Số ca Covid-19 tiếp tục tăng, đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng mùa xuân
Số ca Covid-19 tiếp tục tăng, đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng mùa xuân
Diệu Linh
Thứ tư, ngày 09/02/2022 06:09 AM (GMT+7)
Trong những ngày nghỉ Tết, trong Chiến dịch tiêm chủng mùa xuân, cả nước đã tiêm được hơn 1,5 triệu liều vaccine Covid-19. Nhận định dịch Covid-19 năm 2022 vẫn còn phức tạp, Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng.
Bộ Y tế có văn bản khẩn gửi các tỉnh, thành phố về việc đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân vaccine Covid-19.
Đảm bảo người từ 12 tuổi trở lên tiêm đủ liều vaccine Covid-19 cơ bản
Bộ Y tế cho biết, số liệu của các địa phương, đơn vị cho thấy, đến hết ngày 6/2 (mùng 6 Tết), cả nước đã tiêm được khoảng 182,5 triệu liều vaccine Covid-19. Tỷ lệ tiêm mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt 95,5%, mũi 3 (liều nhắc lại) cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 25%.
Riêng trong chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân, cả nước đã thực hiện khoảng 1,5 triệu liều vaccine Covid-19.
Để tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân và hoàn thành mục tiêu bao phủ vaccine, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh thành, đơn vị liên quan tiếp tục triển khai quyết liệt chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân theo kế hoạch đã được Bộ Y tế ban hành, bảo đảm tất cả những người từ 12 tuổi tiêm đủ liều cơ bản, người từ 18 tuổi được tiêm mũi 3 khi đến lịch.
Đặc biệt, các địa phương rà soát tiêm chủng cho người đến và trước khi đi đến nơi khác, người lao động quay trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán mà chưa được tiêm đủ liều, đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Chỉ đạo các Sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ ngành y tế trong công tác tiêm chủng vaccine Covid-19 để nhanh chóng hoàn thành mục tiêu bao phủ vaccine trong Quý 1 năm 2022, góp phần kiểm soát dịch bệnh.
Phòng chống dịch Covid-19 vẫn là nhiệm vụ hàng đầu của ngành y tế năm 2022
Trước đó, nhận định về tình hình dịch Covid-19 trong năm 2023, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, theo đánh giá Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như các chuyên gia, đại dịch Covid-19 không thể chấm dứt trước năm 2023.
Vì vậy, trong năm 2022, công tác phòng chống dịch vẫn phải được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, trước mắt và quan trọng. Chiến lược phòng dịch vẫn thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ là "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".
Trong đó, tiếp tục "phủ sóng" vaccine Covid-19 vẫn 1 trong 3 nhiệm vụ quan trọng nhằm "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".
Cụ thể, Việt Nam tiếp tục tăng bao phủ vaccine Covid-19, nhất là với mũi 3 cho những đối tượng trên 18 tuổi; đảm bảo việc tiêm cho trẻ từ 12-18 tuổi và chuẩn bị tiêm cho trẻ từ 5- dưới 12 tuổi.
Ngoài ra, vẫn tiếp tục triển khai các biện pháp về y tế công cộng như 5K, trong đó biện pháp đeo khẩu trang là một trong những giải pháp quan trọng để ngăn ngừa lây nhiễm Covid-19...
Đồng thời, tăng cường năng lực hệ thống y tế nhất là năng lực ứng phó với những ca bệnh diễn biến nhanh, tăng nặng... làm sao đảm bảo đáp ứng mọi tình huống về y tế trong mọi bối cảnh, hoàn cảnh.
Sau Tết Nhâm Dần, số ca Covid-19 mới được ghi nhận ở các địa phương đã tăng vọt. Ngày 6/2 là hơn 14.100 ca, ngày 7/2 là hơn 16.800 ca và ngày 8/2 lên đến 21.900 ca.
Trước đó, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhận định, diễn biến dịch Covid-19 trong dịp Tết Âm lịch sắp tới và trong nửa đầu năm 2022 sẽ tiếp tục diễn biến rất phức tạp.
Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là sự xuất hiện của biến chủng Omicron được nhận định là lây lan nhanh. Ngày Tết, người nhập cảnh vào Việt Nam cũng đông hơn, do đó, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam cũng khá lớn.
Hơn nữa, Chính phủ đã mở cửa hầu hết các dịch vụ, trong dịp Tết, nhu cầu đi lại của người dân giữa các địa phương tăng cao, các sự kiện cộng đồng như tổ chức hội họp, giao lưu, gặp gỡ cũng nhiều hơn… Đây là những yếu tố khiến dịch có thể lây lan trên diện rộng.
Theo PGS Phu cũng nhận định, tuy chúng ta bao phủ vaccine Covid-19 đến đa số người dân Việt Nam khiến cho Covid-19 "suy yếu" nhiều. Đa số người mắc Covid-19 khi đã tiêm đủ liều vaccine Covid-19 đều không có triệu chứng hoặc chỉ sốt nhẹ, đau đầu và âm tính rất nhanh.
Tuy nhiên, những đối tượng có nguy cơ bệnh nặng như người cao tuổi, người có bệnh nền nếu mắc Covid-19 vẫn bị đe dọa đến sức khỏe. Hơn nữa, dù chỉ tỷ lệ nhỏ bệnh nhân Covid-19 nhập viện nhưng nếu số ca mắc bùng phát mạnh thì "tỷ lệ nhỏ" này cũng có thể khiến cho hệ thống y tế quá tải…
Do đó, bên cạnh việc khống chế để số ca mắc không bùng phát quá cao thì việc tiếp tục "phủ sóng" vaccine Covid-19 để tăng cường miễn dịch cộng đồng là rất quan trọng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.