Đủ chiêu tiết kiệm gas
Chị Minh Tuyết (Hoàng Hoa Thám, Ba Đình) chia sẻ kinh nghiệm: “Mỗi lần đổi gas lại thấy tiếc tiền nên khi nấu nướng tôi cũng hạn chế, vặn nhỏ lửa, chuẩn bị sẵn đồ ăn mới bật bếp. Mọi người thường không lưu ý những thứ nhỏ nhặt, nhưng chính từ việc thay đổi cách đun nấu lại là cách tiết kiệm ga tốt nhất”.
|
Bếp than tổ ong xuất hiện tại nhiều nhà. Ảnh: Thảo Nguyễn. |
Chị Tuyết còn bật mí thêm một phương pháp tiết kiệm khác: Khi đun nấu, nếu thấy cần thiết mới thêm nước. Khác với chị Tuyết, Chị Hồng Loan (Cầu Giấy) dùng lưới tăng nhiệt cho bếp gas nhà mình. “Tôi đã dùng 2 chiếc lưới tăng nhiệt, thấy tiết kiệm được gas phần nào. Nếu như trước đây mất tháng rưỡi gia đình tôi đổi bình gas một lần thì nay 2 tháng mới phải đổi”, chị Loan nói.
Dạo qua một số siêu thị, cửa hàng gas trên địa bàn Hà Nội, các thiết bị giúp tiết kiệm gas như: Lưới tăng nhiệt, vòng kim loại được nhiều khách hàng lựa chọn. Đặc biệt, lưới tăng nhiệt được bán với giá 40 nghìn đồng/chiếc đang ở trong tình trạng cháy hàng tại nhiều siêu thị. Tuy nhiên, theo nhiều khách hàng, dùng lưới tăng nhiệt vẫn chưa phải là phương pháp tối ưu nhất để tiết kiệm gas, bởi sử dụng một thời gian gây ố vàng bếp.
Quản lý cửa hàng gas Gia Định (Hà Đông, Hà Nội) Minh Quân, cho biết: “Phương pháp tiết kiệm gas bằng lưới tăng nhiệt không khả quan, thậm chí còn làm giảm tuổi thọ của bếp”. Do đó, nhiều bà nội trợ quyết định quay trở lại với bếp than tổ ong truyền thống.
Nhà giàu cũng dùng bếp than
Dù đã sử dụng tới nhiều cách tiết kiệm, nhưng cứ hơn 1 tháng chị Lan Anh (Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy) lại phải đổi bình gas. Sau 2 lần tăng giá, hiện mỗi bình gas xấp xỉ 500.000 đồng/bình 12kg nên chị Lan Anh bắt đầu sử dụng lại bếp than tổ ong. Chị cho biết: “Dù dùng bếp than mất công, phải dậy sớm nhóm bếp rồi ủ bếp nhưng chi phí chỉ bằng 1/3 so với bếp gas nên chắc tôi sẽ sử dụng bếp than cho tới khi giá gas có dấu hiệu hạ nhiệt”.
Anh Nguyễn Văn Chung-chủ đại lý bếp Con cò Chung Anh (chợ Láng Hạ B, Hà Nội) nói “Giá gas tăng quá cao khiến rất nhiều người đổ xô đi chọn bếp than. Trước kia chỉ có những nhà hàng mới sử dụng, thì nay những nhà có thu nhập cao cũng tìm mua. Hỏi ra mới biết, họ sợ chi phí gas nên sử dụng đồng thời cả bếp gas và than”.
Ông N.V.Hải (bảo vệ khu chung cư Đồng Tầu, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Không có quy định cấm sử dụng bếp than tại chung cư, chỉ yêu cầu hạn chế sử dụng và sử dụng an toàn. Không ai muốn dùng bếp than vì biết được mức độ độc hại, nhưng túi tiền của các hộ dân chỉ có vậy. Cháy chung cư do sử dụng bếp than trước kia đã có ở Trung Hòa Nhân Chính nên ở đây hết sức lưu ý với những gia đình sử dụng bếp than”.
Mỗi chiếc bếp than đơn hoặc đôi có giá từ 65 nghìn đến 139 nghìn đồng, chủ yếu là hàng Việt Nam. Một viên than tổ ong có giá từ 2 đến 2,7 nghìn đồng, có thể đun nấu được nửa ngày.
Ông Khổng Văn Kha, người chuyên đưa than tại khu vực chợ Phùng Khoang chia sẻ: “Thời gian gần đây, ngoài việc đưa than cho nhà ăn công ty, nhà hàng, số than chuyển đến từng nhà dân cũng nhiều hơn. Nhà giàu cũng gọi than nhiều”.
Đại diện Cty Than sạch Hoàng Thương tiết lộ: “Gần đây, nhiều người tiêu dùng gọi điện đặt mua hàng”. Bà Nguyễn Phương Lan (Trúc Bạch, Ba Đình, HN), người sử dụng than sạch chia sẻ: “9h sáng, tôi bắt đầu nhóm bếp than và nấu ăn cho cả ngày; chiều chỉ mất vài phút hâm lại thức ăn bằng bếp ga như vậy sẽ tiết kiệm được rất nhiều. Trrước đây bình gas chỉ dùng trong 1 tháng hoặc ít hơn, bây giờ nhờ tiết kiệm nên được lâu hơn”.
Theo Tiền Phong
Vui lòng nhập nội dung bình luận.