Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của siêu bão Goni. (Ảnh: Trung tâm Dự báo KTTVQG).
Siêu bão Goni đổ bộ vào Philippines hôm nay (1/11)
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 1 giờ sáng nay (1/11), siêu bão Goni đang ở cách miền Trung Philippines khoảng 70km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 17 (200-220km/giờ), giật trên cấp 17.
Siêu bão Goni được các đài khí tượng trên thế giới đánh giá là cơn bão mạnh nhất năm 2020. Nó sẽ đổ bộ vào đất liền Philippines trong ngày hôm nay (1/11) và trở thành cơn bão nhiệt đới thứ 18 ảnh hưởng đến quốc gia này từ đầu năm 2020 đến nay.
Dự báo trong 24 giờ tới, siêu bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và suy yếu.
Đến 1 giờ ngày 2/11, vị trí tâm bão ở trên khu vực miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào Biển Đông trở thành cơn bão số 10 năm 2020.
Đến 1 giờ ngày 3/11, vị trí tâm bão ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 380km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 13.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão số 10 di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km.
Đến 1 giờ ngày 4/11, bão ở trên vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 13.
Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km.
Cơ quan khí tượng Philippines dự báo, siêu bão Goni sẽ suy yếu đáng kể sau khi quét qua đảo Luzon và tiến vào Biển Đông. 21 tỉnh Philippines dự kiến sẽ nằm trong vùng ảnh hưởng của siêu bão Goni.
Trong khi đó, một cơn bão khác có tên Atsani cũng đang dần mạnh lên ngoài Thái Bình Dương và dự kiến sẽ tiếp tục tấn công Philippines trong vài ngày tới. Mỗi năm, Philippines đón trung bình 20 cơn bão.
Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đã ban hành phương án ứng phó siêu bão Goni
Theo nhận định xa, siêu bão Goni sau khi vào Biển Đông có thể sẽ suy yếu và ảnh hưởng đến khu vực Trung Bộ, gây mưa lớn cho khu vực này. Tuy nhiên, do khu vực này thời gian qua đã liên tiếp hứng chịu các cơn bão và các đợt mưa lớn khiến lũ chồng lũ, tính tổn thương rất cao. Do đó, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đã ra công điện yêu cầu các tỉnh miền Trung lên phương án ứng phó với siêu bão Goni ngay từ khi nó chưa vào Biển Đông.
Theo đó, Ban chỉ đạo yêu cầu các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa và các bộ, ngành liên quan ngoài việc khắc phục hậu quả mưa lũ cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão Goni, thông báo cho chủ các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền; hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và tài sản, khách du lịch trên các đảo, ven biển, lồng bè, các khu nuôi trồng thủy sản và bảo vệ công trình ven bờ.
Rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông.
Bên cạnh đó, tổ chức vận hành, chủ động xả lũ bảo đảm an toàn các hồ đập thủy lợi, thủy điện; bố trí lực lượng thường trực tại các hồ chứa đã đầy nước, hồ chứa có nguy cơ mất an toàn để kịp thời xử lý khi có tình huống; triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu.
Huy động mọi phương tiện, nguồn lực nhanh chóng tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân còn đang bị mất liên lạc; khắc phục giao thông trên các Quốc lộ, tỉnh lộ, đường sắt, đồng thời tăng cường dự báo, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.