Sinh viên giỏi "chê" cơ quan nhà nước – bài 1: Sinh viên, người giỏi muốn quay lưng
Sinh viên giỏi "chê" cơ quan nhà nước ở TP.HCM: Vì sao quay lưng? (bài 1)
Bạch Dương
Thứ tư, ngày 14/06/2023 15:51 PM (GMT+7)
Khoảng 5 năm nay, các cơ quan hành chính TP.HCM chưa có trường hợp sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ được thu hút, tuyển dụng để đào tạo nguồn cán bộ.
LTS. Từ năm 2018 đến nay, các cơ quan hành chính TP.HCM chưa có trường hợp sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ được thu hút, tuyển dụng để đào tạo nguồn cán bộ. Nguyên nhân có nhiều phía nhưng cơ bản nhất mà lãnh đạo thành phố cũng nhìn ra, đó là các quy định về chế độ, chính sách tiền lương, thu nhập là những yếu tố khiến TP.HCM gặp khó khăn trong việc phát hiện, tuyển dụng và giữ chân sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ suốt 5 năm qua.
Phó giáo sư trẻ nhất và mức lương 5,5 triệu đồng
Câu chuyện phó giáo sư trẻ nhất năm 2019 và mức lương 5,5 triệu đồng từng được rất nhiều người chú ý. Tiến sĩ Lý Kim Hà, giảng viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư năm 2019 khi anh 31 tuổi.
Từng là nghiên cứu sinh tại Ý, từ bỏ cơ hội làm việc ở nước ngoài, quay về chính ngôi trường mình đã theo học để làm việc với tâm thế sẵn sàng đối mặt khó khăn, nhưng tiến sĩ Hà thừa nhận, tháng đầu tiên cầm 4 triệu đồng cùng với hơn 400 ngàn phụ cấp, vợ chồng anh cũng hụt hẫng. Gom cả tiền giảng dạy được gần 10 triệu, đó là tất cả thu nhập của một tiến sĩ. Vợ chồng anh phải tính toán chi li để cho các khoản từ bỉm sữa cho con. Vượt qua khó khăn, tiến sĩ Lý Kim Hà là một trong những trường hợp không nhiều vẫn quyết tâm gắn bó với cơ quan nhà nước.
Cũng là một trường hợp "muốn bật khóc" là nhà khoa học trẻ Hồ Thị Thương (Viện Công nghệ sinh học). Chị là tác giả chính của 2 công bố và đồng tác giả của 4 công bố quốc tế uy tín. Chị có khát vọng "được đóng góp và cống hiến một phần sức lực nhỏ bé của mình vào sự phát triển khoa học của nước nhà, đồng thời, mang đến cho nước nhà những sản phẩm vaccine thú y có hiệu quả, ứng dụng tốt trong tương lai". Nhưng, mức lương 3 triệu đồng/tháng đã từng làm chị buồn đến bật khóc vì không có nhiều tiền gửi về đỡ đần bố mẹ làm ruộng ở quê.
Chỉ 10% sinh viên giỏi muốn vào cơ quan nhà nước
Tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia về "Chính sách thu hút, đầu tư, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ tri thức khoa học, công nghệ trong bối cảnh mới" vừa được tổ chức, khảo sát từ 20.000 sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM cho thấy, chưa đến 24% sinh viên muốn vào làm việc tại các cơ quan nhà nước, số sinh viên giỏi chỉ chiếm 10%.
Nguyễn Quỳnh Anh, tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh, Đại học Glamorgan (Vương quốc Anh) cho biết, khi quyết định về nước làm việc, chị cũng đắn đo trước đề nghị về một cơ quan cấp sở và doanh nghiệp tư nhân. Chị thẳng thắn: "Tôi chọn công ty tư nhân với mức lương khởi điểm "chấp nhận được". Nhiệm vụ của tôi là tìm hiểu, làm việc với đối tác ở một số nước, trước khi tư vấn cho công ty nhập hàng để phân phối ở thị trường Việt Nam. Tôi thấy công việc hiện tại phù hợp với mình: Được làm đúng ngành nghề đào tạo, đòi hỏi sự năng động, làm việc trong môi trường quốc tế.
Theo tôi, làm cho công ty tư nhân, nước ngoài, phần lớn là người trẻ. Môi trường làm việc ở đó năng động hơn rất nhiều. Thời gian cũng không bị bó buộc, miễn sao tôi đảm bảo được công việc, chứ không nhất thiết ngày nào cũng phải "điểm danh" 8 giờ ở cơ quan mà thực tế chưa biết hiệu quả công việc đến đâu".
Tốt nghiệp loại giỏi của Đại học Quốc gia TP.HCM, Trần Quang từng được giáo viên đề nghị cố gắng phấn đấu để được giữ lại trường, nhưng anh đã từ chối đề nghị này. "Tôi thích làm việc trong môi trường năng động, nhiều thử thách. Tôi muốn tự mình làm chứ không phải được cho việc để làm. Môi trường làm việc là quan trọng nhất. Tôi thấy mình không hợp với môi trường làm việc công sở. Bất cập mà nhiều người thấy và đã nói ở không ít các cơ quan nhà nước là cơ chế kìm hãm sự phát triển. Việc quản lý nhân sự chưa khoa học, chưa tạo được cơ chế cho người có năng lực phát huy hết khả năng.
Thu nhập cũng là "vấn đề" ở các cơ quan nhà nước. Tôi có một số người bạn ở lại trường, tổng thu nhập chỉ vài triệu đồng. Để đảm bảo cuộc sống, họ phải đi làm gia sư, giảng thêm ở một số trường dân lập. Như vậy, thời gian "toàn tâm, toàn ý" cho công việc sẽ bị ảnh hưởng".
Không chỉ khó thu hút sinh viên giỏi, theo PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cơ chế chính sách thu hút nhân tài chưa được như mong muốn, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, KHCN. TP.HCM bắt đầu thu hút nhân tài từ năm 2014, thí điểm tại 4 cơ quan nghiên cứu và thu hút được 19 chuyên gia trong và ngoài nước về làm việc, sau đó 14 người rời đi. Đến 2019, chương trình chuyển sang giai đoạn chính thức bằng Quyết định 17 với nhiều thay đổi, nhưng được đánh giá không thành công khi chỉ ký hợp đồng với một người và không thu hút được nhân tài mới.
TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ đặt vấn đề: Một TP năng động, hội tụ nhiều tiềm năng phát triển như TP.HCM nhưng vẫn thiếu chuyên gia, thiếu người. Phải chăng cơ chế hấp thụ tri thức nghẽn như cơ chế hấp thụ vốn hiện nay?
"Nhiều chuyên gia có ý tưởng phát triển tốt nhưng không ai trả lời là được hay không được dù họ rất tâm huyết với cái họ nghiên cứu… Cái làm chuyên gia nản là ý tưởng tốt nhưng không đưa được vào cuộc sống, không thể nào hấp thụ được", TS Trần Du Lịch thẳng thắn.
GS.TS Phan Xuân Biên cho rằng, đội ngũ trí thức cần nhất là môi trường, điều kiện, phương tiện làm việc và đội ngũ cộng sự làm việc. Trong khi đó, cơ chế của TP hiện nay chưa đáp ứng.
Bài 2: Doanh nghiệp bắt tay chặt chẽ để săn người tài ngay trường học
Vui lòng nhập nội dung bình luận.