Số ca nhiễm Covid-19 cộng đồng vẫn "tiềm tàng", Hà Nội có tiếp tục giãn cách xã hội lần thứ 4?

Gia Khiêm Thứ bảy, ngày 28/08/2021 06:15 AM (GMT+7)
Đánh giá về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn, Phó giám đốc CDC Hà Nội nhấn mạnh vẫn rất phức tạp, nhiều ca F0 nhưng "lúc nào cũng chỉ khai báo trước đó ở nhà"…
Bình luận 0

"Nhiều trường hợp F0 chỉ khai báo ở nhà, Hà Nội vẫn còn rất nhiều nguy cơ"

Những ngày qua, Hà Nội đang trải qua đợt giãn cách xã hội lần thứ 3 kéo dài đến 6/9 tới đây. Trước đó, thành phố bắt đầu giãn cách xã hội từ ngày 24/7. Lãnh đạo thành phố yêu cầu các lực lượng chức năng tiếp tục siết chặt việc người dân ra đường không có lý do chính đáng, hợp lý. 

Các nơi phong tỏa phải kiểm soát nghiêm, chặt hơn, bố trí lực lượng, phương tiện cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa cho từng gia đình, từng người dân để nhân dân yên tâm ở tại chỗ, không ra ngoài.

Số ca nhiễm Covid-19 cộng đồng vẫn "tiềm tàng", Hà Nội liệu có tiếp tục phải giãn cách xã hội lần thứ 4? - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng phong toả ngõ 328 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân ngày 27/8. Tại phường này tính từ 23/8 đến chiều 27/8 đã ghi nhận 134 ca mắc. Ảnh: Gia Khiêm

Vài ngày qua, số lượng ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng vẫn tăng cao. Đơn cử như ngày 27/8 tại Hà Nội ghi nhận 59 ca mắc mới trong đó có 37 tại cộng đồng. Trước đó, ngày 26/8 ghi nhận 66 ca, trong đó có 56 tại cộng đồng… Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4 đến nay) đã ghi nhận 2.895 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.518 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.377ca.

Số ca nhiễm Covid-19 cộng đồng vẫn "tiềm tàng", Hà Nội liệu có tiếp tục phải giãn cách xã hội lần thứ 4? - Ảnh 2.

Các lực lượng tiếp tế cho người dân khu cách ly ngõ 328 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung chiều 27/8. Ảnh: Gia Khiêm

Nhiều người băn khoăn trong 10 ngày cuối cùng của đợt giãn cách lần thứ 3 Hà Nội có ngăn chặn được dịch bệnh? Liệu Hà Nội có tiếp tục kéo dài thêm thời gian giãn cách xã hội?

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đánh giá, dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội hiện nay vẫn diễn biến hết sức phức tạp, số ca nhiễm trong cộng đồng vẫn tăng cao.

Số ca nhiễm Covid-19 cộng đồng vẫn "tiềm tàng", Hà Nội liệu có tiếp tục phải giãn cách xã hội lần thứ 4? - Ảnh 3.

Xe cứu thương chở người F1 ở phường Thanh Xuân Trung đi cách ly chiều 27/8. Ảnh: Gia Khiêm

"Đến giờ này, việc Hà Nội có tiếp tục giãn cách xã hội tiếp hay không chưa thể nói được điều gì, hiện giờ còn nhiều ca nhiễm trong cộng đồng. Như chùm ca bệnh phức tạp ở phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) cơ bản đã được khoanh vùng. Điều tôi lo ngại nhất đó là các ca dương tính ở khu vực mới. 

Thời điểm trước đó, người dân đi lại nhiều quá. Thêm nữa xe luồng xanh đường dài ra vào Hà Nội nhiều không kiểm soát hết được. Đó là nguồn tồn tại ca nhiễm mới trong cộng đồng nên giờ chưa thể nói được gì", ông Tuấn nêu ra thực trạng.

Để ngăn chặn được dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội, ông Tuấn cho rằng, người dân tiếp tục cần phải khai báo ho sốt và giám sát thật nhanh trường hợp đó. 

Số ca nhiễm Covid-19 cộng đồng vẫn "tiềm tàng", Hà Nội liệu có tiếp tục phải giãn cách xã hội lần thứ 4? - Ảnh 4.

Theo ông Khổng Minh Tuấn, nhiều trường hợp F0 khai báo thiếu trung thực gây khó khăn cho lực lượng truy vết. Ảnh: Gia Khiêm

"Giờ như đi đãi cát tìm vàng. Nhiều người ho sốt đến ngày thứ 4, thứ 5 mới đi lấy mẫu xét nghiệm, như vậy muộn mất. Vì vậy, mọi người khi có triệu chứng phải khai báo ho sốt để lấy mẫu ngay.

Thứ 2, mọi người phải hạn chế việc đi lại chứ hiện tại đường vẫn đông nghịt. Tình trạng sáng kiểm soát chặt, chiều lỏng sẽ không hiệu quả. Như ngày thứ 6 mà đường phố đông nghịt như vậy rất khó. Hà Nội đã giãn cách rồi nhưng có giãn cách không đó là một vấn đề. 

Việc kiểm soát người dân chỉ cần một nơi lỏng, 1 nơi chặt sẽ không giải quyết được gì. Chỉ cần một mắt xích thôi khi một người dương tính đi hết chỗ này chỗ kia sẽ không giải quyết được điều gì, việc kiểm soát dịch sẽ rất khó", ông Tuấn chia sẻ. 

Số ca nhiễm Covid-19 cộng đồng vẫn "tiềm tàng", Hà Nội liệu có tiếp tục phải giãn cách xã hội lần thứ 4? - Ảnh 5.

Lực lượng chức năng tạm chốt chặn kiểm soát phố Ngọc Hà, quận Ba Đình tối ngày 27/8. Ảnh: Gia Khiêm

Bên cạnh đó, Phó giám đốc CDC Hà Nội cũng nêu ra một vấn đề đáng chú ý đó là việc người dân chưa trung thực trong khai báo y tế.

"Trong thời điểm này, nhiều trường hợp F0 khai báo y tế nhưng lúc nào cũng chỉ khai trước đó ở nhà, không đi đâu. Nhiều người không trung thực vì nếu khai đi ra đường sẽ vi phạm vì Hà Nội đang trong đợt giãn cách xã hội. Tuy nhiên, việc khai báo không trung thực sẽ rất khó khăn trong truy vết", ông Tuấn nhấn mạnh.

Trong vài ngày tới, ông Tuấn cho hay, sẽ tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm tại khu vực phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân bởi khu vực này quá đông, quá chật nhưng cơ bản chốt chặt, các ca dương tính xuất hiện bên trong khu vực phong toả.

"Trước đó, tại đây chắc chắn có nhiều người đến làm việc, đi lại… CDC cũng đã ra thông báo ai từng đến đây cần khai báo y tế ngay. Khu vực này không ngại, điều chúng tôi ngại nhất đó đối tượng ở nơi khác đến đây sẽ rất dễ xuất hiện ca nhiễm lẩn khuất trong cộng đồng. 

Chùm ca bệnh tại phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai cũng khá phức tạp…. Đến thời điểm này vẫn chưa thể nói được dịch bệnh tại Hà Nội diễn biến thế nào, nguy cơ vẫn còn rất nhiều", ông Tuấn thông tin thêm.

"Hà Nội có thể tiếp tục giãn cách xã hội lần thứ 4"

GS.TS Nguyễn Anh Trí, Anh hùng lao động, Đại biểu Quốc hội, Nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho rằng suốt những ngày qua thành phố Hà Nội rất quyết liệt khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn bùng phát. Ông Trí cho rằng sở dĩ như vậy còn một số lý do.  

Số ca nhiễm Covid-19 cộng đồng vẫn "tiềm tàng", Hà Nội liệu có tiếp tục phải giãn cách xã hội lần thứ 4? - Ảnh 6.

Nhân viên y tế kiểm tra các trường hợp đưa đi cách ly tại phường Thanh Xuân Trung ngày 24/8. Ảnh: Gia Khiêm

"Việc thành phố thực hiện rất quyết liệt công tác phòng chống dịch nhưng ở đâu đó vẫn còn người dân thực hiện chưa nghiêm túc. Ca dương tính ẩn náu trong cộng đồng vẫn còn nhiều. Chính vì vậy, Hà Nội là nơi có nguy cơ bùng phát dịch.

Thứ 2, tôi cho rằng giải pháp 5K và giãn cách xã hội chưa đủ mạnh. Việc thực hiện giãn cách xã hội không thể thực hiện kéo dài mãi được. 

Nếu dùng hai biện pháp này là cần thiết nhưng để ngăn chặn được dịch bắt buộc Hà Nội phải thực hiện việc tiêm vaccine nhanh nhất, mạnh nhất, đầy đủ và kịp thời nhất. Phải ưu tiên tiêm vaccine tại Hà Nội ngay. Toàn thành phố Hà Nội hiện chỉ cần 14-16 triệu liều vaccine", GS.TS Nguyễn Anh Trí chia sẻ.

Số ca nhiễm Covid-19 cộng đồng vẫn "tiềm tàng", Hà Nội liệu có tiếp tục phải giãn cách xã hội lần thứ 4? - Ảnh 7.

Nhân viên y tế chuẩn bị đưa người F1 đi cách ly ở phường Thanh Xuân Trung chiều 27/8. Ảnh: Gia Khiêm

Trước thắc mắc việc Hà Nội có phải tiếp tục giãn cách lần 4 hay không, ông Trí cho rằng những ngày sắp tới thành phố sẽ có phương án. Tuy nhiên, ông đánh giá trước tình hình dịch bệnh hiện vẫn phức tạp, ca bệnh trong cộng đồng vẫn xuất hiện thì việc "giãn cách tiếp hoàn toàn có thể xảy ra".

Trước đó, ngày 26/8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký văn bản số 2771 về việc tăng cường các biện pháp chống dịch trên địa bàn thành phố.

Theo đó, về việc triển khai phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại cơ sở, ông Chu Ngọc Anh yêu cầu tuyên truyền mạnh hơn, hiệu quả hơn để nhân dân nắm rõ sự nguy hiểm của dịch bệnh và thực hiện nghiêm các quy định của TP tại các chỉ thị, công điện của UBND TP.

Trong thời gian giãn cách xã hội, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, "ai ở đâu ở đó", cách ly người với người, nhà với nhà, xã phường với xã phường... và phải bảo đảm các yêu cầu y tế, lương thực, thực phẩm, dịch vụ thiết yếu và trật tự an toàn xã hội cho người dân ngay tại xã, phường, thị trấn. 

Ông Chu Ngọc Anh đề nghị thời điểm trên cần ưu tiên lớn nhất là để phòng chống dịch Covid-19. "Tuy nhiên, tùy tình hình, cần quan tâm chỉ đạo phát triển các mặt kinh tế - xã hội và các công việc quan trọng khác trên nguyên tắc bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng, chống dịch", Chủ tịch Hà Nội nói.

Về xét nghiệm diện rộng, căn cứ kết quả các đợt xét nghiệm diện rộng đợt 1 và 2 của TP và tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ tịch Hà Nội giao Sở Y tế tiếp tục tham mưu xây dựng kế hoạch xét nghiệm cho các khu vực nguy cơ và cho các trường hợp nguy cơ.

"Tiếp tục xét nghiệm cho các trường hợp bị ho sốt tại cộng đồng để sàng lọc, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, truy vết F1, làm sạch cộng đồng, trong đó tập trung cao điểm trong hai đợt: từ nay đến ngày 30/8 và từ ngày 30/8 đến ngày 6/9", ông Chu Ngọc Anh chỉ đạo. 

Về việc mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu phải thực hiện ngay, không được chậm trễ.

Về công tác an ninh, trật tự, an toàn thông tin trên địa bàn TP, ông Chu Ngọc Anh giao Công an TP phối hợp Bộ tư lệnh thủ đô và các lực lượng địa phương siết chặt kiểm soát tại 23 chốt vào TP.

"Tiếp tục triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP trong đợt giãn cách xã hội và dịp lễ kỷ niệm Quốc khánh 2-9", Chủ tịch Hà Nội đề nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem