Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có báo cáo về tình hình triển khai thực hiện nghị quyết 16/NQ-CP ngày 8/6/2012 và nghị quyết 54/2017/QH 14 ngày 24/11/2017. Theo đó, Sở kiến nghị với Bộ GD-ĐT và các cấp lãnh đạo cho phép ngành GD-ĐT TP.HCM được áp dụng cơ chế đặc thù trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhằm triển khai những giải pháp mang tính đột phá, đổi mới.
Sở GD-ĐT TP.HCM cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT giao quyền cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện kiểm tra đánh giá, công nhận tốt nghiệp THPT. Ảnh minh họa
Cụ thể, cho phép học sinh các trường chuyên, lớp chuyên được thi một số tín chỉ ở một số môn tương ứng, phù hợp đang giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng để có thể được chứng nhận hoàn thành tín chỉ môn cơ bản, nhà trường và giáo viên giảng dạy có trách nhiệm đánh giá định kỳ học sinh. Sở GD-ĐT tổ chức đánh giá chung giữa và cuối cấp học để làm cơ sở xem xét hoàn thành chương trình học của cả cấp.
Ngoài ra, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT giao quyền cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện kiểm tra đánh giá, công nhận tốt nghiệp THPT. Và Bộ GD-ĐT sẽ định kỳ tổ chức đánh giá chất lượng giáo dục của các tỉnh, thành phố theo các chuẩn quốc tế (PISA, PASEC...), công bố rộng rãi trên toàn quốc.
Đề xuất giao quyền tổ chức thi và công nhận tốt nghiệp THPT về cho địa phương từng được nhắc đến nhiều lần, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát. Việc tổ chức một kỳ chung trên cả nước cùng một thời điểm là rất khó. Ngoài ra, việc này cũng phù hợp với Luật Giáo dục - điểm mở là không quy định kỳ thi trên ở cấp quốc gia hay ở cấp tỉnh. Do đó, Bộ GD-ĐT hoàn toàn có thể giao việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp cho các địa phương.
Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đề xuất Bộ cho phép các trường chủ động điều chỉnh thời lượng giảng dạy của các bộ môn, miễn là đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng, chủ động xây dựng chương trình giảng dạy tích hợp, liên môn và đa dạng hình thức kiểm tra, đánh giá.
Bên cạnh đó, Sở cũng đề xuất điều chỉnh tỷ lệ % trường mầm non đạt chuẩn quốc gia tùy theo đặc thù từng địa phương.
Bộ GD-ĐT xem xét kiến nghị của UBND TP tại công văn số 6672 ngày 12/12/2013 về kiến nghị bổ sung Quyết định 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể điều chỉnh đối với cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn TP có diện tích xây dựng trực tiếp phục vụ GD-ĐT tổi thiểu là 2m2/học sinh.
Ngoài ra, Sở muốn tăng số lượng giáo viên mầm non để thực hiện được hai ca giữ trẻ cho con công nhân đến 20h30, cả ngày nghỉ. Để thực hiện được 2 ca giữ trẻ cho con công nhân đến 20h30 và giữ cả ngày thứ bảy, chủ nhật cần phải tăng số lượng giáo viên mầm non, tuy nhiên, hiện nay việc này phải được chấp thuận của Bộ Nội vụ.
Theo Luật Giáo dục, học sinh học hết chương trình THPT, đủ điều kiện theo quy định thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc UBND cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp. Kỳ thi này trước đây là THPT quốc gia và nay là tốt nghiệp THPT.
TP.HCM hiện có hơn 1,7 triệu học sinh các cấp và gần 79.000 giáo viên. Theo báo cáo trên, quy mô và mạng lưới các cấp học ở TP.HCM được đầu tư phát triển đồng bộ. Thành phố luôn dành kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học khoảng 2.000 tỉ đồng/năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.