Số ca mắc giảm sâu, Việt Nam ứng phó thế nào với dịch Covid-19?

Diệu Linh Thứ năm, ngày 14/04/2022 06:22 AM (GMT+7)
Sau khi "leo" đến 180.000 ca/ngày, số ca Covid-19 mắc mới trong ngày ở Việt Nam liên tục "lao dốc", hiện chỉ còn hơn 20.000 ca/ngày, số ca tử vong còn hơn 20 ca/ngày. Vậy đã đến lúc Covid-19 được coi là bệnh lưu hành?
Bình luận 0

3 chỉ số dịch Covid-19 đều giảm sâu

Số ca Covid-19 mắc mới ngày 13/4 còn hơn 24.600 ca, số ca tử vong còn 20 ca. Theo Bộ Y tế, trung bình số ca Covid-19 nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 31.181 ca/ngày. Trong khi gần 1 tháng trước (ngày 16/3), đã có lúc, Việt Nam ghi nhận hơn 180.000 ca/ngày.

Các "điểm nóng" về dịch Covid-19 tại miền Bắc thời gian qua như Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Nghệ An... số ca mắc giảm mạnh, Hà Nội còn dưới 2.000 ca/ngày trong khi 1 tháng trước, có thời điểm Hà Nội có số ca Covid-19 mắc mới trong ngày là hơn 30.000 ca.

Đáng nói, số ca Covid-19 tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua chỉ còn 24 ca và rải rác ở nhiều tình. Hà Nội, TP.HCM không ghi nhận hoặc vài ngày mới có một ca Covid-19 tử vong, chủ yếu là người già, người mắc bệnh hiểm nghèo, người có nhiều bệnh mãn tính chưa tiêm hoặc chưa tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ.

Số ca mắc giảm sâu, Việt Nam ứng phó thế nào với dịch Covid-19?  - Ảnh 1.

Hiện chỉ còn hơn 1.200 bệnh nhân Covid-19 nặng. (Điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (ẢNh BVCC)

Hiện thống kê của Bộ Y tế cho thấy số bệnh nhân nặng đang điều trị là hơn 1.200 ca. Số bệnh nhân nặng như vậy đã giảm khoảng 70% so với cùng kỳ cao điểm tháng 3.

Ngày 13/4, học sinh mầm non, khối học sinh cuối cùng tại Hà Nội cũng được đến trường học tập trung. Trước đó, học sinh cấp 1, cấp 2, cấp 3 và Đại học đều đã "giải phóng" trên toàn quốc.
Các hoạt động du lịch, đi lại đều đã được mở lại bình thường với những khuyến cáo phòng dịch 5K tối đa có thể.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang rốt ráo chuẩn bị cho SEA Games 31 sẽ chính thức diễn ra trong 12 ngày, từ 12-23/5 với 40 môn thi đấu, hàng nghìn vận động viên đến từ các nước Đông Nam Á cũng như du khách quốc tế đến tham dự.

Như vậy, có thể nói, Việt Nam đã gần như hoàn toàn "bình thường" với dịch Covid-19.

2 kịch bản ứng phó với dịch Covid-19 tại Việt Nam

Chia sẻ về những ứng phó với dịch Covid-19 trong tình hình hiện nay, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra các kịch bản về diễn tiến dịch Covid-19 có thể xảy ra.

Kịch bản thứ nhất: Biến thể Omicron xuất hiện phổ biến trong cộng đồng và sẽ dần giảm bớt độc lực. Bên cạnh đó, với miễn dịch có sẵn từ việc tiêm vaccine Covid-19 và mắc bệnh, số trường hợp chuyển nặng và tử vong sẽ giảm. Đây là kịch bản có xu thế xảy ra nhiều hơn

"Với kịch bản này, chúng ta chuyển sang trạng thái bình thường mới, tức là đưa Covid-19 sang bệnh lưu hành. Các hoạt động xã hội có thể trở về bình thường.

Số ca mắc giảm sâu, Việt Nam ứng phó thế nào với dịch Covid-19?  - Ảnh 2.

Phụ huynh và trẻ mầm non ở Hà Nội phấn khởi khi được đi học trở lại bắt đầu từ ngày 13/4. Ảnh: Gia Khiêm

Tuy nhiên, mỗi cá nhân trong xã hội đều biết được các nguy cơ của mình và nếu thực hiện tốt biện pháp phòng chống dịch thì cuộc sống sẽ trở lại bình thường. Chúng ta chủ yếu tập trung vào những đối tượng nguy cơ cao (người cao tuổi, người có bệnh nền...)", GS Lân nhận định.

Kịch bản thứ 2: Đến nay hiểu biết về virus SARS-CoV-2 vẫn chưa được toàn diện. Khi giao lưu đi lại nhiều, việc xuất hiện liên tục các biến thể mới vẫn có khả năng xảy ra.

Các chủng này có thể hình thành do sự tương tác giữa các biến thể đã xuất hiện hoặc là chủng khác mới hơn. Chủng SARS-CoV-2 mới khi xuất hiện sẽ làm giảm đi hiệu lực bảo vệ của vaccine, có thể làm lây lan mạnh hơn và tăng nguy cơ chuyển nặng.

Theo GS Lân, với kịch bản thứ hai này, Việt Nam sẽ triển khai lại các biện pháp phòng dịch cấp bách như đã từng thực hiện.

"Mặc dù thời điểm này, chúng ta đã có nhiều 'vũ khí' chống lại Covid-19 như vaccine, thuốc điều trị, kinh nghiệm điều trị và các biện pháp phòng chống dịch, tuy nhiên ngành y tế phải thường xuyên cập nhật hơn nữa, kể cả về thuốc điều trị và đặc biệt là công nghệ vaccine để ứng phó kịp thời với các biến đổi của virus SARS-CoV-2", GS Lân cho biết.

GS Lân khẳng định, thời gian tới, Việt Nam sẽ xây dựng song song hai kịch bản: Một là khi Covid-19 trở thành bệnh lưu hành, bình thường mới; Hai là vẫn luôn dự phòng các kịch bản khi xuất hiện tình huống mới, chủng mới mang tính nghiêm trọng để không để bị động.

Số ca mắc giảm sâu, Việt Nam ứng phó thế nào với dịch Covid-19?  - Ảnh 3.

Tiêm vaccine Covid-19 vẫn là biện pháp hữu hiệu chống dịch Covid-19 hiện nay (Tiêm vaccine Covid-19 tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh BVCC)

"Phủ sóng" vaccine Covid-19 là nhiệm vụ trọng yếu chống dịch Covid-19

Vaccine Covid-19 đã mang lại những chuyển biến rõ rệt trong chống dịch Covid-19 với số ca Covid-19 có triệu chứng nặng giảm, số ca tử vong giảm mạnh.

Do đó, Bộ Y tế xác định, việc tiêm vaccine Covid-19 cho người dân vẫn là nhiệm vụ quan trọng trước mắt để chống lại Covid-19.

Cụ thể, tăng cường truyền thông và triển khai tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, nhất là các đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, người có bệnh nền, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, người không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm lao động di cư ở các thành thị… đều được bảo đảm tiếp cận các dịch vụ y tế...

Đồng thời, trong tuần tới (từ 18/4), trên cả nước sẽ diễn ra chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. PGS.TS Dương thị Hồng – Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, trước tiên sẽ tiêm cho trẻ lớp 6, sau đó sẽ tiêm cho các trẻ ở lứa tuổi nhỏ hơn.

GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo khảo sát của 63 tỉnh thành phố, dự tính có khoảng 11,8 triệu trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cần tiêm vaccine Covid-19.

Tuy nhiên, trong số đó ước tính có khoảng 3,6 triệu trẻ đã mắc Covid-19 và 8,2 triệu trẻ em là chưa mắc Covid-19. Do đó, trong đợt tiêm đầu tiêm sẽ tiêm trước cho trẻ chưa mắc Covid-19 và tiêm đủ 2 mũi.

"Dự kiến trong tháng 7- tháng 8 sẽ tiêm hết cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đủ điều kiện tiêm", GS Lân nhấn mạnh.

Chưa thể hoàn toàn bình thường với Covid-19

"Hiện nay, chúng ta chưa thể coi Covid-19 như bệnh bình thường vì người nghi mắc vẫn phải àm xét nghiệm, người mắc Covid-19 vẫn phải cách ly, ngành y tế vẫn khuyến cáo người dân thực hiện 5K. Do đó, chúng ta chưa thể trở về với cuộc sống bình thường như khi "chưa có Covid-19".

Tuy nhiên, với kinh nghiệm điều trị bệnh hiệu quả của ngành y tế, kiến thức phòng chống bệnh dày dặn hiện nay của người dân, hiệu quả của vaccine Covid-19, chúng ta sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh mà vẫn đảm bảo phát triển kinh tế, an sinh xã hội.

Người tiêm vaccine Covid-19 vẫn có thể mắc Covid-19, người mắc Covid-19 vẫn có thể mắc lại. Do đó, người dân không được lơ là, chủ quan vẫn cần cảnh giác trong việc giám sát các biến chủng của SARS CoV-2.

Cùng đó, các địa phương vẫn phải sẵn sàng các phương án để ứng phó với dịch bệnh trong bối cảnh số ca mắc bất ngờ tăng cao hoặc virus kháng lại vaccine"

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem