Sĩ tử đua nhau ôn thi vào lớp 10 trên TikTok: Giáo viên cảnh báo
Sĩ tử đua nhau ôn thi vào lớp 10 trên TikTok: Giáo viên cảnh báo
Khánh Ly
Thứ bảy, ngày 11/05/2024 15:00 PM (GMT+7)
Không chỉ áp dụng phương pháp ôn thi theo cách truyền thống, nhiều học sinh còn tìm đến những video trên TikTok để trau dồi thêm kiến thức trong giai đoạn ôn thi vào 10 nước rút. Tuy nhiên, giáo viên cảnh báo, phương pháp học này tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trong những ngày cận kề kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, chỉ cần tìm kiếm cụm từ "Luyện thi vào 10" trên TikTok, ngay lập tức xuất hiện nhiều kênh luyện thi với vô số video truyền tải kiến thức. Những video chỉ dài gần 1 phút với tiêu đề hấp dẫn như "Cách để đạt được thủ khoa tuyển sinh 10", "Muốn đạt điểm 9, 10 điểm Toán thi vào 10 thì 2k8 tham khảo ngay",... đều thu hút hàng nghìn lượt xem.
Nhiều kênh TikTok với nội dung ôn thi tuyển sinh lớp 10 nhận được hàng nghìn lượt theo dõi (Ảnh: Chụp màn hình)
Thường xem những video dạy ôn thi tuyển sinh lớp 10 trên TikTok, Ngô Yến Nhi (Trường THCS Mễ Trì, Hà Nội) chia sẻ: "Em lựa chọn những video ngắn trên TikTok để ôn thi vào lớp 10 vì lượng kiến thức được chia nhỏ ra giúp em nhớ lâu hơn. Mỗi video dạy học đều rất ngắn và dễ nhớ, không bị khô khan như khi học theo cách truyền thống. Phần lý thuyết được các "thầy cô" trên TikTok sinh động hóa bằng hình ảnh, âm thanh và bắt trend giúp việc học trở nên hứng thú hơn".
Những video dạy ôn thi vào lớp 10 trên TikTok. Ảnh: CMH
Tương tự, Minh Thu (học sinh lớp 9, THCS Phan Huy Chú, Thạch Hà, Hà Tĩnh) cũng nhận thấy các video dạy ôn thi trên mạng dễ tiếp thu bởi cách truyền đạt ngắn gọn, hấp dẫn. Thu cho rằng thường xuyên xem các video trên TikTok như một cách học để giúp em ghi nhớ và hệ thống lại kiến thức, các video này chia sẻ kiến thức làm bài và ôn thi hiệu quả.
Tuy nhiên, theo Lưu Thị Ánh (học sinh lớp 9B, Trường THCS Trực Thái, Nam Định) phương pháp học tập này vẫn còn mơ hồ về chất lượng. Ánh cho biết: "Em được bạn bè trong lớp giới thiệu về video ôn tập trên TikTok và cũng có tham khảo. Tuy nhiên, em thấy có một số nội dung của các video có sai sót và không đúng với kiến thức mà em đã được học. Em và các bạn vẫn còn phân vân không biết áp dụng phương pháp ôn thi trên nền tảng này có đảm bảo cho kỳ thi tuyển sinh sắp tới không?".
Rủi ro tiềm ẩn và những khuyến cáo của giáo viên
Không thể phủ nhận các video cung cấp kiến thức cho học sinh trên TikTok có thể đem lại giá trị nếu áp dụng đúng cách. Một số nhà sáng tạo nội dung đã thực hiện các video về lĩnh vực giáo dục với mục đích hệ thống lại kiến thức cho các sĩ tử trong giai đoạn ôn thi nước rút này.
Chị Huyền Trang - nhà sáng tạo nội dung, người đồng sáng lập dự án Rubik Văn chương, đang sở hữu kênh TikTok với hơn 540.000 lượt theo dõi chia sẻ: "Ưu điểm lớn nhất của học qua TikTok đó là đa dạng học liệu và tăng cường tính chủ động của các bạn học sinh. Bên cạnh đó, ôn thi qua mạng xã hội còn là một phương pháp mà tất cả các bạn đều có quyền được nói lên quan điểm, tranh luận và tham khảo các ý kiến khác từ những người bạn đồng trang lứa và cả những người đi trước".
Song theo Huyền Trang, bên cạnh những lợi ích thì cách học mới này lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ, hệ lụy khôn lường nếu các sĩ tử áp dụng không đúng cách. Phương pháp "vừa học, vừa chơi" này tuy khơi gợi được cảm hứng học tập nhưng chưa được kiểm chứng về chất lượng kiến thức, vì bất kỳ ai cũng có thể chia sẻ. Hơn nữa, những nội dung ôn thi trên nền tảng này chủ yếu là dạy với nội dung ngẫu nhiên nên người học khó theo dõi quá trình học tập.
Chị Huyền Trang đánh giá: "Không chỉ riêng TikTok mà còn rất nhiều các trang mạng xã hội khác đều có nguy cơ chưa được kiểm duyệt kỹ lưỡng nội dung và đó cũng là một thử thách cho các bạn học sinh. Theo mình, học qua TikTok là một phương pháp mà không một ai có thể đảm bảo về sự hiệu quả với tất cả mọi người. Bởi bản chất của các video TikTok chỉ là các video ngắn, mà kiến thức cần học thì sâu rộng, không thể truyền tải được hết qua những video dưới 3 phút như vậy".
Ngoài ra, việc học qua TikTok không thể đảm bảo về chất và lượng bởi các kiến thức trên nền tảng xã hội này lại thường chỉ cách làm mẹo hoặc cô đọng kiến thức ngắn gọn, súc tích dẫn đến việc học sinh chỉ phụ thuộc vào một phương pháp mơ hồ.
Kênh TikTok này hướng dẫn cho học sinh cách đạt điểm 9 chỉ bằng cách "khoanh lụi". Ảnh: CMH
Điển hình như trong video của tài khoản H.M với hơn 5,7 nghìn lượt xem có tiêu đề "Khoanh lụi Tiếng Anh lớp 9 dành riêng cho 2k9 ôn thi cấp tốc vào 10". Trong video, chủ sở hữu kênh giới thiệu cho học sinh cách để đạt được 8 đến 9 điểm bằng mẹo "khoanh lụi" hơn 30 câu trong đề thi Tiếng Anh chỉ với 20 phút.
Người này hướng dẫn học thuộc một số mẹo viết tắt, hoặc đối với bài đọc thì chỉ cần tìm đại từ, rồi dò xem đáp án nào gần với đại từ nhất thì khoanh, tức là "khoanh bừa" nhưng có tỉ lệ trúng cao và đạt điểm cao.
Theo dõi những video cung cấp kiến thức ôn thi trên TikTok, cô Trần Thị Hằng, giáo viên Trường THPT Trực Ninh B, Trực Ninh, Nam Định đánh giá, học qua TikTok đem đến những cách thức dạy và học mới mẻ, dễ tiếp thu và khơi gợi cảm hứng học tập cho học sinh. Nhưng cô Hằng cũng cảnh báo: "Một video ngắn trên TikTok không thể đáp ứng được đầy đủ về số lượng kiến thức bằng các tiết học với thời lượng dài như trên trường lớp. Trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, để tránh bỏ sót các kiến thức quan trọng, học sinh chỉ nên coi TikTok là một phương pháp kết hợp".
"Để đảm bảo cho quá trình ôn luyện, học sinh nên tiếp thu có chọn lọc những kênh dạy học uy tín và chỉ theo dõi một số thầy, cô đáng tin cậy. Các em cần kết hợp linh hoạt, tận dụng được ưu điểm của mỗi phương pháp và phối hợp cả hai", cô Hằng nói thêm.
Theo cô Nguyễn Thị Hiền, giáo viên Trường THPT Lý Tự Trọng, Hà Tĩnh, TikTok vẫn chỉ là nền tảng giải trí nên không thể thay thế được những giờ học truyền thống trên lớp. Vì thế học sinh không nên dành toàn bộ thời gian để xem các video mà vẫn nên chú trọng kiến thức trong sách vở và coi phương pháp học trực tuyến chỉ là công cụ hỗ trợ trong quá trình ôn thi. Sau khi tham khảo các video trên TikTok, học sinh cần có sự định hướng lại của thầy cô, kết hợp với quá trình tự học của bản thân.
"Dù học bằng phương pháp nào, điều quan trọng nhất là mỗi học sinh phải có ý thức tự trau dồi kiến thức, kỹ năng của bản thân bởi giáo viên và những kênh trực tuyến chỉ là phương tiện hỗ trợ thêm trong quá trình ôn thi của các sĩ tử", cô Hiền đúc kết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.