Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội phải ăn cơm canh thừa, nhiều dị vật: "Mất vệ sinh, không tôn trọng người ăn"

Tào Nga - Gia Khiêm Thứ ba, ngày 08/10/2024 11:02 AM (GMT+7)
Vụ sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội phải ăn cơm canh thừa, nhiều dị vật đang trở thành tâm điểm chú ý dư luận. Các chuyên gia cho biết, cần phải siết chặt hơn nữa khâu quản lý suất ăn của học sinh, sinh viên.
Bình luận 0

Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội ăn cơm canh thừa, nhiều dị vật

Tối 7/10, thông tin về việc nhiều sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội phản ánh về chất lượng bữa ăn trong 2 tuần học giáo dục quốc phòng đăng tải gây xôn xao dư luận. Cụ thể, tất cả sinh viên năm nhất của Đại học Bách Khoa Hà Nội đều phải học giáo dục quốc phòng và phải nộp 1.630.000 đồng chi phí ăn ở tập trung trong vòng 2 tuần. Đều đặn ngày 3 bữa, các đơn vị hành quân từ khu nhà ở đến nhà ăn A15, nơi tầng 2 của khu nhà này dành riêng cho sinh viên học giáo dục quốc phòng.

Trung bình 1 ngày, nhà ăn của Khoa Giáo dục quốc phòng và an ninh, Đại học Bách Khoa Hà Nội phục vụ khoảng gần 2.000 suất ăn cho sinh viên học giáo dục quốc phòng với mức giá 85.000 đồng/ngày cho 3 bữa. Tuy nhiên, sinh viên tại đây cho biết, cơm canh thừa của người ăn trước sẽ được đổ lại vào khay cho người ăn sau và nhiều lần phát hiện ra đủ loại dị vật có trong những bữa ăn hàng ngày.

Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội ăn cơm canh thừa, nhiều dị vật: "Thiếu lịch sự, không tôn trọng" - Ảnh 1.
Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội ăn cơm canh thừa, nhiều dị vật: "Thiếu lịch sự, không tôn trọng" - Ảnh 2.
Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội ăn cơm canh thừa, nhiều dị vật: "Thiếu lịch sự, không tôn trọng" - Ảnh 3.
Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội ăn cơm canh thừa, nhiều dị vật: "Thiếu lịch sự, không tôn trọng" - Ảnh 4.

Hình ảnh sinh viên phản ánh về bữa ăn tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: CMH

Trước vấn đề trên, trao đổi với PV Dân Việt, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Dũng, giảng viên thỉnh giảng khoa Du lịch và Ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho hay: "Cá nhân tôi đã có trải nghiệm nhiều bữa ăn tại các trường đại học từ khi là sinh viên và đến bây giờ là giảng viên. Tôi thấy từng trường có bếp ăn hoạt động theo cách khác nhau. Bằng cảm quan, một số trường có bếp ăn phục vụ rất tốt, thức ăn sạch sẽ.

Có những trường có quy tắc đặc biệt như mọi người sẽ tự phục vụ lấy đồ ăn. Điều này giúp sinh viên, giảng viên cảm nhận được đồ ăn thế nào, bát đũa ra sao... Khi ăn xong chúng tôi lại bê ra các giỏ phân chia đũa bát, thìa dĩa. Suất ăn này vừa phải với sinh viên, không bị thừa thức ăn bỏ lại. 

Đối với trường hợp ở Đại học Bách khoa Hà Nội, giá mỗi suất ăn không rẻ cũng không đắt nhưng đây là hành động không thể chấp nhận của đơn vị cung cấp suất ăn. Chỉ vì lợi nhuận lấy lại cơm canh thừa, đồ ăn có dị vật không đảm bảo chất lượng cho sinh viên. 

Làm kinh doanh mà phục vụ như vậy chúng ta phải lên án. Tôi cho rằng do lãnh đạo trường không quản lý hết được nhưng phải siết chặt hơn nữa, giao trách nhiệm bộ phận quản lý giám sát. Tôi cũng đánh giá cao nhà trường nhận trách nhiệm thay vì đổ lỗi. Nhà trường nhìn nhận lại vụ việc, thay đổi, cải tổ đảm bảo chất lượng hơn là điều cần thiết.

Các đơn vị cung cấp suất ăn cho học sinh, sinh viên cũng cần phải nhìn nhận lại công việc, là bài học cảnh tỉnh. Chúng ta đã thấy nhiều vụ việc đối xử với khách hàng chưa tốt sẽ nhận hậu quả thế nào. Làm nghề dịch vụ phải có tâm mới phát triển bền vững, đặc biệt đối với ngành nghề ăn uống, hãy đặt mình vào chính vị trí của khách hàng chứ không thể vô tâm như vậy được. Đối tượng học sinh, sinh viên lại càng chú ý hơn bởi các em đang ở lứa tuổi nhạy cảm".

"Thiếu lịch sự, không tôn trọng người ăn"

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Trưởng khoa Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội nói với PV Dân Việt, việc nhà bếp dồn thức ăn thừa của những người ăn trước đó cho người sau như vậy là rất mất vệ sinh, thiếu văn minh lịch sự và không tôn trọng người ăn.

"Nếu như ở trong góc độ gia đình thì mọi người vẫn có thể sử dụng lại cơm nguội, thức ăn thừa cất tủ lạnh bữa sau nấu ăn lại. Tuy nhiên, nếu trong bữa ăn tập thể không ai nghĩ nhân viên bếp ăn tại đây lại làm như vậy, rất mất vệ sinh. Thậm chí, có trường hợp mọi người ăn gặp sạn hay cặn họ bỏ luôn tại bát. Chính vì vậy, đã làm công việc này phải có tâm, phải tôn trọng người ăn dù đó bất kể là ai", ông Thịnh chia sẻ.

Cũng theo ông Thịnh, sinh viên là giới tri thức, là một bộ phận tinh túy, quan trọng trong thanh niên Việt Nam, là lực lượng kế tục, phát huy nguồn trí tuệ nước nhà, là nguồn lực chủ yếu trong phát triển tương lai. Sự việc xảy ra như vậy sẽ mang tiếng Đại học Bách khoa Hà Nội, một trường đại học lớn của cả nước.

"Nhà ăn Đại học Bách Khoa vốn sạch đẹp, có bộ phận phục vụ ăn uống ngon. Mong rằng nhà trường sẽ không để vụ việc nào đáng tiếc xảy ra liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm", ông Thịnh nói thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem