Sinh ra đã ốm yếu, nhập viện liên tục vì bệnh bẩm sinh hiểm nghèo

Diệu Linh Thứ ba, ngày 27/08/2024 06:08 AM (GMT+7)
Chưa đầy 3 tháng tuổi nhưng bé Bình An đã phải nhập viện nhiều lần vì viêm phổi liên tục do mắc bệnh tim bẩm sinh.
Bình luận 0

Xót xa vì con ốm yếu, liên tục nhập viện

Chào đời với cân nặng 2,8kg nhưng do mắc bệnh tim bẩm sinh, bé Bình An (trú tại xã Hương Vĩ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) rất ốm yếu, cứ 20 ngày lại nhập viện một lần vì viêm phổi tái đi tái lại do mắc bệnh tim bẩm sinh. 

Bé được chẩn đoán có khiếm khuyết “thông liên nhĩ và còn ống động mạch” kích thước lớn. 

Chị Nguyễn Thị Hường, mẹ cháu Bình An cho biết: “Gia đình tôi biết con bị bệnh tim bẩm sinh khi bé được 17 ngày tuổi. Hồi đó con bị viêm phổi phải nhập viện Sản Nhi Bắc Giang điều trị, qua thăm khám bác sỹ phát hiện con bị dị tật thông liên nhĩ và còn ống động mạch nhưng khi ấy con còn nhỏ quá nên chưa thể can thiệp. 

Vì bị bệnh tim bẩm sinh nên thể trạng con yếu lắm, da xanh xao, hay bị viêm phổi tái đi tái lại, cứ khoảng 20 ngày là lại phải nhập viện điều trị 1 đợt. 

Sinh ra đã ốm yếu, nhập viện liên tục vì bệnh bẩm sinh hiểm nghèo - Ảnh 1.

Các bác sỹ phẫu thuật tim hở vá lỗ thông liên nhĩ và thắt ống động mạch cho bệnh nhi nhẹ cân 3,8kg khi bé tròn 89 ngày tuổi. Ảnh BVCC

Đến thời điểm này bé được 89 ngày tuổi với cân nặng 3,8kg là có chỉ định của các bác sỹ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang cần phẫu thuật tim để tránh biến chứng nguy hiểm tới sức khoẻ của con”.

Cho tới thời điểm hiện tại, bé Bình An với cân nặng 3,8kg là bệnh nhi bị bệnh tim bẩm sinh nhẹ cân nhất được các bác sỹ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang phẫu thuật thành công.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Cường- Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, bác sĩ trực tiếp phẫu thuật tim cho bé Bình An, bệnh nhi bị 2 dị tật tim bẩm sinh kết hợp đó là thông liên nhĩ và còn ống động mạch. Bệnh này tiến triển nặng sẽ gây biến chứng như suy tim, rối loạn nhịp tim, đặc biệt là tăng áp động mạch phổi. 

Qua kết quả siêu âm tim và điện tim, các bác sĩ nhận thấy cháu Bình An có tổn thương thông liên nhĩ lỗ thứ phát đường kính 09x15mm shunt trái - phải, còn ống động mạch kích thước lớn (đường kính phía phổi 03mm, đường kính phía chủ 5,9mm, dài ống 7.0mm shunt trái - phải), thất phải giãn, động mạch phổi giãn. 

Sinh ra đã ốm yếu, nhập viện liên tục vì bệnh bẩm sinh hiểm nghèo - Ảnh 2.

Máy chạy tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể được dùng trong ca phẫu thuật tim hở vá lỗ thông liên nhĩ. Ảnh BVCC

Chụp X-quang thấy bóng tim to, rốn phổi đậm. Đây cũng là nguyên nhân khiến cháu Bình An bị viêm phổi tái diễn và chậm phát triển. Trường hợp này cần phải được phẫu thuật sớm vì nếu để kéo dài thì sẽ nguy hiểm tới tính mạng. 

So với những trường hợp dị tật tim bẩm sinh thông liên thất và thông liên nhĩ mà Bệnh viện đã từng phẫu thuật trước đây thì trường hợp này khi phẫu thuật sẽ gặp nhiều khó khăn hơn bởi bệnh nhi thể trạng rất gầy yếu, nhẹ cân (3,8kg) lại bị thông liên nhĩ và còn ống động mạch ở mức độ rất nặng. 

Vì vậy, trong quá trình phẫu thuật đội ngũ bác sỹ cũng phải hết sức thận trọng, cẩn thận, tỉ mỉ trong từng thao tác tránh tổn thương cơ tim của trẻ. 

Theo bác sĩ Cường, thông liên nhĩ là một trong những dị tật tim bẩm sinh phổ biến với tỷ lệ 1,6/1.000 trẻ sinh sống và chiếm 08 - 10% tổng số dị tật tim bẩm sinh, xảy ra khi có một lỗ thông trên vách ngăn giữa tâm nhĩ phải và tâm nhĩ trái. 

Thông liên nhĩ thường chia làm 4 loại: Thông liên nhĩ lỗ thứ nhất (lỗ nguyên phát), thông liên nhĩ lỗ thứ 02 (lỗ thứ phát), thông liên nhĩ thể xoang tĩnh mạch và thông liên nhĩ thể xoang vành.

Sinh ra đã ốm yếu, nhập viện liên tục vì bệnh bẩm sinh hiểm nghèo - Ảnh 3.

Các bác sỹ hết sức thận trọng, cẩn thận, tỉ mỉ trong từng thao tác tránh tổn thương cơ tim của trẻ. Ảnh BVCC

Các bác sĩ quyết định tiến hành phẫu thuật cho cháu Bình An theo phương pháp phẫu thuật tim hở vá lỗ thông liên nhĩ và thắt ống động mạch, phương pháp gây mê nội khí quản cho trẻ.

Sau phẫu thuật, cháu Bình An được theo dõi đặc biệt tại Phòng Hồi sức tích cực - Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc của Bệnh viện. 5 ngày sau cuộc phẫu thuật, cháu Bình An được chuyển về Khoa Dịch vụ Y tế tự nguyện của Bệnh viện để người thân có thể trực tiếp chăm sóc cháu trước khi xuất viện.

Cần khám thai định kỳ để phát hiện bệnh tim bẩm sinh sớm cho trẻ

Sau 9 năm triển khai mổ tim theo Đề án Bệnh viện vệ tinh, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang đã thực hiện thành công kỹ thuật mổ tim hở (thông liên thất, thông liên nhĩ), kỹ thuật mổ tim kín (còn ống động mạch) cho hơn 300 bệnh nhi, đặc biệt có 50 trẻ được mổ tim ít xâm lấn qua đường nách. 

Một số bé từ 3-4 tháng tuổi nặng chưa tới 5kg đã được “chữa lành” trái tim khiếm khuyết, trong đó bé Bình An là bệnh nhi nhẹ cân nhất. 

Về việc chăm sóc trẻ sau mổ phẫu thuật tim bẩm sinh, bác sĩ Cường khuyến cáo, trẻ cần có chế độ chăm sóc, dinh dưỡng đặc biệt sau phẫu thuật, bởi vậy các bậc phụ huynh cần tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sỹ để tránh những biến chứng có thể xảy ra. 

Thường xuyên cho trẻ đi tái khám định kỳ 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm/lần cho tới khi sức khoẻ trẻ hoàn toàn ổn định. 

Sinh ra đã ốm yếu, nhập viện liên tục vì bệnh bẩm sinh hiểm nghèo - Ảnh 4.

Bác sỹ thăm khám cho bé Bình An khi bé được chuyển về Khoa Dịch vụ Y tế tự nguyện để người thân trực tiếp chăm sóc bé. Ảnh BVCC

Với các bà mẹ mang thai nên đi sàng lọc trước sinh ngay khi bé còn trong bụng mẹ tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị hiện đại phát hiện tim bẩm sinh để phát hiện sớm bệnh lý và định hướng sẵn sàng xử trí trong khi sinh hoặc điều trị sau khi trẻ sinh ra. 

"Bên cạnh đó, ngoài thăm khám lâm sàng bởi các bác sỹ sơ sinh thì việc sàng lọc sau khi sinh cho trẻ chào đời đủ tháng hoặc non tháng bằng các xét nghiệm, thăm dò chức năng (siêu âm tim, điện tim, X-quang) cũng rất quan trọng nhằm phát hiện và đưa những trường hợp bị bệnh tim bẩm sinh vào danh sách theo dõi, khám định kỳ và thực hiện chỉ định mổ ở thời điểm thích hợp, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra. 

Hiện nay, với sự phát triển của ngành phẫu thuật tim, trẻ có thể được phẫu thuật ngay từ khi còn rất nhỏ để tránh các biến chứng có thể xảy ra. Nếu được phát hiện và can thiệp sớm, 98% bệnh nhi tim bẩm sinh có thể chữa được và trở về cuộc sống như người bình thường", bac sĩ Cường nhận định. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem