Ông Nguyễn Xuân Tự
Dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng vừa được Bộ KH&ĐT trình lên Thủ tướng Chính phủ, quan điểm của nhiều người là thẩm định quá nhanh, chưa tới 1 nửa năm cho một “siêu” dự án, quan điểm của ông như thế nào?
- Đây mới là đề xuất dự án, bước đầu Bộ KHĐT tập hợp ý kiến của các bộ ngành để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Sau khi có ý kiến và chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, chủ đầu tư phải hoàn thiện đề xuất đó và sau đó cơ quan có thẩm quyền duyệt đề xuất. Bước tiếp theo là cơ quan quản lý sẽ tiếp tục duyệt dự án xem có khả thi hay không thì mới được đầu tư, tức là còn 2 giai đoạn nữa. Hiện các nhà đầu tư mới có ý tưởng đề xuất bước đầu xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Nếu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ý tưởng thì họ phải tiếp tục hoàn thiện ý tưởng để các cơ quan quản lý duyệt ý tưởng đó. Tuy nhiên, tới thời điểm này, Bộ KHĐT đã trình khoảng 2 tuần nhưng Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa cho ý kiến.
Qua tập hợp ý kiến của các bộ ngành, ông có thể cho biết, quan điểm của các bộ ngành như thế nào về dự án này?
- Ở giai đoạn này mới chỉ là nghiên cứu ý tưởng, sáng kiến của doanh nghiệp nên các bộ ngành đều ủng hộ hết. Tất nhiên là giai đoạn sau phải tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện hồ sơ như thế nào, còn giai đoạn này chỉ lấy ý kiến của các bộ ngành chứ cũng chưa lấy ý kiến của các chuyên gia.
Nhiều người lo ngại, nếu dự án được phê duyệt, chủ đầu tư được sử dụng vĩnh viễn sông Hồng nên tàu thuyền đi lại phải sử dụng cảng của nhà đầu tư sẽ phải chịu phí đắt đỏ, ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Giai đoạn đầu có thể chủ đầu tư được ưu đãi, cụ thể như nào thì chi tiết quá tôi cũng không nhớ hết. Nhưng ít nhất cũng phải hài hòa, bên sử dụng cảng, bến ít nhất cũng không phải trả quá cao những cái họ được hưởng, nếu không họ có thể lựa chọn vận tải đường bộ hoặc hình thức vận tải khác. Giá cả, chi phí cũng phải là ở giai đoạn sau, bởi nhà đầu tư cũng phải thu hồi vốn và thu từ nguồn nào thì giai đoạn sau sẽ xác định rõ. Các cơ quan quản lý nhà nước phải hỏi ý kiến của người dân và các doanh nghiệp và trên cơ sở có lý, có tình chứ không thể chủ quan theo ý kiến của doanh nghiệp.
Quan điểm của Vụ giám sát và cá nhân ông thấy dự án này có khả thi hay không?
- Hiện ở giai đoạn này là ý tưởng thì chấp nhận được còn khả thi hay không phải ở giai đoạn tiếp tục nghiên cứu, tôi chưa thể khẳng định được.
Một dự án lớn như vậy, theo ông có phải xin ý kiến của Quốc hội không?
- Theo quy định, dự án trên 10.000 tỷ thì phải trình Quốc hội nhưng dự án này thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Dù dự án có tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ nhưng ngoài vốn còn nhiều cá tiêu chí khác nữa và căn cứ vào các tiêu chí đã đề ra thì chưa thuộc dự án phải báo cáo Quốc hội. Tuy nhiên, trong quá trình xem xét dự án, nếu cần thì vẫn phải báo cáo Quốc hội.
Nhiều người băn khoăn về một siêu dự án của doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào sông Hồng là vùng có ảnh hưởng lớn, quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
- Hiện doanh nghiệp này chưa được quyết định lựa chọn nên chưa chắc doanh nghiệp Xuân Thành sẽ là chủ đầu tư của dự án. Còn việc người dân quan tâm là quá đúng đối với một dự án trên sông Hồng. Tới đây còn phải xem các quy hoạch có liên quan, ví dụ Bộ NNPTNT nếu đầu tư trạm bơm có ảnh hưởng không; Bộ GTVT xem lại dọc sông đó bến, bãi như thế nào, các vấn đề liên quan tới thủy văn, thủy điện… các cơ quan thẩm định, phê duyệt cho dự án này sẽ phải trả lời câu hỏi đó. Để quyết định dự án, việc có nhiều ý kiến trái chiều của người dân là rất cần thiết. Tôi khẳng định, Xuân Thành đề xuất ý tưởng nhưng không có nghĩa họ sẽ là chủ đầu tư.
Trân trọng cảm ơn ông!
“Dự án này theo tôi trong năm nay cũng chưa thể hoàn thiện bước đánh giá khả thi của dự án, tức là bước cuối cùng để quyết định có đầu tư hay không”, ông Nguyễn Xuân Tự - Vụ trưởng, Vụ Giám sát và thẩm định đầu tư (Bộ KHĐT) nói.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.