 đội lọt vào vòng chung kết |
Thực tế, vòng loại ở 6 bảng đã diễn ra rất sôi nổi, hào hứng, không xảy ra bất kỳ sự cố nào. Các bảng đều đã chọn ra đội bóng xứng đáng nhất lọt vào vòng chung kết. Đó là thành công bước đầu của giải. Hiện công tác tổ chức vòng chung kết đang được BTC phối hợp với địa phương đăng cai khẩn trương hoàn thiện những công đoạn cuối nhằm đảm bảo giải diễn ra đúng như dự định.
Theo ông, tại vòng chung kết với sự góp mặt của 8 đội bóng cân tài cân sức, có điểm gì cần đặc biệt lưu tâm?
Có thể hình dung được tính chất quyết liệt ở vòng chung kết khi mỗi đội bóng đều ra sân với quyết tâm bảo vệ màu cờ sắc áo cho địa phương mình. Ở đây cần chú ý vấn đề là các cầu thủ phong trào đã hiểu luật tới đâu, khi mà vẫn có những HLV, cầu thủ chuyên nghiệp phản ứng trọng tài không đúng mực vì không hiểu rõ luật. Đó cũng là điểm mà chúng tôi đã quán triệt tới các địa phương có đội bóng thi đấu. Khi các cầu thủ biết cách ứng xử trên sân thì sẽ "giảm nhiệt" được cho các khán đài, và ngược lại.
Để các trận đấu diễn ra công bằng, khách quan, công tác trọng tài của giải được chú trọng như thế nào?
Những người làm bóng đá như chúng tôi quá hiểu về vai trò của trọng tài ở các trận đấu, các giải đấu. Đối với các giải phong trào thì càng phải thận trọng hơn trong công tác trọng tài. Tại vòng chung kết Giải bóng đá Nông dân toàn quốc 2010 VFF sẽ cử 4 giám sát, 10 trọng tài có trình độ chuyên môn đã được thẩm định qua các giải hạng Nhất, hạng Nhì... tham gia điều hành, đảm bảo tính công bằng cho các trận đấu. Tôi tin giải sẽ thành công tốt đẹp ngay ở lần đầu tiên tổ chức này.
Xin cảm ơn ông!
Chính Minh (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.