Sợ hãi trước những toan tính nham hiểm của chồng

Phương Ngọc (ghi) Thứ tư, ngày 19/04/2017 14:15 PM (GMT+7)
Tôi và chồng làm cùng công ty. Thời gian yêu nhau, tôi không nhận thấy điểm gì bất ổn ở anh. Sau 1 năm hẹn hò, chúng tôi làm đám cưới.
Bình luận 0

Khi chúng tôi yêu nhau, anh đã mua được một mảnh đất. Sau đám cưới, anh nói tôi đưa tiền để anh tính chuyện xây nhà. Tôi chẳng nghĩ ngợi gì, liền đưa cho chồng 500 triệu. Đây là toàn bộ số tiền bố mẹ cho tôi làm của hồi môn và một phần do tôi dành dụm được trong 4 năm đi làm.

Nhưng khi công trình bắt đầu khởi công, tôi mới biết mảnh đất xây nhà mang tên bố mẹ anh. Tôi hỏi thì anh đáp: “Thời gian mua mảnh đất này anh đang công tác xa nhà nên anh nhờ bố mẹ đứng tên mua giúp”. Khi tôi ngỏ ý muốn bố mẹ chồng sang tên cho vợ chồng tôi thì anh vội gạt đi và nói: “Anh thấy nhà đất đứng tên bố mẹ cũng chẳng sao. Tự nhiên sang tên làm gì cho mất phí”. Rõ ràng, anh không muốn tôi có quyền sở hữu ngôi nhà. Như vậy, về mặt pháp lý, tôi chỉ là kẻ ở nhờ trong ngôi nhà của bố mẹ anh.

Xây nhà xong, chồng tôi giao hẹn: “Lương của anh để tiết kiệm, lương của em để lo sinh hoạt gia đình và mọi khoản chi tiêu”. Khi tôi đề nghị được giữ tiền tiết kiệm, anh cương quyết không đồng ý. Tôi không muốn vợ chồng căng thẳng nên đành ngậm ngùi nghe theo sự sắp đặt của chồng.

img

Ảnh minh họa

Rồi tôi có bầu và sinh con. Tôi phải lo tiền nuôi con, tiền thuê người giúp việc, tiền ăn uống và mọi khoản khác trong nhà. Thậm chí, khi 2 vợ chồng đi ăn sáng, anh cũng giục tôi đứng dậy trả tiền. Đồng lương của tôi chỉ đủ trang trải sinh hoạt gia đình, từ ngày lấy chồng, tôi không mua nổi cho bản thân mình một bộ quần áo đẹp. Anh thấy vợ thiếu thốn cũng chẳng quan tâm. Anh còn bảo: “Em lấy chồng rồi, diện làm gì? Anh thấy quần áo, phấn son rõ là phù phiếm”.

Khi tôi bảo chồng mua cho con một chiếc nôi, anh nói tỉnh bơ: “Em có tiền thì mua, không thì thôi. Anh thấy không cần thiết”. Lúc tôi phàn nàn về chiếc xe máy cũ của mình đi quá tệ, anh xúi tôi rằng: “Em về xin tiền ông bà ngoại mà mua. Xin được thì đổi xe không thì cứ đi xe cũ. Anh thấy cái xe cũ vẫn chạy được mà”.

Tôi thử làm nhiều cách mà không thể moi được một đồng nào từ túi của chồng. Tôi hỏi: “Anh bo bo giữ tiền để làm gì?”. Anh đáp: “Anh giữ để lo việc lớn. Em đàn bà không phải bận tâm”. Anh cũng chẳng nói rõ “việc lớn” là việc gì khiến tôi cảm thấy vô cùng ấm ức.

Có lần vợ chồng to tiếng, anh thách thức tôi rằng: “Cô thấy ở với tôi khổ quá thì chia tay. Cô cứ viết đơn đi, tôi ký”. Tôi không dám viết vì biết anh chẳng nói chơi. Và nếu ly hôn, chắc chắn, tôi sẽ phải ra khỏi nhà chồng với 2 bàn tay trắng.

Bấy lâu nay, tôi băn khoăn về cuộc sống gia đình. Bản tính gia trưởng, tham tiền ở chồng tôi không thể thay đổi được. Sự toan tính của chồng khiến tình yêu tôi dành cho chồng dần nguội tắt. Tôi không còn hứng thú khi gần gũi với anh.

 Tuy nhiên, ngoài việc khư khư giữ tiền, chồng tôi không có thói hư tật xấu. Hết giờ làm là anh về nhà, giúp đỡ vợ chăm con. Vậy tôi có nên tiếp tục nhẫn nhịn và làm mọi thứ theo sự sắp xếp của chồng? Tôi có nên cố gắng giữ cho con một gia đình trọn vẹn?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem