Kiềm chế lạm phát là việc phải làm ngay, nhưng ở cuộc gặp làm việc này, Chính phủ và các chuyên gia kinh tế đã thống nhất là “Phải vừa kiềm chế lạm phát, vừa tiến hành các cải cách kinh tế, tiến tới tái cấu trúc nền kinh tế”.
Một việc cần làm ngay, theo Thủ tướng, là phải tái cấu trúc đầu tư công, gắn với kiểm soát nợ công, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước theo hướng cổ phần hóa. Ai cũng biết, tình trạng nợ công xấu đã đẩy nhiều quốc gia ở châu Âu vào nguy cơ “vỡ bong bóng” nền kinh tế và phải nhờ đến Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) can thiệp, giúp đỡ. Điều đó có thể tháo gỡ khó khăn trong ngắn hạn nhưng lại khiến quốc gia ấy phải chịu áp lực nợ nần ở trung và dài hạn.
Nợ công ở VN tuy chưa tới mức phải nhờ IMF can thiệp giúp đỡ, nhưng cũng đã ở mức báo động. Việc duy trì các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, duy trì sự làm ăn không hiệu quả, thậm chí thua lỗ của những doanh nghiệp này, trong đó có cả những tập đoàn lớn, là một mối nguy cơ cho nền kinh tế.
Vì vậy, đi đôi với siết chặt tín dụng, kiềm chế lạm phát (điều này lại gây vô vàn khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ) lại phải đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa để một mặt kiểm soát nợ công, một mặt giải phóng bớt gánh nặng đầu tư công mà Nhà nước lâu nay vẫn phải gánh cho quá nhiều doanh nghiệp.
Một khi đã trao cho doanh nghiệp quyền tự chủ kinh tế, thì bắt buộc họ cũng phải tự chủ vốn, chứ không thể để một mặt thì tự chủ kinh tế muốn làm gì thì làm, mặt khác lại phụ thuộc hoàn toàn vào vốn nhà nước. Những đầu tư không hiệu quả, gây thua lỗ nặng nề cho vốn Nhà nước lâu nay đều bắt nguồn từ nghịch lý này. Vì thế, từ thời điểm này, nó phải được chấm dứt, vì mục tiêu lớn nhất là kiềm chế lạm phát.
Nhưng nếu Nhà nước “siết chặt hầu bao” ở đầu tư công, thì muốn lạm phát giảm nhiệt, lại phải kích cầu sản xuất. Vì thế, hai động thái “siết chặt” và “mở ra” lại phải tiến hành song song. Hạ nhiệt lạm phát tới đâu là phải hạ lãi suất ngân hàng tới đó để các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay được vốn để sản xuất.
Bởi, xét cho cùng, chỉ một khi sản xuất phát triển, kinh tế tăng trưởng thì mới thực sự làm “hạ nhiệt” lạm phát. Chứ như bây giờ, khi các doanh nghiệp đều “co cụm” lại do thiếu vốn, rồi sản xuất đình trệ, thì chắc chắn lạm phát không thể giảm. Đó là một bài toán khó mà Nhà nước và toàn bộ nền kinh tế, toàn xã hội phải chung tay giải cho ra, nếu muốn thoát cảnh “ lạm phát tăng” hay “lạm phát ở mức cao”. n
Thanh Thảo
Vui lòng nhập nội dung bình luận.