Sinh viên giỏi "chê" cơ quan nhà nước – bài cuối: Khi nào mới gỡ được khó khăn?
Sinh viên giỏi "chê" cơ quan nhà nước ở TP.HCM: Khó triển khai chính sách thu hút người tài (bài cuối)
Bạch Dương
Thứ sáu, ngày 16/06/2023 05:59 AM (GMT+7)
Sở Nội vụ TP.HCM cho biết, chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ của TP.HCM đã được ban hành nhưng khi triển khai, có quá nhiều khó khăn.
Vẫn chủ yếu vướng chế độ ưu đãi, chính sách, thu nhập
Các quy định về chế độ, chính sách tiền lương, thu nhập là những yếu tố khiến TP.HCM gặp khó khăn trong việc phát hiện, tuyển dụng và giữ chân sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ suốt 5 năm qua.
Ông Nguyễn Sỹ Long, Phó Trưởng Phòng Công chức viên chức, Sở Nội vụ TP.HCM cho biết, thành phố đã có chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Theo đó, căn cứ Nghị định số 140 của Chính phủ, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Quyết định số 5784 triển khai các giải pháp thực hiện cụ thể.
Tuy nhiên, thực tế việc phát hiện, bồi dưỡng và tuyển chọn được các sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Từ năm 2018 đến nay, TP.HCM chưa thu hút được một trường hợp nào.
Phân tích nguyên nhân, ông Nguyễn Sỹ Long cho rằng các đối tượng đủ điều kiện để thu hút rất ít nên việc phát hiện, bồi dưỡng và tuyển chọn mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, đây là những sinh viên có thành tích học tập, nghiên cứu khoa học xuất sắc nên có rất nhiều cơ hội nhận học bổng trong và ngoài nước. Đây cũng là nhóm đối tượng thường được các tổ chức, doanh nghiệp ngoài khu vực công tìm kiếm và mời gọi về làm việc với mức thu nhập rất hấp dẫn và nhiều cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp. Do đó, các cơ quan, đơn vị rất khó khăn việc tuyển chọn và giữ chân được đội ngũ này nếu thực hiện chính sách tiền lương, thu nhập như hiện nay.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cho biết, lựa chọn làm việc tại cơ quan tư nhân, các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài và tự do là xu hướng chủ yếu của các bạn trẻ hiện nay. Trong đó, phải nói rằng thu nhập là vấn đề chính yếu khiến nhiều bạn trẻ ngại làm việc trong cơ quan nhà nước.
Hiện nay, mức lương cho người đi làm tại cơ quan nhà nước được hưởng hệ số 2,34 (đối với cử nhân) hay 2,67 (đối với thạc sĩ) - tương ứng với mức lương khoảng 6-7 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này thực sự quá ít và rất khó để đảm bảo đủ chi tiêu trong thời buổi bão giá hiện nay.
Không những thế, muốn làm việc tại các cơ quan nhà nước đều phải trải qua kỳ thi công chức, viên chức với tỷ lệ chọi rất cao.
Chính sách nào là hợp lý?
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhận định, TP.HCM hội tụ đủ các điều kiện thuận lợi để tập hợp, phát huy đội ngũ trí thức với những nghiên cứu đóng góp có thể áp dụng được ngay cho sự phát triển cho sự phát triển của thành phố và đất nước. Nhưng thành phố vẫn chưa phát huy hết tiềm năng.
Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ ra cơ chế chính sách quy tụ, kết nối, phát huy còn hạn chế. Trong thời gian qua, TP.HCM đã ban hành nhiều chính sách trong đó chú trọng tới tiền lương, điều kiện ăn ở, đi lại nhưng sau một thời gian cũng chỉ thu hút khoảng 20 chuyên gia trí thức.
Trong 5 năm thí điểm chính sách thu hút nhân tài, TP.HCM thu hút 19 nhà khoa học về làm việc, nhưng sau đó 14 người rời đi. Ba năm qua các đơn vị không tuyển được chuyên gia nào.
Vấn đề cần đặt ra, theo Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM Vũ Hải Quân là cơ chế chính sách thu hút người tài như hiện nay đã đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả chưa?
"Việc trả lương cao so với mặt bằng chung để thu hút có phải là cách làm, cách giải quyết vấn đề từ gốc hay mới chỉ là phần ngọn? Người tài, chuyên gia học hàm giáo sư, phó giáo sư được hưởng bậc 2 (hệ số 9,4) lương 14 triệu đồng; các trường hợp còn lại nhận hơn 13 triệu đồng mỗi tháng có thực sự thu hút được không?", ông Quân nêu ra băn khoăn.
Về cơ chế đặt hàng đào tạo nhân lực, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM bày tỏ, TP.HCM đang tái cấu trúc nền kinh tế, theo định hướng phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số và cần nguồn nhân lực chất lượng cao. TP.HCM cũng đang tích cực tiến hành cải cách hành chính, dịch vụ công theo hướng là một thành phố thông minh và để thực hiện được mục tiêu này thì cũng cần đội ngũ cán bộ được đào tạo ngang tầm nhiệm vụ.
Tuy nhiên, chưa có cơ chế để thành phố đặt hàng trực tiếp các trường đại học để đào tạo nhân lực chất lượng phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, cũng như đào tạo cán bộ quản lý có chuyên môn và kỹ năng đáp ứng yêu cầu mới.
Lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết, trước thực trạng này, Sở đang triển khai cho các cơ quan, đơn vị đăng ký nhu cầu thu hút sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ năm 2023, dự kiến trình UBND TP.HCM ban hành kế hoạch tuyển chọn vào tháng 6/2023.
Tại Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, TP.HCM đã trình phương án: "HĐND TP.HCM quyết định mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của TP quyết định về nguyên tắc, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, mức thu nhập và các chính sách khác để tuyển dụng công chức, viên chức từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, người có trình độ cao phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của TP".
Trong thời gian chờ đợi nghị quyết được Quốc hội thông qua, Sở Nội vụ cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng chính sách tuyển dụng trình HĐND TP.HCM xem xét, ban hành và triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.