Sáng nay (11.5), Bộ KHCN phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Hội thảo “Khoa học công nghệ phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững các Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận tại Việt Nam”.
Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2016.
Năm 2000 UNESCO đã công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên của Việt Nam là Cần Giờ. Đến năm 2015 UNESCO công nhận Lang Biang là Khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ 9 của Việt Nam.
Bộ KHCN cho biết từ năm 2015, Bộ đã phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Ủy ban Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam xem xét các nhu cầu của 9 Khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam về các vấn đề phát triển bền vững.
Cụ thể, đó là vấn đề hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học với sinh kế của người dân, với phát triển kinh tế của địa phương, hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học với bảo tồn văn hóa dân tộc, với phát huy tri thức bản địa…
Cần Giờ là 1 trong 9 khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận tại Việt Nam (ảnh UnescoVietnam)
Lãnh đạo Bộ KHCN cho biết, hiện nay Bộ đã phê duyệt và đang tổ chức thực hiện 5 nhiệm vụ khoa học và công nghệ quốc gia tại 5 Khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam.
Mỗi nhiệm vụ này sẽ là một mô hình về bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững được thí điểm triển khai thực hiện tại khu dự trữ sinh quyển. Những mô hình này sau đó sẽ được rút kinh nghiệm để các khu khác học tập và có tác dụng lan tỏa cho cả mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam.
TS Phạm Trung Lương – Viện phó Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch, đang nghiên cứu một trong các nhiệm vụ kể trên cho biết: “Chúng tôi đang thực hiện một đề tài khoa học khai thác du lịch gắn liền với bảo tồn đa dạng sinh học tại khu dự trữ sinh quyển. Ở các vườn quốc gia, con người sống tách biệt với vùng lõi, còn ở các khu dự trữ sinh quyển con người có thể sống trong vùng nên có những đặc điểm khác biệt”.
TS Lương cho biết, ở một số vườn quốc gia đã thực hiện việc chuyển người dân ra ngoài nhưng họ không thích nghi được vì không có sinh kế mới. Người dân tiếp tục quay vào rừng. “Chính vì vậy chúng ta không nên áp đặt mệnh lệnh hành chính với người dân mà cố gắng tạo ra sinh kế mới cho người dân nhưng ít tác động đến thiên nhiên”.
Sinh kế ở đây sẽ được tạo ra từ hoạt động du lịch để người dân có thu nhập, hạn chế dần tác động đối với thiên nhiên nói chung.
TS Lương cho biết, dự kiến đến năm 2017 sẽ triển khai thực hiện mô hình và nếu đạt kết quả tốt sẽ mở rộng ra các khu dự trữ sinh quyển khác từ năm 2018.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.