“Siết” cho vay BĐS: Sẽ có “kẻ” không vui!

Phương Hà Thứ tư, ngày 17/02/2016 10:22 AM (GMT+7)
“Lãi suất cho vay mua nhà sẽ cao hơn, điều khoản và chỉ tiêu cho vay sẽ chặt chẽ hơn. Nhưng trước mắt không phải người dân chịu ảnh hưởng mà các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (BĐS) sẽ chịu tác động nhiều bởi hệ số rủi ro càng cao thì vốn cho BĐS càng ít”.
Bình luận 0

img

Đây là nhận định của các chuyên gia về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36 quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành, trong đó có quy định về cho vay BĐS.

Sợ rủi  ro nên “siết”?

Cuối năm 2015, lĩnh vực BĐS đã thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận. Đó là việc ngần hàng BIDV và một số ngân hàng khác có động thái ngừng cho vay mua nhà hình thành trong tương lai. Điều này đã khởi phát khá nhiều lo ngại trong bối cảnh thị  trường BĐS đang trên đà khởi sắc và hứa hẹn lấy lại đà tăng trưởng cao trong năm 2016.

Những ngày cuối cùng của năm Ất Mùi vừa qua, dư luận lại tiếp tục quan tâm khi NHNN đưa ra lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Thông tư 36 liên quan đến giới hạn và sự đảm bảo an toàn của  các tổ chức tín dụng, trong đó nhiều quy định được cho là “siết” cho vay đối với lĩnh vực BĐS.

Cụ thể tỉ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn với BĐS được giảm mạnh, từ mức 60% xuống 40% đối với các Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng Hợp tác xã. Đối với các các tổ chức tài chính phi ngân hàng tỉ lệ này giảm từ 200% xuống 80%. Theo NHNN, việc giảm tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nhằm giảm tập trung cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, lĩnh vực chủ yếu là cho vay trung dài hạn, đồng thời giảm rủi ro thanh khoản.

Dù thời hạn áp dụng văn bản này vẫn chưa được xác định nhưng theo dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế, điều này sẽ tác động không nhỏ đến thị trường BĐS trong tương lai. NHNN có vẻ bắt dầu lo ngại và muốn đưa tín hiệu kiểm soát những cảnh báo về thị trường BĐS liên quan đến nợ xấu.

Ai sẽ không vui?

Ngay khi đưa ra lấy ý kiến dự thảo này, cơ quan xếp hạng tín dụng Moody's đã nhận định, việc sửa đổi Thông tư 36 như dự thảo sẽ tác động tích cực đến tín dụng của các ngân hàng Việt Nam, vì nó sẽ cải thiện thanh khoản và hạn chế tăng trưởng tín dụng “nóng” trong lĩnh vực BĐS nhiều rủi ro.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng khẳng định: Dù thời điểm này chưa thực sự thấy rõ biểu hiện “bong bóng BĐS” trên toàn thị trường, nhưng ở một vài phân khúc đã xuất hiện hiện tượng này vì giá nhà đang tăng lên rất cao.

“Tôi ủng hộ nên siết lại các yêu cầu về cho vay BĐS của các ngân hàng để làm lành mạnh hệ thống này, đặc biệt trong lĩnh vực cho vay BĐS. Nên sớm sửa đổi Thống tư 36 như dự thảo đã đề xuất”-ông Hiếu nói.

Vị chuyên gia tài chính-ngân hàng này cho rằng: “Có thể các quy định của dự thảo này sẽ tác động đến vấn đề đi vay của người dân bởi lãi suất sẽ cao hơn, điều  khoản và chỉ tiêu cho vay sẽ chặt chẽ hơn. Nhưng trước mắt không phải người  dân chịu ảnh hưởng mà các doanh nghiệp kinh doanh  BĐS sẽ chịu tác động nhiều hơn và chắc chắn họ sẽ không vui bởi hệ số rủi ro càng cao thì vốn cho BĐS càng ít”.

Ông Hiếu cảnh báo, thị trường BĐS của ta đang dựa rất nhiều vào tín dụng nên chắc chắn khi tín dụng bị siết bằng các quy định mới sẽ hạn chế sự tăng trưởng của BĐS. Khi hệ số rủi ro càng cao thì vốn sử dụng cho BĐS càng ít. Hiện nay rất nhiều NH đang đổ vốn vào BĐS. Nếu không cẩn thận rất dễ xảy ra tình trạng bong bóng.

Trước đó, trả lời báo chí, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng LienVietPostBank lại có quan điểm khác. Ông Hưởng cho rằng, BĐS đang có dấu hiệu ấm lên, thanh khoản tốt hơn nhưng chưa tới mức lo ngại “bong bóng”. “Các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư và thúc đẩy hoạt động mua bán song hiện tượng bong bóng BĐS sẽ không thể xảy ra ở giai đoạn hiện nay. Các ngân hàng có ồ ạt cho vay BĐS nhưng đó là cho vay ở những dự án cũ hồi phục lại. Thị trường không còn tình trạng đổ xô đi mua đầu cơ BĐS như ngày xưa, chỉ có nhu cầu thật, giá chấp nhận được thì người dân mới mua nhà. Các nhà đầu tư cũng đã có suy nghĩ khác, kinh nghiệm trong quá khứ khiến họ cũng rút kinh nghiệm và cẩn trọng hơn”-ông Hưởng cho biết.

Dự thảo Thông tư 36 sửa đổi dự kiến điều chỉnh giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn đối với: NHTMCP, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài  giảm từ 60% xuống 40%; Các tổ chức tài chính phi ngân hàng giảm từ 200% xuống  80%; Ngân hàng hợp tác xã giảm từ 60% xuống 40%.  Đồng thời nâng tỷ trọng rủi ro đối với các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản từ 150% lên 250%.

Số liệu cập nhật về tình hình dư nợ cho vay đối với BĐS đến cuối năm 2015 của  Bộ Xây dựng cho thấy dư nợ tín dụng lên tới gần 374,8 nghìn tỉ đồng, tăng trưởng gần 20% so với tháng 12.2014. Trong đó, 3 mảng cho vay có số dự nợ tăng cao nhất đó là cho vay mua quyền sử dụng đất (hơn 26 nghìn tỉ đồng) tăng 36,25%, cho vay xây dựng khu đô thị mới hơn 70 nghìn tỉ đồng tăng 10,76% và cho vay để đầu tư kinh doanh bất động sản khác hơn 72 nghìn tỉ đồng tăng 11,2%...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem