Singapore: Nền kinh tế thân thiện với tiền điện tử nhất thế giới đóng cửa các máy ATM Bitcoin

Huỳnh Dũng Thứ hai, ngày 24/01/2022 08:35 AM (GMT+7)
Để tuân thủ các nguyên tắc mới cấm quảng cáo công khai, các công ty đã “rút phích cắm” các máy ATM tiền điện tử trên khắp Singapore.
Bình luận 0

Mới đây, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) vừa yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ tiền mã hóa hạn chế quảng cáo dịch vụ công khai, bao gồm cả vận hành ATM vật lý. Cơ quan MAS cho rằng, các giao dịch tiền mã hóa có "rủi ro cao và không phù hợp với công chúng". Do đó, quảng cáo dịch vụ tiền mã hóa tại nơi công cộng hoặc cung cấp ATM Bitcoin có thể khiến nhiều người giao dịch vô tội vạ, không lường hết rủi ro. Điều này có nghĩa là các công ty chỉ có thể tiếp thị hoặc quảng cáo trên các trang web, ứng dụng di động hoặc tài khoản mạng xã hội chính thức của chính họ.

Sau khi được ban bố, động thái này ngay lập tức khiến Daenerys & Co., nhà cung cấp ATM tiền mã hóa lớn nhất phải dừng hoạt động 5 trụ ATM Bitcoin tại Singapore.

Các nhà khai thác máy ATM tiền điện tử hàng đầu của Singapore đã buộc phải đóng cửa các máy rút tiền của họ, sau khi Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) cấm các thiết bị đầu cuối chuyển tiền mã hóa ra ngoài vòng pháp luật như một phần của chiến dịch đàn áp rộng rãi hơn đối với việc quảng cáo tiền điện tử cho công chúng. Ảnh: @AFP.

Các nhà khai thác máy ATM tiền điện tử hàng đầu của Singapore đã buộc phải đóng cửa các máy rút tiền của họ, sau khi Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) cấm các thiết bị đầu cuối chuyển tiền mã hóa ra ngoài vòng pháp luật như một phần của chiến dịch đàn áp rộng rãi hơn đối với việc quảng cáo tiền điện tử cho công chúng. Ảnh: @AFP.

"Để tuân thủ thông báo đột ngột, chúng tôi đã ngừng hoạt động 5 trụ ATM Bitcoin của mình trong khi tìm kiếm sự làm rõ thêm từ MAS; Chúng tôi hoàn toàn bị sốc", phát ngôn viên của nhà cung cấp Daenerys cho biết trong một tuyên bố.

Bên cạnh đó, Deodi, một công ty fintech địa phương cho biết họ đã đóng cửa hai máy ATM bitcoin của mình. Một trong số chúng nằm ở Sim Lim Square đã bị dỡ bỏ một ngày sau khi công bố được ban hành, theo giám đốc điều hành Zann Kwan. Mặc dù tác động lên công ty là tối thiểu, nhưng bà Kwan nói: "Nếu trọng tâm của MAS là bảo vệ các nhà đầu tư tiền số, thì thực sự có nhiều cách khác để làm điều đó như giáo dục hoặc bằng cách tạo các giới hạn mua và giao dịch tiền mã hóa nhất định cho các nhà đầu tư bán lẻ, cả trực tuyến và ngoại tuyến".

Zann Kwan còn nói thêm rằng, máy ATM Bitcoin thường là "cách dễ nhất và rẻ nhất" cho các nhà đầu tư mới muốn bắt đầu với số tiền mã hóa nhỏ. Điều này là do phí phát sinh khi giao dịch qua ATM Bitcoin thấp hơn so với các nền tảng trực tuyến khác hiện có.

Ở một phản ứng khác, Chia Hock Lai, đồng Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Singapore cho rằng cơ quan MAS nên thảo luận với đại diện trong ngành, và "sẽ tốt hơn nếu ngành này được tham khảo ý kiến, có một cách tiếp cận cân bằng hơn để đạt được các đồng thuận dễ thở hơn".

Chia Hock Lai đề xuất phân loại tiền điện tử như các sản phẩm đầu tư cụ thể, chẳng hạn như chứng quyền có cấu trúc hoặc hợp đồng thông minh tương lai, yêu cầu các nhà đầu tư phải trải qua đánh giá trước khi được phép đầu tư hay giao dịch qua tiền ảo.

Ông Chia Hock Lai nói: "Điều này sẽ giúp giải quyết mối lo ngại về việc các nhà đầu tư thiếu hiểu biết tham gia tiền số, nhưng nó cũng không ngăn cản những nhà đầu tư sành sỏi hơn tích cực tham gia vào lĩnh vực này; Ví dụ nói chung, các nhà đầu tư trẻ thích tài sản kỹ thuật số hơn các khoản đầu tư truyền thống và họ am hiểu về blockchain. Vì vậy, chúng ta phải cân bằng nhiều mặt".

Có thể thấy, với thị trường tiền mã hóa tăng trưởng mạnh trong năm 2021, lượng ATM Bitcoin trên thế giới ngày càng nhiều. Theo dữ liệu của Coin ATM Radar, lượng ATM tiền mã hóa trên toàn cầu đạt 35.000 máy tính đến tháng 1/2022, tăng hơn gấp đôi so với mức 14.033 vào tháng 1/2021. Mỹ dẫn đầu với lượng ATM Bitcoin chiếm 88%, Canada đứng thứ 2 với 6,2%.

Toàn châu Á có 240 ATM Bitcoin, trong đó Hong Kong chiếm tỷ lệ cao nhất với 130 máy. Các chuyên gia cho biết ATM Bitcoin tại Hong Kong không bị kiểm soát, trong khi quy định mới của Singapore cho thấy ranh giới pháp lý rõ ràng, chặt chẽ, khắc nghiệt hơn.

"Việc ngừng vận hành ATM Bitcoin ngầm gửi tín hiệu đến cộng đồng tiền mã hóa rằng hoạt động của họ không được hoan nghênh tại Singapore", Leonhard Weese, đồng sáng lập Hiệp hội Bitcoin Hong Kong nhận định.

Những người khác lo lắng về cách công bố này dường như cho thấy một lập trường cứng rắn hơn, có thể ảnh hưởng đến tham vọng của Singapore để trở thành một người chơi chính cho các doanh nghiệp liên quan đến tiền điện tử.

Người phát ngôn Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) cho biết: "Khi Singapore nâng cao chuyên môn và tầm vóc của mình như một trung tâm toàn cầu về tài sản kỹ thuật số, điều kiện bắt buộc là phải thiết lập các rào chắn rõ ràng để khuyến khích tăng trưởng bền vững, để có một ngành công nghiệp tài sản kỹ thuật số đáng tin cậy ở Singapore".

Giám đốc điều hành của Triple A, Eric Barbier nói rằng động thái của MAS không gây ngạc nhiên vì các nhà đầu tư "thường không nhận thấy đầy đủ rủi ro" liên quan khi bước chân vào thị trường này. Trong khi đó, các quốc gia khác cũng đang điều chỉnh hoặc xem xét các quảng cáo về tài sản tiền điện tử, ông nói thêm.

Tại Independent Reserve Singapore, giám đốc điều hành Raks Sondhi cho biết công ty hiện đang đánh giá lại các nỗ lực tiếp thị của mình để đảm bảo rằng các chiến dịch trong tương lai đều phù hợp với các nguyên tắc của Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS).

Cơ quan quản lý tiền tệ cảnh báo sự tiện lợi được cung cấp bởi các thiết bị đầu cuối chuyển tiền mặt sang tiền điện tử có thể khiến công chúng mua Bitcoin và các loại tiền ảo khác "một cách bốc đồng, mà không tính đến rủi ro". Ảnh: @AFP.

Cơ quan quản lý tiền tệ cảnh báo sự tiện lợi được cung cấp bởi các thiết bị đầu cuối chuyển tiền mặt sang tiền điện tử có thể khiến công chúng mua Bitcoin và các loại tiền ảo khác "một cách bốc đồng, mà không tính đến rủi ro". Ảnh: @AFP.

Một câu chuyện tốt hay xấu?

Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) cho biết trong thông cáo báo chí của mình vào tuần vừa qua rằng, họ đã quan sát thấy "một số" công ty tiền điện tử đang tích cực quảng bá dịch vụ của họ ở Singapore thiếu cảnh báo quan trọng, điều này có thể khuyến khích mọi người giao dịch tiền ảo một cách bốc đồng mà không có kiến thức và có tâm thế đề phòng rủi ro nhất định. Ngân hàng trung ương Singapore không nêu tên các công ty này, nhưng một số nhà quan sát cho biết các nỗ lực tiếp thị của Crypto.com có thể là lý do chính đằng sau công bố nghiêm ngặt gần đây.

Sàn giao dịch tiền điện tử này trước đây đã đăng một bảng quảng cáo lớn dọc theo vành đai mua sắm Orchard Road, cùng với các quảng cáo khác ở các ga xe lửa và trên taxi. Đoạn phim quảng cáo có sự góp mặt của ngôi sao Hollywood Matt Damon cũng đã được chiếu tại các rạp chiếu phim ở đây.

Phó giáo sư Chen Tao từ Trường Kinh doanh Nanyang thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) cho biết: "Crypto.com đã quảng cáo mạnh mẽ các dịch vụ tiền điện tử của mình, thậm chí còn vung tiền để thuê nam diễn viên người Mỹ Matt Damon". Vị giáo sư tài chính nói thêm rằng khẩu hiệu của Sàn giao dịch tiền điện tử này là gây hiểu lầm, vì nó khuyến khích các nhà đầu tư giao dịch "mà không thông báo cho họ về bất kỳ rủi ro tiềm ẩn nào".

Các nỗ lực tương tự nhằm kiềm chế việc quảng cáo công khai tài sản tiền điện tử cũng đang được tiến hành ở các nơi khác trên thế giới. Gần đây nhất, Bộ Tài chính Anh cho biết họ sẽ xử lý các quảng cáo "gây hiểu lầm" thường nhắm vào người tiêu dùng bán lẻ có kiến thức kém về rủi ro của tiền điện tử. Ở Tây Ban Nha, các nhà quảng cáo và công ty tiếp thị tài sản tiền điện tử sẽ phải thông báo cho cơ quan chức năng trước ít nhất 10 ngày về nội dung của các chiến dịch quảng cáo nhắm mục tiêu cho hơn 100.000 người của họ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem