Sếp dầu khí to hơn Vũ Đình Duy bị khởi tố trong vụ PVTex

Thứ hai, ngày 26/06/2017 11:55 AM (GMT+7)
Ngoài Vũ Đình Duy - từng giữ chức Tổng giám đốc Nhà máy PVTex 7.000 tỷ thì một nhân vật nắm vị trí số 1 ở PVTex cũng đã bị khởi tố. Nhân vật này là ai?.
Bình luận 0

img

Trần Trung Chí Hiếu, Vũ Đình Duy (ở giữa).

Dắt díu nhau rời PVTex

Ngày 19.6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự, xảy ra tại Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) và các đơn vị liên quan.

Trong số 5 người bị khới tố, 2 nhân vật từng nắm vị trí quan trọng nhất của nhà máy xơ sợi Đình Vũ cũng đã bị khởi tố. Đó là Trần Trung Chí Hiếu, nguyên Chủ tịch HĐQT PVTex; Vũ Đình Duy, nguyên Tổng giám đốc PVTex.

Trong 2 người này, dư luận hầu như chỉ biết đến Vũ Đình Duy “nhờ” tai tiếng bỏ trốn đi chữa bệnh nước ngoài khi đang làm ở Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Còn Trần Trung Chí Hiếu là một ẩn số. Vậy ông Trần Trung Chí Hiếu về PVTex khi nào và sau đó ông đã ở đâu cho đến khi bị khởi tố?

Trần Trung Chí Hiếu sinh năm 1963, là tiến sĩ Kinh tế. Tháng 4/2008, ông Hiếu là Ủy viên HĐQT Công ty cổ phần chứng khoán dầu khí. Ở vị trí này không lâu, tháng 12/2008 ông Trần Trung Chí Hiếu được Đại hội đồng cổ đông PVTex bầu vào chức vụ chủ tịch HĐQT công ty, thay cho ông Nguyễn Minh Đạo.

Đây là thời điểm dự án xây dựng nhà máy xơ sợi Đình Vũ –Hải Phòng bắt đầu được triển khai thực hiện.

Ông Hiếu được giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Bí thư Đảng uỷ, chịu trách nhiệm các vấn đề trong việc triển khai xây dựng nhà máy xơ sợi Đình Vũ.

Theo kế hoạch, tháng 8/2011 nhà máy này phải đi vào hoạt động chính thức. Thời điểm đó, ông Trần Trung Chí Hiếu đã bày: Chúng tôi phấn đấu đưa nhà máy vào vận hành sớm 1 tháng so với tiến độ. Đây là điều không hề dễ. Vẫn còn rất nhiều việc phải làm và tôi tin rằng chúng tôi sẽ làm tốt. Khi ấy, ông Trần Trung Chí Hiếu cũng khoe rằng: Tính đến ngày 24.12.2010, tiến độ tổng thể của Dự án đạt 82,23% vượt 0,48% so với kế hoạch đề ra.

Thế nhưng, thực tế cho thấy, dự án này bị chậm tiến độ, mãi đến tháng 5.2014 nhà máy này mới đi vào hoạt động thương mại.

Tháng 2.2014, Vũ Đình Duy rời ghế Tổng giám đốc PVTex sau gần 5 năm ở vị trí này để làm Phó giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng. Không lâu sau đó, tháng 10/2014, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, Đại hội đã thông qua việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Trần Trung Chí Hiếu “theo nguyện vọng cá nhân” và đã bầu ông Phạm Anh Tuấn thay thế ông Hiếu giữ chức vụ này.

Rời PVTex khi đã “gắn bó” suốt quá trình đầu tư xây dựng dự án, ông Trần Trung Chí Hiếu chuyển sang một công ty khác cũng thuộc ngành Dầu khí là Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí (Petechim).

Ngày 1.7.2015 Hội đồng quản trị Petechim đã bổ nhiệm ông Hiếu vào vị trí thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính của công ty này. Đồng thời ông Hiếu cũng là người đại diện phần vốn của Petechim tại Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tràng An tại Petechim.

Tính đến thời điểm bị cơ quan điều tra khởi tố tội danh Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, websie của Petechim vẫn còn hình ảnh ông Hiếu nằm trong dàn lãnh đạo của Công ty này.

PVTex ra sao dưới thời các sếp bị khởi tố?

Sau khi dự án bị đắp chiếu, năm ngoái Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng khi thanh tra việc đầu tư xây dựng, vận hành nhà máy 7.000 tỷ này.

Trong đó, ngay từ khâu đầu tư xây dựng, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện, trong quá trình ký kết hợp đồng mua thiết bị, chủ đầu tư và nhà thầu đã không tuân thủ đúng quy định, thay đổi nguồn gốc, xuất xứ một số thiết bị. Cụ thể, chuyển đổi dây chuyền thiết bị kéo sợi dún từ Đức sang của Trung Quốc giá trị 11,3 triệu USD, tương đương hơn 200 tỷ,...

Hơn nữa, PVTex đã không tổ chức thẩm định, tính toán kỹ, tăng tổng mức đầu tư không đúng với chi phí, tính sai chi phí... trị giá khoảng 38,7 triệu USD, dẫn đến dự án bị đội vốn lên thành 363 triệu USD.

Chẳng hạn, việc đưa chi phí xây dựng không có cơ sở đã làm tăng tổng mức đầu tư gần 21,5 triệu USD. Tính chi phí lãi vay sai làm tăng tổng mức đầu tư thêm hơn 6,3 triệu USD. Một số chi phí khác không đúng quy định làm tăng mức đầu tư thêm gần 8 triệu USD.

Chưa hết, khi đã chọn được tổng thầu EPC cho dự án, thì việc hợp đồng thầu EPC ký bằng ngoại tệ, nhưng thanh toán bằng nội tệ đã làm PVTex thiệt hơn 46 tỷ đồng.

Trong kết luận thanh tra PVTex, Thanh tra Chính phủ nhận định, quá trình thanh tra dự án đã phát hiện có dấu hiệu cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm trong việc phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư.

Do đó, cơ quan này kiến nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Còn nhà máy PVTex, chỉ tính đến ngày 31.3.2015, tổng lỗ của nhà máy 7.000 tỷ này lên tới 1.732 tỷ đồng và liên tiếp phải lâm cảnh "đắp chiếu"

 

Lương Bằng (Vietnamnet)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem