Hiện trường vụ tai nạn xảy ra tại cầu Chương Dương
Nên phân luồng lại giao thông qua cầu Chương Dương
Sau vụ tai nạn xe Mercedes đâm gãy 10 m lan can cầu lao xuống sông Hồng khiến 2 phụ nữ tử vong, nhiều lái xe, chuyên gia có ý kiến liên quan đến việc phân luồng giao thông qua cầu và việc gia cố lan can.
Anh Nguyễn Văn Sáu (lái xe taxi ở Hà Nội) cho biết, anh thường xuyên chở khách từ nội thành Hà Nội qua cầu Chương Dương sang quận Long Biên. Vào giờ cao điểm, anh thấy xe buýt, xe tải nhỏ đi chiếm gần hết phần đường, khiến xe máy phải đi bám sát lan can cầu.
“Trong trường hợp đó, nếu như xảy ra va chạm, ô tô bất ngờ tăng tốc hoặc đánh lái thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Thêm nữa, hệ thống lan can hai bên cầu chỉ cao hơn một mét, một số đoạn có dấu hiệu hoen gỉ sẽ không đảm bảo an toàn. Nếu như Hà Nội vẫn giữ nguyên việc phân luồng giao thông như hiện nay thì phải gia cố thêm hệ thống lan can cầu bằng các cột trụ bê tông nhằm tránh va đập. Còn không, Hà Nội cần nghiên cứu phân luồng giao thông lại, không để ôtô đi vào làn xe máy như hiện nay”, anh Sáu chia sẻ.
Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 1 cũng cho rằng, thiết kế 2 làn đường biên và hệ thống lan can chỉ đảm bảo cho xe máy. Trường hợp ô tô đi vào làn dành cho xe máy và xảy ra va chạm mạnh thì tài xế rất dễ đánh lái tránh, đâm hỏng lan can và lao xuống sông.
Vào giờ cao điểm, xe buýt, xe tải nhỏ đi chiếm gần hết phần đường, khiến xe máy phải đi bám sát lan can cầu
“Tôi cho rằng, Hà Nội nên nghiên cứu để tổ chức lại giao thông qua cầu Chương Dương cho hợp lý, tránh những tai nạn tương tự như vụ tai nạn giao thông vừa qua. Thêm nữa, hiện nay Hà Nội đã có các cây cầu bắc qua sông Hồng, như cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy, các phương tiện ô tô có thể đi qua các cầu này để giảm tải cho cầu Chương Dương”, ông Quỹ nói thêm.
Sở GTVT sẽ nghiên cứu, rà soát lại chiều chỉnh cho hợp lý
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, sau vụ tai nạn, đơn vị đang rà soát, kiểm tra các thiết bị đảm bảo an toàn tại cầu Chương Dương như biển báo, hệ thống lan can, vạch kẻ đường… nhằm đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông qua lại cầu.
“Hiện nay Phòng kết cấu hạ tầng đang trong quá trình kiểm tra, rà soát nếu phát hiện có những vấn đề bất cập tại cầu Chương Dương chúng tôi sẽ đề xuất UBND thành phố phương án điều chỉnh lại cho hợp lý”, vị lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội thông tin.
Theo vị này, về vấn đề phân luồng giao thông, đơn vị sẽ phối hợp với Công an thành phố Hà Nội tổ chức lại giao thông cho phù hợp với tình hình thực tế. Còn về ý kiến của lái xe về việc gia cố thêm trụ bê tông hệ thống lan can, thời gian tới Sở GTVT sẽ cùng với các đơn vị liên quan nghiên cứu, xem xét và nếu thấy cần thiết sẽ có thay đổi cho phù hợp.
Hệ thống lan can trên cầu Chương Dương
Bà Đỗ Thị Thanh Thủy, Phó Giám đốc Cty Cổ phần Công trình giao thông Hà Nội, quản lý cầu Chương Dương cho biết thêm, tuy là đường xe máy nhưng làn đường 2 bên cầu Chương Dương vẫn có thiết kế cho xe có trọng tải 6 tấn lưu thông. Như vậy, ngoài xe máy, ô tô vẫn được đảm bảo an toàn khi lưu thông trên 2 làn đường bên.
Hàng năm cầu Chương Dương đều được kiểm tra về chất lượng, cùng với đó, đơn vị thường xuyên duy tu, sửa chữa những phần việc theo hợp đồng với Sở GTVT Hà Nội. Với các gia cố, sửa chữa lớn, đơn vị cũng đang phối hợp với Sở GTVT để có phương án triển khai cụ thể trong thời gian tới.
Trước đó, vào khoảng 19h40 ngày 3/11, chiếc ô tô 5 chỗ màu đen hiệu Mercedes di chuyển trên cầu Chương Dương hướng từ quận Long Biên về trung tâm Hà Nội. Khi đến nhịp cầu số 19 cầu Chương Dương, chiếc xe mất lái, đâm văng lan can cầu và lao xuống sông Hồng
Rạng sáng 4/11, lực lượng chức năng phát hiện chiếc xe Mercedes biển số 30E-868.36 ở dưới sông Hồng cách vị trí bị rơi khoảng 1km. Bên trong xe có 2 phụ nữ đã tử vong là chị Nguyễn Thị Thu Hương (ở Hà Đông, Hà Nội) – chủ đăng ký xe Mercedes và chị Bùi Kim Chi (21 tuổi, ở Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội).
Cầu Chương Dương được khai thác từ năm 1985, với thiết kế 4 làn xe. Hai làn ôtô trong cùng rộng 7 m, cho xe chạy hai chiều. Hai làn bên ngoài dành cho xe máy, mỗi làn rộng 3,5 m.
Từ năm 2003, Hà Nội tiếp nhận quản lý cầu từ Bộ Giao thông Vận tải và bắt đầu cho ôtô đi vào làn xe máy nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc kéo dài. Mỗi đầu cầu có biển báo cấm xe đạp, người đi bộ và hạn chế taxi vào giờ cao điểm. Làn dành cho xe máy có biển cấm xe tải, xe khách, xe 9 chỗ trở xuống hoạt động.
|
Trước việc cho ô tô đi vào làn xe máy và xảy ra vụ ô tô Mercedes đâm đổ lan can cầu Chương Dương, rồi lao xuống sông...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.