Sinh viên ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương kêu cứu tiền học phí: "Trường lý giải như vậy không chấp nhận được"

Tào Nga Thứ sáu, ngày 02/08/2024 06:40 AM (GMT+7)
Theo luật sư, vụ Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương yêu cầu sinh viên đóng tiền nhưng không tổ chức dạy, sinh viên thắc mắc thì bị hoãn thi là không tuân thủ đúng quy định.
Bình luận 0

Vụ sinh viên Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương kêu cứu tiền học phí: "Lý giải như vậy là không chấp nhận được"

Liên quan đến vụ Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương yêu cầu sinh viên đóng tiền nhưng không dạy, sinh viên thắc mắc thì bị cấm thi được báo Dân Việt phản ánh ngày 1/8, trao đổi với PV báo Dân Việt, Luật sư Phạm Thị Thu - Giám đốc Công ty Luật Số 1 Hà Nội, Đoàn luật sư TP. Hà Nội, cho hay:

"Theo quy định tại Điều 65 của Luật Giáo dục Đại học và quy định tại Điều 3 Nghị định Số: 81/2021/NĐ-CP, ngày 27/8/2021 của chính phủ "Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo", học phí được định nghĩa: "Là khoản tiền mà người học phải nộp để chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo. Mức học phí được xác định theo lộ trình bảo đảm chi phí dịch vụ giáo dục, đào tạo

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương kêu cứu tiền học phí: Luật sư nói gì?- Ảnh 1.

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung kêu cứu tại cổng Bộ GDĐT. Ảnh: NVCC

Theo định nghĩa này, tiền học phí học sinh, sinh viên nộp cho cơ sở đào tạo là khoản đóng góp để chi trả thù lao cho giảng viên, các chi phí tiêu hao cho cơ sở đào tạo khi thực nhiệm cung cấp dịch vụ giáo dục.

Như vậy, đối với 14 tín chỉ với môn học bắt buộc Chương trình biểu diễn Nghệ thuật tốt nghiệp với số giờ học là "0" (Sinh viên tự học), tức Trường Đại học Sư phạm Nghệ Thuật Trung ương không tổ chức cung cấp dịch vụ nhưng buộc sinh viên nộp tiền với lý do mà vị lãnh đạo nhà trường đưa ra "trong chương trình đào tạo của nhà trường, 14 tín chỉ này là hoàn toàn tự học 100%, không có giờ lên lớp. Khoản tiền này để nhà trường chi trả cho cơ sở vật chất, vệ sinh, chi cho giáo viên... và để bù cho các học phần khác

Việc thu học phí với lý giải như vậy là không chấp nhận được. Nó không đúng với bản chất của học phí, vi phạm quy định của Luật Giáo dục Đại học và Điều 3 Nghị định 81 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo".

Việc buộc sinh viên đóng học phí cho 14 tín chỉ đối với môn "Chương trình biểu diễn Nghệ thuật tốt nghiệp" (Môn học bắt buộc chứ không phải tự chon) nhưng lại do sinh viên tự học là trái với Văn bản hợp nhất số 17 /VBHN-BGDĐT ngày 15/5/2014 của Bộ GDĐT về Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ".

Tại Điều 3 về Học phần và Tín chỉ của Văn bản này nêu rõ: Học phần là khối lượng kiến thức tương đối trọn vẹn, thuận tiện cho sinh viên tích lũy trong quá trình học tập. Phần lớn học phần có khối lượng từ 2 đến 4 tín chỉ, nội dung được bố trí giảng dạy trọn vẹn và phân bố đều trong một học kỳ. Kiến thức trong mỗi học phần phải gắn với một mức trình độ theo năm học thiết kế và được kết cấu riêng như một phần của môn học hoặc được kết cấu dưới dạng tổ hợp từ nhiều môn học. Từng học phần phải được ký hiệu bằng một mã số riêng do trường quy định.

Có hai loại học phần: học phần bắt buộc và học phần tự chọn: Học phần bắt buộc là học phần chứa đựng những nội dung kiến thức chính yếu của mỗi chương trình và bắt buộc sinh viên phải tích lũy; Học phần tự chọn là học phần chứa đựng những nội dung kiến thức cần thiết, nhưng sinh viên được tự chọn theo hướng dẫn của trường nhằm đa dạng hóa hướng chuyên môn hoặc được tự chọn tùy ý để tích lũy đủ số học phần quy định cho mỗi chương trình.

Tín chỉ được sử dụng để tính khối lượng học tập của sinh viên. Một tín chỉ được quy định bằng 15 tiết học lý thuyết; 30 - 45 tiết thực hành, thí nghiệm hoặc thảo luận; 45 - 90 giờ thực tập tại cơ sở; 45 - 60 giờ làm tiểu luận, bài tập lớn hoặc đồ án, khóa luận tốt nghiệp.

Như vậy, không có tín chỉ nào lại chỉ do học sinh tự học như quy định và giải thích của Lãnh đạo Trường Đại học sư phạm Nghệ Thuật Trung ương".

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương kêu cứu tiền học phí: Luật sư nói gì?- Ảnh 2.

Luật sư Phạm Thị Thu cho rằng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương yêu cầu sinh viên đóng tiền nhưng không tổ chức dạy, sinh viên thắc mắc thì bị hoãn thi là không tuân thủ đúng quy định. Ảnh: NVCC

Cũng theo LS Thu: "Một đểm khác cũng cần làm rõ về tính công khai minh bạch của lãnh đạo nhà trường: Khi sinh viên thắc mắc lại không giải thích rõ ràng mà buộc họ phải làm cam kết, giải trình là đã hiểu nội dung giải thích của nhà trường, đã hiểu rõ nội dung đó và không thắc mắc gì mới cho đăng ký, nộp tiền để dự thi tốt nghiệp. Nếu đây là thông tin chính xác thì Trường Đại học Sư phạm Nghệ Thuật Trung ương đã không tuân thủ đúng".

Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân ban hành kèm theo Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ GDĐT, tại Điều 7, Điều 8 quy định rõ cá nội dung, hình thức công khai trong đó có nêu rõ: Công khai về các môn học của từng khóa học, chuyên ngành: công khai về giảng viên giảng dạy và giảng viên hướng dẫn (nếu có), mục đích môn học,…Công khai mức thu học phí và các khoản thu khác cho từng năm học và dự kiến cả khóa học (Điểm b khoản 3 Điều 7).

Về hình thức công khai Điều 8 Quy chế cũng quy định rõ: Công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục, đảm bảo tính đầy đủ và cập nhật khi có thông tin mới hoặc thay đổi để thông tin luôn chính xác và kịp thời…. Niêm yết công khai tại cơ sở giáo dục và đào tạo đảm bảo thuận tiện để xem xét. Thời điểm công khai là tháng 6 hằng năm và cập nhật đầu năm học hoặc khi có thay đổi nội dung liên quan. Thời gian thực hiện niêm yết ít nhất 30 ngày liên tục kể từ ngày niêm yết".

Nếu vi phạm có thể bị phạt lên tới 30 triệu đồng

Theo Luật sư Hoàng Minh Hiển, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội: "Trong trường hợp thông tin bài báo đưa đã được kiểm chứng chính xác là nhà trường đã thu tiền của sinh viên mà không dạy hoặc dạy không đúng với thời lượng, nội dung, chương trình có thể bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục theo quy định tại Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021.

Điều 11 quy định: Vi phạm quy định về thời lượng, nội dung, chương trình giáo dục. "7. Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi hoạt động giáo dục không đúng thời gian giáo dục, thời gian đào tạo hoặc hình thức đào tạo".

Ngoài ra, còn có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Điều 4 "3. Buộc tổ chức kiểm tra, đánh giá lại kết quả của người học. hoặc 4. Buộc bảo đảm quyền lợi của thí sinh, hoặc/và 15. Buộc dạy đủ số tiết, khối lượng học tập hoặc bố trí dạy đủ số tiết, khối lượng học tập".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem